xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Lan man “rồng cái/bà rồng”

LÊ MINH QUỐC

Trong kho từ vựng tiếng Việt, “cái” chưa bao giờ đi với “rồng” trở thành “rồng cái” nhằm chỉ người đàn bà có quyền lực

Gần đây có từ “rồng cái” để chỉ người đàn bà có uy quyền, tham vọng trên vũ đài chính trị, trong giới làm chính trị. Liệu có hợp lý không?

“Cái” chưa hẳn là giống cái

Nếu người đàn bà tinh quái, “Ghế trên ngồi tót sỗ sàng”/“Ăn gì to lớn đẫy đà làm sao” như cỡ Tú Bà, có thể sử dụng cụm từ: “Bà la sát/Bà chằn/Bà chằn lửa”? Nếu có “bà rồng” ắt phải có “ông rồng”? Người Việt chưa bao giờ dùng “ông rồng” để chỉ đấng mày râu quyền lực, có tính cách như “bà rồng”. Thậm chí, người Việt không dùng từ “bà” để chỉ bất kỳ con vật nào. “Bà ngựa gầy thiếu kẻ chăn” trong thơ Nguyễn Trãi; nếu đọc Kinh Dịch ắt hiểu chỉ về mặt trời, về thời gian. Hiểu đúng câu thơ đó là ngụ ý đất nước không có vua.

Minh họa: KHỀU
Minh họa: KHỀU

Có câu hát xưa: “Ngồi buồn nói chuyện trên non/Một trăm thứ cá có con không thằng/ - Thầy ơi, chớ nói bao đồng/Một trăm thứ cọp có ông không bà”. Chỉ gọi “ông cọp”, không ai gọi “bà cọp”. Do đó, khi nghe cụm từ “bà rồng”, thấy ngớ ngẩn lắm! Về từ “cái” trong “rồng cái” chỉ cần lật từ điển tiếng Việt sẽ biết nó có cả thảy bao nhiêu nghĩa.

Khi mọi người sử dụng từ “cái” trong “Bố Cái đại vương” nhằm tôn vinh anh hùng dân tộc Phùng Hưng - người có công đánh đuổi giặc nhà Đường phương Bắc, thời đó, Bố Cái được hiểu là “cha mẹ”. Duy chỉ riêng nhà văn Bình Nguyên Lộc lại hiểu khác. Trong quyển “Nguồn gốc Mã Lai của dân tộc Việt” (NXB Bách Bộc - 1971), ông giải thích: “Chữ CÁI trong BỐ CÁI Đại Vương, trong Con dại cái mang. CÁI ấy là Cha, là Thủ lãnh, còn y nguyên trong Chàm ngữ, Mã ngữ, Thượng ngữ, chứ không phải là Mẹ như ta đã hiểu lầm” (tr.477). Lập luận này đáng suy nghĩ lắm đấy chứ.

Mà “cái” còn nhằm chỉ một sự vật có yếu tố to/lớn nhất. “Đũa cái” là đũa lớn nhất trong một/nhiều bó đũa. Đường cái là đường lớn, đường chính; rễ cái, sông cái, thợ cái, cột cái, ngón chân cái... là hiểu theo nghĩa đó. Người trùm thiên hạ, có tính cách thủ lĩnh gọi là “Anh hùng cái thế”…

Mang nghĩa tiêu cực

Tất nhiên, “cái” còn có nhiều nghĩa khác nữa nhưng ở đây chỉ bàn đến cụm từ có liên quan đến “bà rồng/rồng cái”.

Hiện nay, các tự điển tiếng Việt vẫn giải thích “cái” tức là mẹ. Nếu đúng thế, “cái” với ý nghĩa như trên đã mất đi từ lúc nào? Trước đây, khi đọc câu ca dao: “Em về nuôi cái cùng con/Anh đi trẩy hội nước non Cao Bằng”, nghĩ rằng “cái” ở đây là mẹ. Và trong giao tiếp hằng ngày, khi nghe câu hỏi: “Con cái anh thế nào?”, vẫn hiểu như cách giải thích của “Đại từ điển tiếng Việt” của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “Con, thế hệ con nói chung”. Nhưng thật ra, chưa hẳn chung chung như vậy. Cứ như theo từ điển Việt - Bồ - La (1651) của A. de Rhodes (bản của NXB Khoa học Xã hội - 1991): “Con cái: con trai và con gái”. Rõ ràng, “cái” trong “con cái” theo nghĩa là mẹ, là to/lớn ở thời điểm đó đã khác.

