Các nhà sản xuất, nhà đài ví rating như một thế lực có “quyền năng” vô hình. Và cũng chính “thế lực” đó khiến họ mãi rơi vào vòng luẩn quẩn lo lắng
2013 là năm bùng nổ của truyền hình thực tế với tổng cộng 16 chương trình được phát sóng, chỉ tính trên 2 kênh truyền hình “hot” (độ quan tâm của công chúng cao nhất) là VTV3 của Đài Truyền hình Việt Nam và HTV7 của Đài Truyền hình TP HCM. Hiện nay, có 4 “ông trùm” đứng ra sản xuất các chương trình cung cấp cho 2 kênh truyền hình này là Cát Tiên Sa với The voice, The voice kids, Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo…; BHD với Vietnam Idol, Người giấu mặt, Học viện ngôi sao…; Đông Tây Promotion với Thử thách cùng bước nhảy, The winner is… và Mutltimedia với Vietnam’s Next Top Model, Project Runway, Đồ Rê Mí… Nhìn vào cũng đủ thấy cuộc đua giành sóng khốc liệt như thế nào. Tất nhiên, những nhà sản xuất này thường “mua đứt” sóng của nhà đài nhưng để trụ vững trên 2 kênh VTV3 và HTV7 trong khung giờ vàng, các chương trình của họ phải bảo đảm thu hút lượng khán giả đông đảo (rating cao), lôi kéo được nhiều quảng cáo.
Cuộc chiến khốc liệt
Theo số liệu của Công ty TNHH Truyền thông TNS Media Việt Nam (thuộc Tập đoàn Kantar Media - Anh, đơn vị đo rating duy nhất tại Việt Nam) cung cấp cho báo chí vào năm ngoái qua khảo sát từ năm 2011 tới 2013, những chương trình có rating cao và tăng mạnh gồm: Bước nhảy hoàn vũ, Cặp đôi hoàn hảo, Giọng hát Việt, Giọng hát Việt nhí, Gương mặt thân quen, Vietnam’s Got Talent, Vietnam’s Next Top Model… Những chương trình như Cuộc đua kỳ thú, Đồ Rê Mí, Hợp ca tranh tài, Project Runway, Vua đầu bếp Việt Nam… có rating thấp hơn. Với tình trạng các nhà sản xuất đua nhau mua bản quyền chương trình truyền hình thực tế của nước ngoài ngày càng nhiều, khán giả có nhiều lựa chọn hơn thì cuộc cạnh tranh “miếng bánh” rating ngày càng diễn ra khốc liệt. Sự trồi - sụt của chỉ số rating cũng khiến các nhà sản xuất phải thấp thỏm.
Theo các số liệu tổng hợp của TNS, chương trình Giọng hát Việt nhí có rating mở đầu là 3.7, kết thúc là 13, chỉ số tăng từng ngày. Với rating này, giá quảng cáo của Giọng hát Việt nhí lập kỷ lục với 280 triệu đồng/TVC 30 giây. Chương trình có giá quảng cáo đứng thứ hai là Giọng hát Việt 2013 với 240 triệu đồng/TVC 30 giây.
“Chạy theo rating là một cuộc chơi đầy gian nan, mệt mỏi” - một nhà sản xuất có tên tuổi tại TP HCM nói. Được biết, những nhà sản xuất này chấp nhận bỏ ra số tiền không nhỏ để thuê những chuyên gia, người am hiểu lĩnh vực truyền thông phân tích thị trường, thị hiếu khán giả cốt làm sao chương trình hút khách và giữ được độ nóng.
