Chiêng sử dụng lâu ngày, âm thanh có thể bị lạc. Nếu không chỉnh cho chiếc chiêng đúng với âm thanh nguyên bản, cả dàn chiêng xem như đem xếp xó!
Theo các nghệ nhân đánh chiêng, trong dàn chiêng, chỉ cần một chiếc bị lạc âm là những bài chiêng đánh ra “không thấu được đến các thần”.
Phải có đôi tai thẩm âm thiên bẩm
Già Ama Pur, đội trưởng đội chiêng buôn Kô Siêr (phường Tân Lập, TP Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk), giải thích: “Người chỉnh chiêng phải biết nghe chiêng và nhận ra chiếc nào bị lạc nên cái tai phải thính. Khó là ở chỗ người chỉnh chiêng vừa phải có thâm niên chơi cồng chiêng vừa không được quá lớn tuổi, vì khi già, cái tai không còn nghe rõ từng âm nữa, cái tay cũng run rẩy nên chỉnh sẽ không chuẩn xác”.
Đội chiêng buôn Kô Siêr may mắn hơn những đội khác là có sẵn nghệ nhân chỉnh chiêng. Mỗi khi chiêng bị “bệnh”, già Y Lon Niê, 63 tuổi, liền ra tay “chẩn trị”.
Trước khi đội chiêng buôn Kô Siêr đi biểu diễn, già Y Lon Niê đều phải xem qua từng chiếc chiêng. “Nghe ưng cái bụng thì chiêng mới vang lên đúng những âm thanh hùng vĩ, ầm ầm như thác nước của bài Eana Dray (Dòng thác - PV), tiếng rầm rập của bài Pliêr (Mưa đá) hay vui tươi, réo rắt của bài Kong-dar (Chong chóng quay)...
Mái tóc muối tiêu, nụ cười dễ mến, già Y Lon Niê dùng tiếng Kinh lơ lớ kiên nhẫn giới thiệu với chúng tôi công việc chỉnh chiêng: “Chiêng để lâu ngày không đánh, đi xe bị xốc hoặc đánh quá nhiều, tiếng nghe sẽ bị phô, đánh không ai nghe được, mình phải chỉnh lại thôi”.
Còn già Ama H’Điêu, 68 tuổi, ngụ tại buôn Ea Bông, xã Cư Êbur, TP Buôn Ma Thuột - nghệ nhân chỉnh chiêng hàng đầu của Đắk Lắk - bổ sung thêm: “Lúc cất phải úp xuống hoặc dựng đứng lên, nếu để ngược lại, chiêng bị đè, âm dễ lạc”.
Già Y Lon Niê và già Ama H'Điêu thực hiện thao tác chỉnh chiêng
Già Y Lon Niê cho biết rất nhiều người đánh chiêng giỏi nhưng không phân biệt được tiếng chiêng cao hay thấp, có khi hai chiêng phát ra một âm vẫn không biết. Cái tai phân biệt tiếng chiêng là thiên bẩm, không học được mà cũng không ai dạy được.
Ngồi trước nhà dài trong ánh chiều tà, già Y Lon Niê bồi hồi kể chuyện xưa: “Bố mình rất giỏi chỉnh chiêng. Lúc mình gần 30 tuổi thì bố mất. Trong nhà có bộ chiêng nhưng một chiếc bị phô không đánh được và mình thử chỉnh lại. Kết quả là chiêng đánh lên đúng với âm ban đầu. Từ đó, mình chỉnh cho bộ chiêng ở nhà nhưng chưa dám chỉnh cho bà con trong buôn. Chỉnh hư chiêng, người ta bắt đền chết! Một cái chiêng phải đổi bằng hai con trâu mà”.
Khoảng 10 năm sau, trong những lần lễ hội của buôn, cái tai của Y Lon Niê không chịu được khi nghe những tiếng chiêng bị phô. Cất đi nỗi rụt rè, già nói với chủ chiêng “bệnh”: “Chiêng này nghe không được rồi” và mạnh dạn chỉnh. Từ đó, người trong buôn mới nhờ đến Y Lon Niê chỉnh lại mỗi khi chiêng bị lạc âm.
