Khi có sự xuất hiện của nhóm Buffalo với các vở nhạc kịch “High school musical”, “Chicago” được xem là hút khách, nhạc kịch bắt đầu được giới tổ chức biểu diễn Việt Nam quan tâm nhiều hơn. Nhạc kịch được dàn dựng dày hơn, theo nhiều cách thức, cấp độ khác nhau với mong kéo được khán giả đến với loại hình nghệ thuật tiềm năng này. Nhưng làm nhạc kịch không dễ dàng như nhiều người tưởng.
Nhạc kịch không đạt chuẩn
Khi “Chuyện tình nàng Giáng Hương” đang trên sàn tập, vở nhạc kịch nói về chuyện Từ Thức lên tiên giới này được người trong giới và công chúng quan tâm bởi ê-kíp thực hiện với những tên tuổi có nghề và mức kinh phí đầu tư được công bố lên đến hơn nửa triệu USD. Thế nhưng, khi vở diễn ra mắt, điều mà công chúng kỳ vọng là một vở nhạc kịch đúng chuẩn Broadway đã không có.
Người xem ít nhiều hài lòng bởi âm nhạc quá hay, những ca khúc bất hủ của Văn Cao, Phạm Duy, Ngô Thụy Miên… được các giọng ca xuất sắc: Nam Khánh, Thanh Nguyên, Tấn Đạt, Hoàng Kim (trong vai Từ Thức, Giáng Hương) và cả những nhân vật phụ trình diễn đều cho người nghe những khoảnh khắc thăng hoa. “Chuyện tình nàng Giáng Hương” cũng gặt hái thành công về mặt thị giác bởi phần thiết kế sân khấu tạo cảm giác lung linh. Tuy nhiên, xét ở góc độ một vở nhạc kịch, lại là nhạc kịch Broadway, “Chuyện tình nàng Giáng Hương” xem chừng thất bại khi thiếu hẳn phần kịch - yếu tố quan trọng của một vở nhạc kịch. Dù “sự đầu tư cũng như tâm huyết của ê-kíp thực hiện “Chuyện tình nàng Giáng Hương” đáng được ghi nhận, khuyến khích nhưng phải nói thẳng là vở nhạc kịch này hỏng từ gốc nên không thể gọi là nhạc kịch được” - nhạc sĩ Quốc Bảo đánh giá.
Theo nhạc sĩ Quốc Bảo, một vở nhạc kịch cần có những ca khúc mới chứ không thể góp nhặt những bài hát có sẵn, nhắm thấy có chút tượng hình phù hợp với nội dung vở diễn là đưa vào. Kịch bản cho vở nhạc kịch quan trọng không kém kịch bản phim, vừa đòi hỏi dễ hiểu, giản dị, gần gũi nhưng cũng phải thể hiện sự tinh tế, không có lỗ hổng. “Chọn những ca khúc có sẵn (dù nhạc được làm rất hay) và một kịch bản như không có như vậy thì đó được xem là vở nhạc kịch vớ vẩn. “Chuyện tình nàng Giáng Hương” rơi vào trường hợp như thế” - nhạc sĩ Quốc Bảo nói.
Ở khía cạnh nhạc kịch, “Chuyện tình nàng Giáng Hương” còn đi sau một số vở nhạc kịch Việt hóa từng diễn ra trước đây như “High school musical”, “Chicago”… của nhóm Buffalo. Diễn viên của Buffalo đều là diễn viên kịch, có khả năng diễn, hát, nhảy múa nhưng “các vở nhạc kịch của Buffalo cũng chỉ mới đáp ứng được 60% yêu cầu so với tiêu chuẩn thông thường cần phải có của nhạc kịch” - ca sĩ Hoàng Bách đánh giá.
Khó tiếp cận đại chúng
Mua bản quyền từ vở nhạc kịch “The secret garden” (Khu vườn bí mật) nổi tiếng nên phiên bản Việt ra mắt tại Sân khấu Soul Live Project, 214-216 Pasteur, quận 3, TP HCM với 5 suất diễn từ ngày 4 đến 12-11 được đánh giá là tốt nhất (tức gần với nhạc kịch nhất) ở thị phần nhạc kịch ra mắt rầm rộ thời gian gần đây. Đây là vở nhạc kịch cộng đồng đã có hơn 700 suất diễn trên sân khấu Broadway (Mỹ) và West End (Anh), giành 3 giải thưởng của Giải Tony (giải thưởng danh giá dành cho nghệ thuật sân khấu).
