Theo đánh giá chung của hội đồng xét chọn, 5 năm nay, mỹ thuật TP HCM có nhiều tác phẩm chất lượng tốt, đồng đều nhưng vẫn thiếu tác phẩm vượt trội, tác phẩm có ngôn ngữ tạo hình, tác phẩm có hình thức thể hiện mới. Có nhiều tác giả thường xuyên tham gia các giải thưởng nhưng hình thức thể hiện trong tác phẩm vẫn không thay đổi. Trong khi đó, nhiều tác giả giỏi, tác phẩm hay thì lại không tham gia. Đây là điều khó cho công việc xét chọn đề cử từ cơ sở.
“Giấc mơ của những chiếc lông vũ” - Tranh của họa sĩ Hứa Thanh Bình
Tác giả tên tuổi đứng ngoài cuộc
Họa sĩ Siu Quý - Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM, thành viên Hội đồng Xét chọn tác phẩm của Hội Mỹ thuật TP - cho biết: "Hội đang gửi thông báo cho các họa sĩ, mỗi người được chọn 2 tác phẩm để tham gia. Hội có 6 chuyên ngành, hoạt động rất mạnh. Hội đồng tuyển chọn sẽ dựa trên các tiêu chí chuyên môn: đẹp, nghệ thuật chân thật, hòa nhịp với nội dung, thể hiện được bút pháp cá nhân mạnh mẽ của tác giả".
Thế hệ vàng của hội họa TP HCM với rất nhiều tên tuổi: Nguyễn Lâm, Hồ Hữu Thủ, Nguyễn Trung, Trịnh Thanh Tùng, Nguyễn Trung Tín, Ngô Đồng, Đỗ Hàng Tường, Trần Văn Thảo, Nguyễn Tấn Cương, Nguyễn Thanh Bình, Hứa Thanh Bình... hầu như đang hoạt động rất mạnh, ai cũng bày ra được "cuộc chơi" của riêng mình. Nhưng những họa sĩ đã thành danh này đều có không gian làm việc riêng, nguồn thu nhập và cả bạn hữu để tri âm riêng nên sẽ không mặn mà với hoạt động mang tính phong trào nữa.
Nhiều họa sĩ như Ngô Đồng, Lê Kinh Tài, Hiền Nguyễn… cho rằng mỗi họa sĩ sẽ tự chọn con đường và cơ hội tốt nhất cho mình. Các nghệ sĩ này cho biết đang tập trung dốc hết sức cho tác phẩm chứ không quan tâm đến chuyện giải thưởng.
Họa sĩ Hứa Thanh Bình - ủy viên Hội đồng Nghệ thuật TP HCM, khẳng định: "Nhiều năm nay, chúng tôi đã thúc đẩy việc kết nối giữa Hội Mỹ thuật TP, Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM với các trường đại học và cao đẳng mỹ thuật để họ đưa các tác phẩm của sinh viên và thầy cô xuất hiện ở bảo tàng. Phải nói là tác phẩm thì rất nhiều nhưng chủ yếu làng nhàng chứ ít tác phẩm đạt chất lượng như chúng tôi thật sự mong muốn".
Mỹ thuật trẻ, khó được chấp nhận
Là một trong năm tác phẩm tốt nhất được tặng thưởng của Hội Mỹ thuật TP, "Ngẫu hứng DJ" của tác giả Trần Mai Hữu Quý từng được đề nghị đưa vào trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP. Nhưng cho đến nay, đây vẫn là giấc mơ ngoài tầm tay đối với thế hệ họa sĩ trẻ. Mỹ thuật trẻ TP HCM 5 năm qua có khá nhiều tác giả và tác phẩm nổi bật như "Lò cò" - sơn mài (Võ Nam), "Cuộn" - đồng (Phạm Đình Tiến) đoạt giải nhất tác phẩm mỹ thuật TP HCM năm 2016, "Lò gạch Sa Đéc" - in kẽm (Phùng Quảng Đông), "Đàn cừu" - khắc gỗ phá bản (Huỳnh Thị Tư)…
Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều nhà chuyên môn, mỹ thuật trẻ TP HCM vẫn bị sự vội vàng chi phối, lộ rõ mong muốn thành công sớm nên ngôn ngữ hội họa bị vay mượn, tệ hơn là lâu dần thành "trộm cắp". Thế giới phẳng nên bây giờ phương án tham khảo từ mạng internet quá nhiều, ban đầu các họa sĩ trẻ lấy "nguyên liệu" từ các nước châu Âu, bây giờ thì chuyển sang khu vực Trung Đông để tìm kiếm yếu tố lạ. Nhưng những chuyện như thế này cũng chính nhờ công nghệ thông tin nên rất dễ phát hiện. Tác phẩm cho dù đẹp hơn nguyên bản nhưng khi đã bị phát giác có yếu tố "đạo" thì không còn đạt được hiệu quả về cái đẹp như tác giả mong muốn.
