Nhiều tác phẩm thuộc phong cách thơ múa, kịch múa và tổ hợp múa của nhiều đơn vị nghệ thuật xứng đáng được đề cử Giải thưởng Văn học nghệ thuật (VHNT) TP HCM lần thứ 2 (2012-2016). Tuy vậy, do bộ môn nghệ thuật múa phổ biến không mấy rộng rãi nên nhiều tác phẩm dù được đánh giá cao về mặt giá trị nghệ thuật vẫn còn xa lạ với công chúng.
Không khó lựa chọn
Theo thông tin từ Hội Nghệ sĩ múa TP HCM, còn khoảng 1 tháng nữa, hội mới tập hợp được những đề cử cho Giải thưởng VHNT TP từ danh sách ứng cử của các đơn vị nghệ thuật biểu diễn chuyên nghiệp. Vì vậy, hội khó đưa ra danh sách những ứng viên cụ thể.
Vở múa “Đặc công Rừng Sác” của Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7
Tuy nhiên, theo NSƯT Phi Yến, không khó để chọn ra những tác phẩm múa xuất sắc, đạt chuẩn ứng cử cho Giải thưởng VHNT TP HCM lần thứ 2. Các tác phẩm này chủ yếu đến từ những đơn vị biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, như: Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7, Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM và Trường Múa TP.
Trong đó, giới chuyên môn nhắc tên và dành nhiều lời khen ngợi nhất là các tác phẩm của NSND Hà Thế Dũng, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ múa TP HCM. Sau chiến thắng tại Giải thưởng VHNT TP HCM lần thứ 1 với giải C dành cho tác phẩm "Ô cửa sổ" và giải khuyến khích dành cho "Màu xanh bất diệt", NSND Hà Thế Dũng tiếp tục gây ấn tượng với những tổ khúc múa, kịch múa và thơ múa như: "Nỗi đau da cam", "Tự tình mưa nắng", "Những dòng chảy mới"… do ông dàn dựng cho Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam, Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7.
Các tác phẩm nêu trên đều được công chúng đón nhận. Trong đó, nổi bật là tổ khúc múa 4 chương: "Tổ quốc - Hai tiếng thân thương, hai tiếng tự hào" với nhịp điệu rất hào hùng. "Đây đều là những tác phẩm múa nghệ thuật đỉnh cao, được công chúng đón nhận nồng nhiệt" - nghệ sĩ Trần Ly Ly nhận xét.
Dễ dàng cảm thụ
Sự thay đổi về quy chế hoạt động cũng như tư duy quảng bá của Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 đã giúp các tác phẩm của đơn vị này đến gần hơn với công chúng thời gian qua. Trong đó, nhiều tác phẩm múa được đánh giá cao về mặt nghệ thuật, góp phần nâng cao thị hiếu cảm thụ nghệ thuật múa của số đông công chúng.
NSƯT Thanh Thúy cho biết: "Cả 3 tác phẩm múa "Biệt động thành", "Khát vọng" và "Đặc công Rừng Sác" của chúng tôi đều gặt hái những thành tựu nhất định về mặt nghệ thuật và hiệu ứng đón nhận của công chúng. Ngay khi ra mắt trong chương trình hội diễn toàn quốc với nhiều lời khen của giới chuyên môn, các tiết mục này tiếp tục được công chúng đón nhận khi biểu diễn tại Nhà hát Thành phố. Đó chính là điểm nổi bật và đáng tự hào của Đoàn Nghệ thuật Quân khu 7 ở lĩnh vực múa".
Kết hợp ballet với múa đương đại là sắc màu nổi bật của nhiều tác phẩm múa trong 5 năm qua. Các nghệ sĩ tự tìm tòi, sáng tạo theo phong cách riêng, phóng khoáng và tự do hơn nên được số đông công chúng đón nhận. Điều này cũng lý giải vì sao các tác phẩm múa của Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TP HCM đã hình thành được một lớp công chúng riêng cho mình. Trong đó, thành công nổi trội phải kể đến là hai tác phẩm: "Chạm tay vào quá khứ" và "Vọng phu biển".
"Nghệ thuật múa hiện đại nhưng cốt lõi vẫn giữ được nét đẹp tinh túy của hồn dân tộc Việt" - NSND Hà Thế Dũng đúc kết. Theo NSƯT Thanh Thúy, hầu hết các tác phẩm múa hiện nay đều chạm vào trái tim người xem. Ngôn ngữ múa không còn hàn lâm, xa cách mà gần gũi, là tiếng nói đến từ trái tim nên dễ dàng chạm đến trái tim của người thưởng thức.
Thực tế cho thấy những năm gần đây, rất nhiều tác phẩm múa chất lượng cao công diễn thông qua sự đầu tư dàn dựng nghiêm túc, khát khao làm nghề và cả tâm huyết đưa nghệ thuật múa phát triển, đến được với công chúng của đội ngũ làm nghề. "Khi có quá nhiều tác phẩm hay, thực sự xứng đáng đề cử cho giải thưởng của thành phố lần này thì sẽ khó cho hội đồng cấp cơ sở trong việc xét chọn đề cử" - NSND Kim Quy nhìn nhận.
Tiêu chí cần linh hoạt
Có một nghịch lý là nhiều tác phẩm đạt hiệu quả về tầm ảnh hưởng đối với công chúng nhưng lại không đáp ứng được tiêu chí tuyển chọn. Điều đó khiến vài đơn vị nghệ thuật biểu diễn không bằng lòng.
NSND Đặng Hùng, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, cho biết: "Nếu chỉ chọn tổ khúc múa, thơ múa và kịch múa thì thôi, tôi chẳng đề cử làm gì nữa. Để cho đơn vị khác tranh cử vậy".
Nếu theo đúng quy định đề cử của Giải thưởng VHNT TP HCM lần thứ 2 thì những tác phẩm múa nổi bật của Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen như "Gọi mưa", "Vũ hội Xuân", "Mẹ" hay chương trình "Sen" đều không đạt. Bởi lẽ, chương trình "Sen" dài hơn 60 phút còn "Gọi mưa", "Vũ hội Xuân" hay "Mẹ" là tác phẩm chưa đầy 10 phút. Với tác phẩm quá ngắn hay quá dài so với tiêu chí đề cử (trung bình 15-17 phút), Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen gần như đang thất thế trong việc trở thành ứng cử viên của Giải thưởng VHNT TP HCM lần thứ 2.
Những tác phẩm múa của Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen thời gian qua đã để lại nhiều ấn tượng với công chúng lẫn giới chuyên môn. Vì vậy, không được là ứng viên cho vòng đề cử của giải thưởng lần này là một thiệt thòi cho Nhà hát Ca múa nhạc Bông Sen.
Bình luận (0)