Ngay từ khi mới ra đời năm 1988, vở diễn “Lời thề thứ 9” của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã nhanh chóng trở thành một trong những thành công lớn nhất của làng kịch nói hiện đại trên sân khấu Việt. Cho đến tận bây giờ, vở diễn vẫn giữ nguyên tính thời sự nóng bỏng, phản ánh chân thực những giá trị xã hội cần được tôn vinh và chuyển tải những ý nghĩa nhân văn sâu sắc về con người, về cuộc đời.
NSND Lê Khanh hóa thân thành bà mẹ nghèo chốn quê
NSND Lê Khanh khiến người xem xúc động sâu sắc với nhân vật người mẹ bình dị nhưng vĩ đại
Tuổi trẻ cống hiến nơi tuyến đầu Tổ quốc với những trăn trở chưa khi nào nguôi
Câu chuyện kể về những xung đột trong cuộc sống của các quân nhân, những người sẵn sàng hy sinh cả thân mình cho tuyến đầu Tổ quốc, tuổi trẻ của họ, tình yêu của họ đều gắn bó với những trận quyết chiến với kẻ thù. Thế nhưng, ở hậu phương, cuộc sống thời bình với những diễn biến mới phức tạp đã khiến họ đau lòng, nhức nhối. Những người cha mẹ có con đi chiến đấu lại bị xâm hại, chính quyền bao che, cấu kết với nhau vì lợi ích cá nhân. Tinh thần tôn sùng vật chất càng lúc càng lên ngôi; thói cửa quyền, hách dịch, quan liêu phát triển mạnh mẽ; tâm lý thờ ơ, vô cảm lan tràn từ gia đình đến xã hội… khiến bao người dân thường phải lâm cảnh khổ sở, lầm than.
Chánh văn phòng Chu Thị Mỡi (áo xanh) đuổi dân không thương tiếc trong ngày tiếp dân
Kiên quyết không trình đơn kiện của dân lên Chủ tịch tỉnh
Với nhiệt huyết của tuổi trẻ, các chàng trai thương bạn chiến đấu như thương thân mình nhưng chưa biết phải xử lý tình huống như thế nào, cộng với sự vụ cấp bách về thời gian và tính mạng của người thân bị đe dọa khiến họ chỉ biết lao về phía trước, với niềm mong ước cháy bỏng có thể giải quyết được những bất công, trừng trị kẻ xấu, cứu người ngay khỏi vòng lao lý. Thế nhưng, nỗ lực của họ vấp phải sự khô cứng trong tư duy của các cấp bậc quản lý, bệnh thờ ơ, vô cảm của các thế lực xã hội, và chính họ phải đối mặt với vành móng ngựa cùng sự lên án của cộng đồng. Và người thân không thể cảm thấy bình an, hạnh phúc trước thực tại ngổn ngang này.
Nghệ sĩ Đức Khuê (ngồi trên ghế) rất thành công trong vai ông bố - Chủ tịch tỉnh - đại diện cho tính khắc kỷ và sự cứng nhắc, vô cảm
Những trường đoạn liên tiếp đẩy kịch tính lên tới cao trào, đưa người xem vào trạng thái xúc động mạnh mẽ. Những sự thật sâu kín được phơi bày về một xã hội lộn xộn, vô trật tự, vô kỷ luật, với biết bao điều ngang trái, đau lòng khiến những người có trách nhiệm phải suy ngẫm. Cuối cùng, ai là người có lỗi? Kịch của Lưu Quang Vũ không kết luận điều đó mà tạo ra một cái kết mở, trong đó mỗi người đều như đang tự soi mình trước một tấm gương lớn, để nhận thấy những lầm lỗi của chính mình đã góp phần tạo nên cái thực tại ngổn ngang kia. Và cuối cùng là hiệu quả tự thanh lọc, từ tâm lý hối hận sẽ dẫn tới hành vi sửa mình.
Trước những sự thật ngổn ngang trong xã hội hôm nay, ai cũng góp phần có lỗi, người chức vụ càng cao thì phần trách nhiệm phải chịu càng nhiều...
Phản ánh trung thực, sinh động những đau khổ, lầm than và căm phẫn của quần chúng nhân dân đối với thói nhũng nhiễu cửa quyền, sự quan liêu, thờ ơ, vô trách nhiệm, vô cảm với cuộc sống, vở diễn Lời thề thứ 9 do Nhà hát Tuổi trẻ (Hà Nội) dàn dựng trong chuyến du Nam dài ngày ở vào thời điểm giao mùa cuối năm đã thu hút mạnh mẽ công chúng TP HCM. Hầu như tất cả các suất diễn đều cháy vé, và trên những hàng ghế khán giả là sự trầm trồ trước diễn xuất đáng nể của dàn diễn viên chính kịch.
LỊCH BIỂU DIỄN
Tại Nhà hát Thành phố - số 7 Công trường Lam Sơn
20h00: 18-12-2013 Vở “Lời thề thứ 9”
20h00: 19-12-2013 Vở “Mùa hạ cuối cùng”
Tại Nhà hát Quân đội - 140 Đường Cộng Hòa, Quận Tân Bình
Từ ngày 14-12-2013 đến ngày 10-1-2014, vào lúc 20h00, trình diễn các vở:
Hài kịch Đời cười; Nụ cười chiến sĩ; Mùa hạ cuối cùng; Lời thề thứ 9 |
Bình luận (0)