Chỉ số khảo sát người xem không chỉ quyết định sự thành công, thất bại của một chương trình truyền hình mà còn quyết định cả sự sinh tồn của nhà sản xuất bằng việc tìm kiếm được nhà tài trợ, thu hút số lượng quảng cáo… nên nó hiển nhiên được quan tâm hàng đầu. Ông Nguyễn Hải, điều hành sản xuất chương trình của Công ty Đông Tây Promotion, cho biết: “Trong tình cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì áp lực của nhà sản xuất là không nhỏ vì ai cũng muốn chương trình thu hút khán giả, rating cao, có quảng cáo để tái đầu tư”. Riêng những nhà sản xuất nhỏ, cuộc chạy đua tìm rating lại chật vật hơn rất nhiều. Bà Bảo Minh - đại diện truyền thông Công ty MCV (sản xuất các chương trình như Gia đình tài tử, Lữ khách 24h, Con đã lớn khôn) - thừa nhận cảm thấy rất áp lực khi chạy theo các chỉ số rating ở mỗi chương trình. “Sau mỗi số phát sóng, chúng tôi đều sử dụng chỉ số này để phân tích, mổ xẻ bên cạnh các phân tích khác về nội dung biên tập, nhân vật, kỹ thuật…” - bà Minh nói.
Quyết định sống còn
Không ít đơn vị sản xuất phim phải méo mặt trước chỉ tiêu đặt ra của một số kênh truyền hình cáp: phải đạt rating trên 1.5 thì phim mới được trả đúng giá tiền chi phí sản xuất (rating từ 1.0 đến 1.2, nhà sản xuất chỉ được trả 110 triệu đồng/tập, trong khi mức bình quân mỗi tập phim là 180 - 200 triệu đồng). Đầu tư tiền tỉ nhưng khi phim phát sóng, nhà sản xuất vẫn lo nguy cơ trắng tay. Quy định này đã làm “nao núng” tinh thần không ít đơn vị mới làm phim suốt một thời gian dài. Khó có cửa để phim phát sóng trên các khung giờ vàng của HTV và VTV, các đơn vị mới làm phim nhắm vào các đài tỉnh, kênh truyền hình cáp nhưng rating trở thành “lưỡi hái tử thần” đối với họ.
Các nhà sản xuất, nhà đài ví rating như một thế lực có “quyền năng” vô hình và cũng chính “thế lực” này khiến họ mãi rơi vào vòng luẩn quẩn lo lắng: Rating thấp dẫn đến không có quảng cáo, tức là không có tiền đầu tư và không có sóng giờ đẹp (giờ có đông người xem nhất trong ngày) lại dẫn đến rating thấp.
“Tính khốc liệt thể hiện cụ thể nhất ở những con số. Khi sản xuất một chương trình, nếu nhà sản xuất không tìm được tài trợ thì họ buộc phải tự lo phần kinh phí. Sau khi sản xuất xong, đem phát sóng thì phải đi tìm quảng cáo để chạy trong chương trình. Mà muốn có nhãn hàng chạy quảng cáo trong chương trình thì buộc chương trình phải đạt được một chỉ số người xem nhất định vì các nhãn hàng toàn căn cứ vào chỉ số này” - bà Minh than thở.
Kỳ tới: Nói sao nghe vậy
Nghịch lý khó hiểu
Bộ phim Ranh giới mong manh (Hãng phim Vietcom sản xuất, phát sóng lúc 22 giờ trên kênh HTV9, khung giờ dành cho 3 đơn vị có uy tín: Sóng Vàng, Vietcom và Sena) khá hay, thu hút bình luận của đông đảo khán giả nhưng rating chỉ trên dưới 2.0, khá thấp so với mặt bằng chung. Trước đó, phim Vợ của chồng tôi của Senafilm cũng rơi vào tình trạng tương tự dù tạo được diễn đàn bình luận sôi nổi trên báo Phụ Nữ TPHCM suốt thời gian phim phát sóng. Phim có khán giả, tạo được dư luận và … rating thấp khiến cả nhà đài lẫn nhà sản xuất “bực thật” nhưng cũng không tìm được lời giải đáp thỏa đáng hơn trước con số rating được xem là kết quả chứng minh.
Bình luận (0)