Sự thành công của các gương mặt trẻ thường chỉ mang yếu tố bất ngờ tỏa sáng, tính chất ngắn hạn, phụ thuộc quá nhiều vào may rủi. Chủ yếu là mỹ thuật minh họa, tự mình ép mình gán ghép vào sáng tác theo một chủ đề nào đó để dễ "lọt mắt" các hội đồng xét chọn và công chúng.
"Chúng tôi cũng từng mở nhiều lớp sáng tác cho giới trẻ nhưng rất khó để lấp đầy lỗ hổng về đào tạo. Hơn nữa, lớp trẻ xuất hiện nếu mới quá thì thế hệ đi trước có vượt qua sự bảo thủ để chấp nhận họ không?" - họa sĩ Hứa Thanh Bình nói.
Tác phẩm sơn mài “Vua” của hoạ sĩ trẻ Phạm Thanh Toàn
Lo vi phạm bản quyền
Không chỉ lo tìm kiếm tác phẩm xứng tầm, nỗi lo trao phải giải thưởng cho tác phẩm bị vi phạm bản quyền, ảnh hưởng đến uy tín của hội đồng chuyên ngành và của giải thưởng khiến các nhà quản lý mỹ thuật phải gióng lên hồi chuông báo động. Đã có lần giải thưởng do Hội Mỹ thuật Việt Nam trao tặng phải thu hồi vì chính tác giả tự nhận là "copy" bức tranh của Nga. Nhiều nhà chuyên môn đánh giá đây là một kiểu "chơi ngông" của nghệ sĩ đương đại, mang tâm lý muốn thử thách khả năng thẩm định của ban giám khảo. Họa sĩ Siu Quý phải thừa nhận rằng sẽ rất khó có hội đồng nào kiểm soát hết được mối nguy cơ này nhưng ông cho biết thể lệ xét giải đã ghi rất rõ rằng họa sĩ phải chịu trách nhiệm về bản quyền. "Nghệ sĩ có quyền tham khảo ý tưởng của người khác nhưng vấn đề là cần ý thức rõ quyền và nghĩa vụ cho tác phẩm của mình" - họa sĩ Siu Quý nói.
Họa sĩ Hứa Thanh Bình nêu quan điểm cần có cách để phát triển các hoạt động phong trào này bằng các hội đồng chuyên ngành thật chuẩn mực, đưa ra tiêu chí rõ ràng thế nào là đẹp và tìm kiếm được các tác phẩm xứng tầm để đúng với danh giá của Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP HCM.
Lần đầu xét giải tác phẩm sắp đặt
Nhiều ý kiến đặt vấn đề tại sao các giải thưởng mỹ thuật lâu nay chỉ trao cho tác phẩm truyền thống mà không trao cho tác phẩm sắp đặt? Họa sĩ Siu Quý cho biết: "Thời gian trước, tác phẩm sắp đặt mới quá và cũng ít nghệ sĩ thực hiện nên chưa đưa vào xét giải. Gần đây, TP HCM có nhiều nhóm nghệ sĩ trẻ làm tác phẩm sắp đặt khá nổi bật như nhóm nghệ sĩ của Hội Mỹ thuật TP, nhóm điêu khắc trẻ của Hội Mỹ thuật TP, nhóm sinh viên ĐH Mỹ thuật TP HCM, nhóm sinh viên ĐH Hoa Sen, ĐH Văn Lang… Đợt xét chọn tác phẩm văn học nghệ thuật lần này, Hội Mỹ thuật TP có đưa tác phẩm sắp đặt vào xét giải".
Bình luận (0)