Dù chưa hài lòng với sàn diễn cải lương của rạp Hưng Đạo mới (Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) nhưng với nghệ sĩ "có còn hơn không", nhất là gần 3 năm mất đi điểm diễn cải lương duy nhất này. Vì vậy, không phải cứ ngồi đó trách cứ nhau, nghệ sĩ cùng lãnh đạo nhà hát đang nỗ lực gầy dựng lại điểm diễn này cho sân khấu cải lương sáng đèn đều đặn.
Tên nhà hát mới, chẳng ai biết
Sau hơn 2 tháng đưa vào hoạt động thử nghiệm, dù suất hát khai trương chính thức vẫn chưa thể tiến hành do còn nhiều hạng mục phải chờ nghiệm thu nhưng với lịch diễn hiện có, mỗi tuần sáng đèn 3-4 suất, đã làm nóng lại không khí rạp Hưng Đạo cũ.
Ba đoàn nghệ thuật thuộc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đã đồng loạt công diễn nhiều kịch bản ăn khách như: "Hiu hiu gió bấc", "Hồn ma báo oán", "Mộng Hoa Vương", "Ra giêng anh cưới em", "Đời Như Ý"... Nhưng với khán giả yêu thích nghệ thuật cải lương, những tác phẩm của nhà hát quốc doanh này vẫn chưa đủ tạo được sức hút khán giả quay lại rạp Hưng Đạo. "Vì thế, chúng tôi mời các nghệ sĩ tài danh thuộc các nhóm sân khấu xã hội hóa cùng về cộng tác với nhà hát. Với phương thức cùng đầu tư dàn dựng tác phẩm mới, nhà hát tạo mọi điều kiện cho nghệ sĩ tổ chức biểu diễn để sân khấu sáng đèn. Trước mắt, nhóm Thanh Điền - Thanh Kim Huệ và Kim Tử Long đã tham gia" - NSND Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cho biết.
NSƯT Thanh Điền và NSƯT Thanh Kim Huệ trong vở “Ngao sò ốc hến”
Dù là điểm diễn khá quen thuộc nhưng do quá trình xây dựng kéo dài nhiều năm khiến địa chỉ này không còn thu hút khán giả. "Ngay chương trình múa rối vừa qua, khi nhà hát phối hợp với Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam, cho xe loa đi rao khắp nơi nhưng khán giả vẫn thấy lạ lẫm. Bởi quảng cáo phải gắn thêm chữ "rạp Hưng Đạo cũ", chứ còn rao "Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang", dù có kèm theo địa chỉ, khán giả vẫn hỏi nhau rạp đó ở đâu? Điều này làm chúng tôi lo lắng! Do vậy, để vực dậy sàn diễn cải lương tại nhà hát xây mới này đòi hỏi phải kỳ công. Việc dàn dựng tốt và biểu diễn tốt chưa đủ, còn phải lưu tâm đến việc quảng bá, tiếp thị nhà hát mới với khán giả" - NSƯT Thanh Điền bộc bạch.
Theo NSƯT Kim Tử Long, quá trình giúp khán giả làm quen với "điểm diễn mới" này không phải dễ. Cần làm cho loại hình cải lương thông qua công nghệ thông tin đến được với khán giả trẻ. "Lập những trang mạng xã hội để quảng cáo, đồng thời liên kết với các công ty lữ hành du lịch, các công ty bán vé qua mạng, ứng dụng quảng cáo vào từng điện thoại di động của khán giả, tất cả là nhằm mục tiêu để khán giả biết rạp Hưng Đạo đã hoạt động trở lại với bộ mặt mới, có những tác phẩm mới và lực lượng nghệ sĩ hùng hậu" - "ông bầu" của chương trình "Ba thế hệ về lại cội nguồn" đề nghị.