Giống như già Y Lon Niê, già Ama H’Điêu cũng cho rằng chỉnh chiêng là công việc cần nhiều kinh nghiệm, cần cái tai thẩm âm bẩm sinh thật tốt. Già cũng là người chỉnh mấy chục bộ chiêng của nghệ nhân Y Thim ở cùng buôn và rất nhiều bộ chiêng ở các huyện khác.
Còn già Y Lon Niê vừa rồi đã đi chỉnh 20 bộ chiêng của xã Ama Pur mất hết 4 ngày. Đó là con số gần nhất mà già nhớ được. “Chịu, mình không nhớ nổi từ xưa đến nay đã chỉnh bao nhiêu bộ chiêng đâu, lâu quá rồi mà!”- già Y Lon Niê cho biết.
Dùng cái thô sơ chỉnh cái phức tạp
Tôi thật sự bất ngờ khi thấy già Y Lon Niê cầm theo dụng cụ chỉnh chiêng là một búa sắt nhỏ, một búa gỗ ngắn và một thanh gỗ tròn, dài, nâu bóng. Tùy theo chiếc chiêng “bệnh” nặng hay nhẹ, cần kéo âm lên cao hay hạ xuống thấp mà già dùng dụng cụ và cường độ chỉnh thích hợp.
Già Ama H’Điêu lại chỉ có duy nhất chiếc búa sắt nhỏ để chỉnh chiêng. Giơ chiếc chiêng sát tai, già vừa gõ vừa lắng nghe. “Trước hết, phải dò coi nó như thế nào, mỏng dày ra sao”- già tiết lộ. Sau một vòng gõ thử, già đã nắm được “bệnh tình” tổng quát của chiếc chiêng, chỗ nào bị “phồng”, chỗ nào “dẹp”.
Già Ama H’Điêu cho biết: “Chỉnh cho tiếng cao lên thì phải úp chiêng xuống, chỉnh cho tiếng trầm xuống thì phải ngửa chiêng lên”. Nói nghe đơn giản, song để biết chuẩn xác thì phải gõ vào điểm nào, gõ mấy cái, lực gõ mạnh - nhẹ ra sao..., chỉ có nghệ nhân chỉnh chiêng mới cảm được.
Sau khi phát hiện ra chỗ cần chỉnh, già Ama H’Điêu lập tức đánh dấu bằng... nước bọt rồi dùng búa gõ từ nhẹ đến mạnh, từ ngoài vào trong để “kéo” tiếng chiêng theo ý muốn. Già không gõ đủ số lần như dự định mà luôn chừa lại một lần để “làm thuốc”. Sau khi gõ hết một vòng chiêng, nếu âm thanh vẫn chưa chuẩn thì nghệ nhân mới dùng lần gõ dự phòng này để chỉnh lần cuối. Cái hay, cái khó của nghệ thuật chỉnh chiêng là nghệ nhân biết chỗ nào trên chiếc chiêng cần phải chỉnh và phải gõ mấy lần để gọi đúng hồn chiêng về.
“Chỉnh không giỏi, chiêng bị nứt, tệ hơn nữa là âm bị lạc nặng hơn, không sửa được, coi như cái hồn chiêng bay mất”- già Ama H’Điêu cảnh báo. Chiêng sau khi chỉnh xong phải được “nghiệm thu”, tức mời người biết nghe - thường là các già làng- đến thẩm định. Hễ các già nói đã đúng tiếng chiêng thì chiêng đã hết “bệnh”, nếu lắc đầu là chiêng chưa “khỏe”, phải chỉnh tiếp.
Phải chỉnh chiêng ở nhà dài Những tưởng đã chỉnh chiêng thành thạo thì nghệ nhân tiến hành ở đâu cũng được nhưng không, việc “kéo” hồn chiêng về phải được thực hiện trong không gian văn hóa nhà dài, giữa núi rừng khoáng đạt. |
Hãy là người đầu tiên bình luận bài viết!