Dựng lại một vở nhạc kịch theo khuôn mẫu, không khó để ê-kíp làm “The secret garden” phiên bản Việt đạt chuẩn nhạc kịch nhất. Những đêm diễn ra mắt “The secret garden” đã mang đến khán giả góc nhìn thực sự mới mẻ và thú vị về nhạc kịch. Năm đêm diễn của “The secret garden” cháy vé là vì thế. Khởi đầu hoàn hảo này làm tăng thêm động lực để Thanh Bùi theo đuổi kế hoạch tái hiện những vở nhạc kịch Broadway hàng đầu thế giới như “Les Misérables”, “The Lion King”, “Phantom of the Opera” ngay tại Việt Nam. “Đây cũng chính là sứ mệnh lớn nhất của chúng tôi khi theo đuổi giấc mơ đem âm nhạc và trình diễn nghệ thuật chất lượng đến gần hơn với công chúng và khán giả trẻ Việt Nam” - Thanh Bùi nói.
Dù được đánh giá là gần với nhạc kịch nhất nhưng “The secret garden” không dành cho khán giả số đông, đặc biệt khán giả không rành tiếng Anh.
Bỏ qua yếu tố diễn viên diễn chưa tới (vì còn mới và thiếu rất nhiều như kỹ năng diễn xuất chưa tinh tế, kỹ thuật thanh nhạc chưa vững), ngôn ngữ diễn tả (tiếng Anh) của “The secret garden” chính là vấn đề ngăn trở khả năng thưởng thức nhạc kịch của khán giả Việt. Những vở nhạc kịch sắp tới của Soul Live cũng không mấy khả quan với số đông khán giả khi vẫn được dựng lại với ngôn ngữ tiếng Anh. Chưa kể, nếu phải cố để thưởng thức nhạc kịch bằng ngoại ngữ, hẳn công chúng có nhiều lựa chọn thú vị hơn với các phiên bản gốc, nổi tiếng thế giới.
Giới chuyên môn cho rằng nhạc kịch Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn sơ khai, như người leo núi cố gắng cắm được lá cờ trên đỉnh núi để nói với mọi người “chúng tôi đã đến được đây”. Để có thể phát triển một cách thực sự, tức chỉ ở giai đoạn nhạc kịch đúng là nhạc kịch, chúng ta cần rất nhiều thời gian nữa. Điều này lý giải vì sao nhiều vở nhạc kịch thời gian qua không tạo được sức hút lớn đối với người xem dù rất được người trong giới kỳ vọng. Những vở nhạc kịch như “Thằng gù nhà thờ Đức Bà Paris” phiên bản tiếng Việt (gồm 20 ca khúc phần dịch lời Việt của Hà Quang Minh, có sự góp mặt của nhiều ca sĩ ăn khách trong giới trẻ như Văn Mai Hương, Lê Hiếu, Đoan Trang...) của ca sĩ Cao Minh, “Ca kịch Kiều” do nhạc sĩ Tạ Ðắc viết hay thậm chí thanh xướng kịch “Lụa” do nhạc sĩ Quốc Bảo biên soạn với sự tham gia trình diễn của Đồng Lan, Hà Anh Tuấn, Phương Linh... đều không thành công. Ca sĩ Hoàng Bách (một trong những diễn viên chính của “Lụa”) nói: “Việt Nam chưa có môi trường, điều kiện để thanh xướng kịch hay nhạc kịch phát triển. Hãy xem thế giới, diễn viên diễn nhạc kịch là những siêu sao thế giới với khả năng diễn không có gì để bàn và giọng hát của họ quá tuyệt; khán giả của họ hào hứng thưởng thức nhạc kịch nhưng còn ở Việt Nam, mọi thứ làm nên nhạc kịch đều thiếu, kể cả khán giả”.
Bình luận (0)