Nan giải thu - chi
Tuy nhiên, vấn đề nan giải đối với những nhà tổ chức hiện nay là giá thuê rạp cao trong khi chỉ có khoảng 300 ghế nên doanh thu bán vé không đủ bù chi. "Chỉ có hơn 260 ghế ngồi dưới nhà là có khả năng bán hết còn vé trên lầu rất khó bán, do xây dựng không phù hợp cho khán giả ngồi xem. Giá vé không thể bán cao nên dù khéo chi tiêu đến mấy, nhà tổ chức vẫn lỗ. Mỗi suất diễn phải trả tiền thuê nhà hát từ 12-15 triệu đồng, tiền tập tuồng 2 triệu đồng/suất, tiền chạy thử vở 4 triệu đồng/suất, ngoài ra, nhà tổ chức còn đầu tư cho quảng cáo, cảnh trí, phục trang, cát-sê diễn viên, dàn nhạc, công nhân hậu đài... nên doanh thu phải đạt trên 60 triệu đồng/suất mới đủ vốn, chưa kể mỗi suất phải dành cho nhà hát 10 vé mời nữa. Đẩy giá vé lên hơn 1 triệu đồng/vé VIP liệu có thể kéo khán giả đến xem lâu dài?" - NSƯT Kim Tử Long đặt vấn đề.
NSƯT Kim Tử Long và NS Bình Tinh trong chương trình cải lương “Ba thế hệ về lại cội nguồn”
NSƯT Minh Vương cũng nêu băn khoăn về tình trạng giá vé cao trong khi khán giả cải lương đa số là người lao động, khó có tiền để mua vé đến rạp. "Nếu không có sự hỗ trợ của nhà hát, tính toán lợi ích cho đôi bên, nghệ sĩ xã hội hóa có điểm diễn, rạp được sáng đèn hằng đêm thì sẽ không kéo dài được kế hoạch hợp tác tổ chức biểu diễn" - nghệ sĩ của giải Khôi Nguyên vọng cổ nói.
Chọn kịch bản hấp dẫn
Theo NSƯT Thanh Điền, việc hợp lực này cần hướng đến khai thác những kịch bản có tính hấp dẫn. "Khi đã quảng bá trên các trang mạng thông tin, phải giữ đúng lịch mở màn, biểu diễn, thành phần nghệ sĩ không thay đổi. Tôi vẫn cho rằng việc mở màn sàn diễn cải lương quá trễ khiến cho chất lượng vở không hấp dẫn, người xem mệt mỏi khi ngồi hơn 3 giờ xem trọn tuồng cải lương như hiện nay là không còn phù hợp. Phải mở màn đúng giờ, diễn đúng tầm 22 giờ 30 phút kết thúc là hợp lý. Có vở kéo dài đến gần 24 giờ khiến người xem ngại đến rạp. Chưa kể đến những tác động chung quanh như sự kém văn minh trong thưởng thức cải lương vốn thành thói quen lâu nay".
NSƯT Thanh Điền cho biết ông đã lên kế hoạch dàn dựng nhiều chương trình mang dấu ấn tôn vinh thành tựu sân khấu của gần 100 năm hình thành và phát triển bộ môn nghệ thuật cải lương. Điều này thích hợp với việc quảng bá cho du khách đến xem và cho giới trẻ khi tìm hiểu về nghệ thuật cải lương xưa và nay. "Nhà hát cần có sự định hướng cụ thể, mang tính chiến lược trong việc khai thác hoạt động của mình chứ không chỉ dừng lại ở việc cho thuê rạp như lâu nay vẫn diễn ra giữa người tổ chức với nhà hát" - NSƯT Thanh Điền yêu cầu.
Tín hiệu vui cho sàn diễn cải lương nơi đây là nhà hát sẽ tạo mọi điều kiện để các đạo diễn trẻ có tác phẩm mới được biểu diễn. "Trước mắt là vở cải lương "Chân mệnh" sẽ diễn tại rạp Hưng Đạo, sau đó là các vở của những đạo diễn trẻ sẽ được phục hồi, mang về cho sàn diễn sức sống mới trong giai đoạn hiện nay" - NSND Trần Ngọc Giàu cho biết.
Bình luận (0)