Nhiều người gọi nữ nhà văn - nhà báo Svetlana Alexievich là “tượng đài của lòng dũng cảm trong thời đại chúng ta”. Giải Nobel Văn học 2015 có điểm đặc biệt hơn các năm khác là trao cho thể loại phi hư cấu. Svetlana Alexievich nổi tiếng với những trang viết về đời sống Belarus trước và sau khi Liên bang Xô viết sụp đổ, những bi kịch xảy ra trong chiến tranh Thế giới II, chiến tranh Afghanistan và thảm họa Chernobyl...
“Bằng phương pháp độc đáo - ghi nhận tiếng nói của nhiều người và đưa vào tác phẩm của mình, nữ tác giả Alexievich giúp chúng ta có cái nhìn toàn diện về cả một kỷ nguyên” - Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển đánh giá.
Nhà văn - nhà báo Alexievich tự sự rằng bà đã chọn những thể loại phù hợp để theo đuổi con đường văn chương. Bình thường, bà cần khoảng 3-4 năm để hoàn thành một cuốn sách nhưng “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” đã lấy mất của bà gần 10 năm. Để viết cuốn sách này, bà phải gặp gỡ, phỏng vấn, lấy tư liệu thật, ghi âm giọng nói của rất nhiều người khác nhau.
Đời sống và thân phận của phụ nữ Nga trong chiến tranh đã hiện lên trong những cuốn sách của Alexievich, đầy đau khổ và anh hùng. “Thật khó khăn để tiếp tục làm một người phụ nữ trong chiến tranh nhưng cuốn sách của tôi phải là tiếng nói cất lên từ những người dân, đó là một cách để thế giới biết sự thật” - Alexievich bày tỏ.
Cuộc chiến tranh được ghi nhận trong con mắt một nửa của thế giới là đàn ông chủ yếu bằng những con số, dữ liệu, sự kiện. Còn với nữ giới, dường như họ nhìn chiến tranh qua cảm xúc? Hoặc đây chính là khía cạnh văn học của câu chuyện, khi chiến tranh thực chất đã đi qua nhưng ấn tượng sâu hoắm còn đọng lại trong cuộc đời mỗi người từng có mặt trên chiến trường như những hố bom lở lói tù đọng, không thể quên…
Cuốn sách thuộc thể loại phi hư cấu này được tạo dựng từ những đoạn độc thoại của người phụ nữ đi qua chiến tranh, mở ra những khung trời hoàn toàn mới của cảm xúc. Nó khiến độc giả cảm thấy vô cùng đớn đau.
Cho dù phản ánh sự thật đau đớn nhưng cốt lõi là Alexiyevich kể về cách người ta yêu thương nhau như thế nào, mặc dù “càng ngày càng khó để yêu thương và khó trả lời câu hỏi chúng ta là ai và điều gì đã đưa chúng ta đến thế giới này?” - như nhà văn đã nói.
Alexiyevich đoạt rất nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. Sách của bà đã được chuyển dịch sang 19 thứ tiếng khác nhau: Đức, Anh, Nhật, Thụy Điển… và bây giờ là Việt Nam.
Bình luận (0)