Mà lạ thật, không rõ có phải do sự “xuống cấp” từ trong quan niệm trọng nam khinh nữ hay không mà nay rõ ràng có một điều dễ dàng nhận ra: từ “cái” một khi dùng gắn liền với người phụ nữ thường hàm ý xấu, mang sắc thái tiêu cực. Con cọp tất nhiên là dữ nhưng phải là “Dữ như cọp cái” mới đáng sợ; con ngựa đã từng tạo được thiện cảm qua ý niệm “Mã đáo thành công” nhưng khi một người đàn bà bị gán “ngựa cái” thì hàm nghĩa lại khác hẳn, gợi lên sự lăng loàn, trắc nết.

Ở Huế có thành ngữ “Ngựa Thượng Tứ” hàm nghĩa: “Gái thích trai. Hồi đời Minh Mạng có Viện Thượng tứ lo về ngựa (Mã Chính) của bộ Binh. Ngựa thao diễn từ cửa Thượng Tứ về thấu ngã ba cầu Gia Hội. Ngựa thường hay giao cấu lộ liễu nên dân chúng nghĩ đến đoàn ngựa Thượng Tứ khi thấy những cảnh trai gái “rượng” với nhau lộ liễu” (Từ điển tiếng Huế - Bùi Minh Đức, NXB Văn học - 2014, tr.664). Cũng có thể hiểu, ngựa Thượng Tứ dữ dằn hay lồng lên như ngựa chứng.

Lại còn nghe nói đến “giặc cái”, “quỷ cái”, “chó cái” thì sao? Thì cũng không khác gì khi nghe đến “bà rồng/rồng cái”. Chẳng hay ho, tốt đẹp gì. Chỉ là sự khinh miệt, rẻ rúng, xem thường người phụ nữ.

Tóm lại, trong vốn từ tiếng Việt, từ xưa đến nay “cái” chưa bao giờ đi với “rồng” trở thành “rồng cái” nhằm chỉ người đàn bà có quyền lực, nó hoàn toàn xa lạ trong tâm thức người Việt.

Biết đâu sẽ được chấp nhận, phổ biến

Nói đi cũng phải nói lại, một khi đã xuất hiện cụm từ “bà rồng/ rồng cái” nhằm chỉ “người đàn bà thép”, có quyền lực, có khả năng tham gia chính trường và có tham vọng thay đổi nó bằng mọi thủ đoạn, mọi tài trí thông minh, quyết đoán, độc ác hơn người thì biết đâu, từ cách sử dụng có tính cách “tiên phong” đó, dần dà về sau sẽ được mọi người chấp nhận?

Mà cũng có thể lắm chứ! Cứ quan sát cách sử dụng lời ăn tiếng nói đã hình thành trong khoảng mươi năm trở lại đây, ta thấy có biết bao từ, cụm từ mới đã ra đời và rơi rụng dần. Không gì phải phê phán, dù cảm thấy khó chịu vì cụm từ đó nếu không đáp ứng được yêu cầu nội tại của hàm nghĩa vừa nêu trên, tự nó sẽ mất đi. Thế thôi. Sực nhớ, ban đầu, khi nhà văn Nguyễn Công Hoan cao hứng nghĩ ra từ “oẳn tà roằn” nhằm chỉ kết quả của vụ ngoại tình giữa người đàn bà An Nam với ông Tây đen mũi lõ: “Té ra thằng bé con chàng mà nước da lại đen như cái cột nhà cháy! Vậy nó không phải con rồng cháu tiên. Nó là giống “oẳn tà roằn” không biết chống gậy” - ban đầu có lẽ người ta chỉ thấy buồn cười. Nhưng rồi trải qua bao biến đổi, thay đổi về ngôn ngữ, nó vẫn “sống” sờ sờ, vẫn đồng hành cùng thời đại…

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo