Dàn nhạc lễ và đoàn ngự giá với trang phục truyền thống có mặt từ rất sớm, đứng hai bên đường chờ đưa tiễn linh cữu của người giáo sư dành trọn cả cuộc đời cho âm nhạc và văn hóa truyền thống Việt Nam. Hơn 40 diễn viên trẻ là học trò của NSƯT Hữu Châu với đồng phục áo dài trắng và nhiều thế hệ là nghệ nhân, nhạc công của CLB Tiếng hát Quê Hương có mặt tiễn đưa người thầy đáng kính.
Trước lúc di quan, GS-TS Trần Quang Hải, con trai trưởng của GS-TS Trần Văn Khê đọc lời cảm tạ. Ông cảm ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và các quan chức cấp cao của chính phủ đã gửi vòng hoa hoặc trực tiếp đến viếng hương hồn cha của ông. Trong số hơn 500 vòng hoa và hơn 1.000 tập thể, cá nhân đến viếng, còn có nhiều vòng hoa của các Tổng lãnh sự quán các nước, Tổ chức UNESCO, học trò của GS-TS Trần Văn Khê tại hải ngoại.
“Tôi sẽ đi theo con đường mà cha tôi đã chọn và tâm huyết, đó là tiếp tục tham gia công tác nghiên cứu, góp phần hoàn thiện các hồ sơ đang chuẩn bị đệ trình lên Tổ chức UNESCO đề nghị công nhận các bộ môn nghệ thuật: Hát then, cải lương... là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại... Xin cảm ơn những tấm lòng kính mến và tình cảm của người dân, của các văn nghệ sĩ, của các thế hệ học trò của cha tôi trong những ngày tang lễ tổ chức tại đây này. Tôi mong sao sẽ giữ gìn và phát huy những giá trị tinh thần mà cha tôi đã để lại, để biến ngôi nhà quen thuộc với công chúng, nơi mà cha tôi đã sinh sống suốt nhiều năm qua tại quê nhà, thành trung tâm mang tên của ông. Trung tâm này góp phần bảo vệ các di sản và gìn giữ các giá trị văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam. Toàn bộ số tiền phúng điếu sẽ được dùng trong việc tổ chức quỹ học bổng mang tên cha tôi như di nguyện mà ông đã để lại cho chúng tôi” - GS-TS Trần Quang Hải chia sẻ.
Chị Nguyễn Thị Na, người chăm sóc sức khỏe, cận kề với GS-TS Trần Văn Khê suốt 10 năm qua khóc nghẹn ngào khi linh cữu của GS-TS Trần Văn Khê được di chuyển khỏi căn nhà số 32 Huỳnh Đình Hai, phường 25, Bình Thạnh.
Đến tiễn đưa GS-TS Trần Văn Khê có rất đông văn nghệ sĩ: NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc, đạo diễn Nguyễn Hồng Dung, ca sĩ Bích Hồng, đạo diễn Lê Quý Dương, nhà văn Nguyễn Đông Thức...
Kiến trúc sư Trần Quang Minh - con trai thứ của GS-TS Trần Văn Khê ôm di ảnh của cha
Giáo sư – nhà sử học Nguyễn Nhã đã đọc bài thơ khóc GS-TS Trần Văn Khê rất xúc động, ông viết:
“Bác Khê ơi, Bác ra đi
Biết bao thương tiếc nói gì giờ đây
Giữ hồn Việt bản sắc này
Công lao của Bác, càng ngày khắc ghi
Định hình bản sắc phát huy
Âm nhạc truyền thống những gì Việt Nam
Văn hóa ẩm thực vẻ vang
Văn hóa dân tộc Việt Nam tự hào
Lương sư hưng quốc thưở nào
Bác Khê tiếp bước nêu cao tinh thần
Rồi đây tuổi trẻ rất cần
Noi theo gương Bác giữ hồn Việt Nam
Dựng xây nội lực đàng hoàng
Nguy cơ thuộc quốc sẽ càng đẩy xa”
Tại Nghĩa trang Chánh Phú Hòa, Bình Dương, ông Lê Thanh Hải – Bí thư Thành ủy TP HCM đọc điếu văn tiễn biệt GS-TS Trần Văn Khê. Điếu văn ghi nhận những cống hiến to lớn của GS-TS Trần Văn Khê thực hiện đối với công việc truyền bá âm nhạc dân tộc bằng kiến thức, trí tuệ, sự sáng tạo và tấm lòng cao quý của ông đối với văn hóa nghệ thuật nước nhà.
Bà Trương Ngọc Thủy - nguyên giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP HCM - người gắn bó với GS-TS Trần Văn Khê trong nhiều công trình văn hóa nghệ thuật của TPHCM đã đến tiễn biệt ông
NSƯT Thành Lộc lặng lẽ đi sau quan tài GS-TS Trần Văn Khê
Dàn ngự giá với đồng phục truyền thống dẫn đầu xe tang
Bình luận (0)