Đã khép lại 1 tuần thật đặc biệt Liên hoan các vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ trên sân khấu Kịch Hà Nội (diễn ra từ ngày 9 đến 16-9). Thế nhưng, hình ảnh những khán phòng đông kín khán giả, thậm chí người xem phải ngồi bệt giữa 2 hàng ghế hoặc đứng… một chân, sẽ còn đọng mãi trong lòng các nghệ sĩ, những người yêu sân khấu, đặc biệt là với ai yêu kịch Lưu Quang Vũ.
Sức sống trường tồn
Những suất diễn đầu tiên bắt đầu từ 8 giờ 30 phút, với nhiều người còn chưa bắt đầu một ngày mới nhưng khán giả đã đến chật rạp. Có thể nhà tổ chức đã lo quá xa khi không dám bán vé bởi tất cả suất diễn ban ngày ở các rạp Tuổi Trẻ, Công Nhân, Đại Nam đều đông kín người từ trước khi mở màn nửa giờ, đến sát giờ diễn là chịu, chấp nhận ngồi bệt ở lối đi. “Chỉ có kịch Lưu Quang Vũ mới làm được điều này” - NSƯT Chí Trung nhận xét.
Hà Nội tháng 9 đỏng đảnh nắng mưa, nhiều khán giả tóc đã bạc đội mưa đến rạp xem lại những vở diễn có thể coi là kinh điển một thời. Luồng sinh khí mới dường như đã thổi vào đời sống sân khấu phía Bắc khiến một nghệ sĩ đứng tuổi rơm rớm nước mắt: “Mình như được sống trong thời kỳ huy hoàng của sân khấu thủ đô năm nào”.
“Những gì đang diễn ra khiến chúng ta tự hào về một người nghệ sĩ tài năng” - NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, nhấn mạnh. Chỉ có Lưu Quang Vũ mới có thể làm cho khán giả khóc cười, bức xúc, uất hận…, vẫn tưởng như những câu chuyện đã diễn ra từ gần 30 năm trước đang xảy ra đâu đây ngay bên cạnh mình.
NSND Phạm Thị Thành lý giải 30 năm rồi mà kịch Lưu Quang Vũ vẫn hấp dẫn bởi những gì ông viết vẫn đang là các vấn đề nóng bỏng của cuộc sống hôm nay. Nhân vật của Lưu Quang Vũ vẫn là những con người mà chúng ta bắt gặp trong cuộc sống xung quanh mình.
Xem kịch Lưu Quang Vũ, khán giả cảm nhận được sự đồng điệu của tinh thần thượng tôn lẽ phải, sự trung thực để miên man với những suy nghĩ về lương tâm, niềm tin, sự thật, chân lý… Ông đã tìm được điểm yếu của thời đại, những mâu thuẫn xung đột của xã hội, tìm thấy hạt nhân mâu thuẫn của con người trong một cơ chế đang chuyển đổi. Tác giả đã nói thay khát vọng, niềm tin, nỗi đau, niềm vui, nỗi buồn… - những điều nhân dân lao động không nói được, tạo tiếng nói của số đông.
Những tiếc nuối, giá như...
Người Hà Nội như được sống lại những ngày hoàng kim của sân khấu nhưng không phải không có những tiếc nuối, những giá như... Sự tiếc nuối ấy dành cho những hụt hẫng về thế hệ, không chỉ ở các nhà viết kịch mà còn ở cả dàn diễn viên hiện nay. Những gì mà các diễn viên thể hiện trong 12 vở diễn tham dự liên hoan lần này vẫn chưa thể tạo “lửa” bằng các thế hệ đàn anh, đàn chị trước đây. Dù Mùa hạ cuối cùng nhận được nhiều lời khen nhưng đạo diễn vở này, NSƯT Chí Trung, vẫn thẳng thắn nhận xét anh chưa hài lòng với diễn xuất của các diễn viên trẻ.
“Những diễn viên lứa trước như Đức Khuê, Ngọc Huyền dù phân cảnh không nhiều nhưng vai diễn khá có sức nặng, trong khi các diễn viên trẻ chỉ đạt được phần nào yêu cầu của tôi. Với Lời thề thứ 9, tôi đã từng thành công, từng khóc cười, trái tim tôi đã từng ứa máu nên nhìn dàn diễn viên bây giờ không có cái bức xúc của thời đại, không có những trăn trở, vật vã như mình, tôi điên lắm!” - NSƯT Chí Trung nhận xét.
Tình trạng tương tự cũng diễn ra ở Nhà hát Chèo Hà Nội. Xem Ngọc Hân công chúa, không ai không phục Thu Huyền. Chị vào vai quá ngọt, thậm chí nhiều khán giả đã khóc với Ngọc Hân của Huyền. Tuy nhiên, nhiều người thầm nghĩ giá như có lớp diễn viên trẻ hơn đảm nhận những vai ở tuổi 20 như thế thì tốt hơn là một phó giám đốc nhà hát. Ít người biết Nhà hát Chèo Hà Nội mấy năm nay dành nhiều ưu ái cho dàn diễn viên trẻ nhưng quả tình để vào các vai diễn khó như nàng Sita trong vở cùng tên, cô đào trẻ Thục Khánh vẫn diễn chưa ra.
Công việc dàn dựng mới kịch Lưu Quang Vũ qua liên hoan chưa nhận được sự đánh giá cao của giới chuyên môn, như nhận xét của nhà phê bình Ngô Thảo: “Làm lại Lưu Quang Vũ vẫn ở dạng thô sơ nguyên liệu mà thiếu bàn tay tinh chế của ngày hôm nay. Đương thời, kịch Lưu Quang Vũ có thể vừa là nguyên liệu vừa là sản phẩm. Bây giờ làm lại thì dứt khoát nó chỉ là nguyên liệu thôi. Để có sản phẩm, đòi hỏi phải làm mới, tân trang, bao bì, chất lượng chứ không chỉ bán vật liệu thô như thế này. Mấy chục năm, khán giả đã thay đổi rất nhiều nhưng sân khấu vẫn vậy. Rất đáng phải suy nghĩ...”.
Khoảng trống cần lấp đầy lớn hơn Biên kịch Nguyễn Đăng Chương cho rằng một trong những mục đích mà Liên hoan các vở diễn của cố tác giả Lưu Quang Vũ đặt ra là tạo làn sóng mới cho sân khấu Việt Nam, cũng như giúp các tác giả trẻ có những bài học kinh nghiệm từ Lưu Quang Vũ. “Tất nhiên, không phải cứ viết về những vấn đề, đề tài giống Lưu Quang Vũ thì sẽ thành công nhưng nếu người cầm bút biết lựa chọn vấn đề và hiểu khán giả của họ đang thực sự quan tâm tới cái gì thì khán giả sẽ trở lại với sân khấu. Thực tế hiện nay, nhiều tác giả kịch bản vẫn cứ loay hoay với câu hỏi này” - NSND Hoàng Dũng nhận định. Theo ông, phần lớn kịch bản hiện nay vẫn đi theo lối mòn quen thuộc và khoảng trống cần lấp đầy của sân khấu kịch có vẻ ngày càng rộng hơn. |
Bình luận (0)