Nhìn vào danh sách các phim ma đã, đang và sắp chiếu tại các rạp có thể thấy khán giả của dòng phim này có khá nhiều sự lựa chọn vì ngoài phim của Hollywood còn có của Việt Nam và rất nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ khác như Hồng Kông, Úc, Ấn Độ... Đặc biệt, Thái Lan có số lượng phim ma tăng đột biến so với các năm trước. Dường như phim ma đã trở thành “món ăn” không thế thiếu trong “thực đơn” của các cụm rạp phim Việt Nam hiện nay.
Ra rạp là có phim ma
Trong 6 tháng đầu năm 2014, các đơn vị phát hành phim trên cả nước đã chiếu gần 10 phim có yếu tố “ma ám” như Ôi ma ơi (Thái Lan), Báo oán (Hồng Kông), Vợ quỷ (Thái Lan), Nhà ma (Mỹ), Chuyến bay ma quái ( Thái Lan), Sách ma (Úc)… Trong tháng 7 vừa qua cũng có đến 5-6 phim nước ngoài khai thác yếu tố hồn ma đã ra rạp gồm: Linh hồn báo thù (Mỹ), Người tình ma (Ấn Độ), Tượng ma - Mr. Jones (Mỹ), Tượng sáp ma (Thái Lan)... Trong khi đó, Việt Nam cũng có 2 phim ma tham gia thị trường điện ảnh là Quả tim máu (đạo diễn Victor Vũ) và Đoạt hồn (đạo diễn Hàm Trần) đều thắng lợi về doanh thu.
Phim ma lâu nay vốn được xem là một dòng phim có khả năng thu hồi vốn rất cao vì không đòi hỏi kinh phí quá lớn nhưng lại dễ ăn khách. Thành công không tưởng tại phòng vé của những phim Mỹ như Insidious (Ma quái) hay The Conjuring (Ám ảnh kinh hoàng) càng tạo động lực cho các các hãng phim lớn của thế giới chạy theo sản xuất dòng phim này để đáp ứng thị hiếu của khán giả. Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Trưởng Phòng Phim của Trung tâm Chiếu phim quốc gia, không phải ngẫu nhiên phim ma trở nên ăn khách mà khi thế giới ngày càng bất ổn, con người có xu hướng tìm đến các giải pháp về tâm linh thì phim thể loại này sẽ trở thành một món ăn tinh thần hợp thời. “Các hãng phim lớn trên thế giới nắm rất chắc thị hiếu của khán giả, họ đã có kế hoạch từ lâu và thị trường Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó" - ông Cường lý giải.
Có cầu ắt có cung, tại thị trường Việt Nam, khi lượng phim nội địa không đủ đáp ứng nhu cầu thì các nhà phát hành trong nước nhập ngày càng nhiều phim ma của thế giới về chiếu trong nước. Trong đó, nếu nhìn vào các phim kể trên, có thể thấy Thái Lan đang chiếm tỉ lệ khá cao nhờ hiệu ứng từ thành công rực rỡ của phim Tình người duyên ma công chiếu năm ngoái. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Người Lao Động, thời gian qua, lượng khách đến xem phim ma tại các cụm rạp lớn của thành phố như CGV, Galaxy, Lotte, BHD… vẫn khá đều đặn và tập trung chủ yếu vào giới trẻ thích xem phim theo từng nhóm bạn bè hoặc cùng người yêu hay gia đình.
Nhiều quá cũng ngán
Đại diện truyền thông của Lotte Cinema, một trong những đơn vị nhập một số phim ma của Thái Lan và các nước khác về phát hành, cho biết: “Chúng tôi nhận thấy nhu cầu của khán giả tìm xem thể loại phim ma ngày càng nhiều sau cơn sốt của Tình người duyên ma nên đã nhập phim loại này về để đáp ứng. Các phim ma ra rạp đều có lượng khán giả đông đảo, doanh thu rất tốt. Do đó sắp tới, chúng tôi tiếp tục ưu tiên thể loại này nhưng sẽ nhập phim của Mỹ, Ấn Độ để làm phong phú thực đơn cho khán giả lựa chọn”.
Chưa bao giờ danh sách phim ma tại các rạp chiếu lại phong phú như hiện nay. Từ nay đến cuối năm sẽ tiếp tục có thêm nhiều phim kinh dị của nước ngoài tiếp tục được nhập về chiếu trong nước như Trang điểm xác chết (Trung Quốc), Ngôi làng tử khí, Đẹp như ma… Bên cạnh đó, mùa Halloween (lễ hội ma quỷ ở phương Tây hiện đã trở nên phổ biến tại Việt Nam) vào tháng 10 đang đến gần cũng hứa hẹn sẽ có thêm nhiều phim ma của nước ngoài, đặc biệt là phim Hollywood, được nhập về để đáp ứng nhu cầu của khán giả trong nước.
Khi số lượng tăng cũng là lúc chất lượng đi xuống. Phản hồi tiêu cực từ khán giả cũng bắt đầu xuất hiện với một số phim chất lượng kém hoặc không đủ ghê rợn để “dọa” khán giả như lời quảng bá lúc đầu của nhà phát hành. Cơn sốt phim ma của xứ sở chùa Vàng đang dần lắng dịu khi so với câu chuyện của Tình người duyên ma phát hành năm ngoái, những phim sau này không còn hấp dẫn nữa.
Lan sang cả phim truyền hình
Bộ phim Lời thì thầm từ quá khứ (đang phát trên sóng VTV3) mang lại cho khán giả những cảm xúc thú vị khi đụng chạm đến thế giới tâm linh. Chọn phát sóng vào khung giờ tối (21 giờ 20 phút), những tình tiết, hình ảnh ma mị xuyên suốt bộ phim khiến nhiều khán giả bị ám ảnh.
Câu chuyện bắt đầu khi Tuấn - một phóng viên trẻ năng động - bị tai nạn qua đời để lại cho Lan - vợ tương lai - nỗi đau vô bờ. Khi Lan có ý định tìm đến cái chết thì linh hồn của Tuấn lại hiện về cho biết mình chưa siêu thoát vì còn nhiều lời hứa chưa thực hiện được, nhờ Lan làm thay.
Có một điều dễ nhận thấy ở Lời thì thầm từ quá khứ là những cảnh quay, hình ảnh, màu sắc mang đặc trưng của phim kinh dị chiếu rạp. Từ cách mở đầu câu chuyện với cảnh tai nạn đến những hình ảnh con búp bê biến dạng, lời thì thầm ma mị… Đây là bộ phim truyền hình đầu tiên VFC ứng dụng những kỹ thuật dựng phim, kỹ xảo hình ảnh để thể hiện nội dung câu chuyện, tạo hiệu ứng đặc biệt về thị giác cho người xem.
Kỳ tới: Sân khấu sống nhờ... ma?
Bình luận (0)