Nghệ sĩ Thanh Tòng kể rằng ba của ông là nghệ sĩ Minh Tơ chưa bao giờ khen ngợi con cháu vì sợ những người trẻ dễ sinh tính tự cao, tự đại, ỷ vào tài năng mà quên trau dồi, rèn luyện nghề nghiệp.
Không chê vai lớn - nhỏ
Ông dẫn ra một câu chuyện mà ông cho biết sau này khi giữ trọng trách trưởng đoàn, ông đã áp dụng: “Ba tôi buộc con cháu, anh chị em nghệ sĩ trong đoàn phải học ngay bên cánh gà sân khấu, nghĩa là hết lớp diễn của mình thì phải xem các vai của bạn diễn để khi đoàn hát cần thì đáp ứng ngay việc thay vai. Sau này, khi tôi làm trưởng đoàn, buổi chiều tôi vào rạp ghi bảng phân vai, cứ thế suất diễn mở màn, hoán đổi tất cả để thử nghề từng thành viên trong đoàn”.
Các nghệ sĩ Xuân Yến, Hữu Cảnh, Bạch Lê, Trường Sơn, Thanh Loan, Bạch Liên, Bạch Lựu, Thành Lộc, Bạch Long, Thanh Sơn, Chí Bảo, Công Minh... đều ở tư thế sẵn sàng “ứng chiến” khi được phân vai diễn. Họ đã học bên cánh gà sân khấu biết bao kinh nghiệm diễn xuất quý giá từ thế hệ tiền bối: nghệ sĩ Thành Tôn, Minh Tơ, Khánh Hồng, Đức Phú... nhờ đó mà trưởng thành.
“Khi chúng tôi thực hiện chương trình “Gìn vàng giữ ngọc” tại Nhà hát Bến Thành, anh Năm - Thanh Tòng giao vai Lý Đạo Thành, một vai diễn mà anh và anh Trường Sơn đã từng thể hiện thành công. Tôi nhận lời ngay và biết rằng mình có dịp đem những bài học từ chiếc nôi cải lương tuồng cổ của gia tộc ra ứng dụng. Những bài học mà hồi còn là cậu bé với cái tên Thành Tâm lớn lên bên cánh gà sân khấu đình Cầu Quan, tôi đã tích lũy” - nghệ sĩ Thành Lộc tâm sự. Vai diễn Lý Đạo Thành của anh trên sân khấu tuồng cổ thật sự tạo dấu ấn trong lòng khán giả.
“Gia tộc nhà tôi không bao giờ chê vai lớn, vai nhỏ. Ba tôi - nghệ sĩ Thành Tôn - lúc còn sống, ông mà nghe anh chị em trong nhà chê bai, đả kích chuyện vai nhỏ, vai lớn là bị đòn ngay” - nghệ sĩ Bạch Long kể. Nhờ thế, cả gia tộc đều giỏi nghề, để ngày nay họ đều đứng ở cương vị làm thầy, truyền thụ những bài học có được từ cánh gà sân khấu cho thế hệ trẻ. Nghệ sĩ Bạch Long đã dìu dắt và mang lại cho sân khấu một thế hệ đồng ấu dưới sự đào tạo của anh như: Tú Sương, Trinh Trinh, Quế Trân, Vũ Luân, Chinh Nhân, Bình Tinh, Chấn Cường, Thy Trang, Lê Thanh Thảo...
“Chính tôi còn là người thọ giáo vũ đạo của Bạch Long. Khi diễn vai Triệu Tử Long, tôi mua một mâm trái cây đến nhà chú Thành Tôn xin học vũ đạo, lúc đó chú yếu rồi, Bạch Long can: Chị ơi, ba em hăng lắm, dạy chị mà huyết áp tăng thì khổ, em có biết chút xíu vũ đạo, để em chỉ dẫn để chị diễn. Nói biết “chút xíu” chứ Bạch Long hướng dẫn tôi múa cả ngày cũng học chưa hết bộ đi, bộ đứng, vung gươm cho đúng với trình thức hát bội của gia tộc Minh Tơ” - nghệ sĩ Ngọc Giàu kể. Và đó chính là sự khiêm tốn, bài học đầu tiên mà bất cứ người nghệ sĩ nào lớn lên từ cánh gà gia tộc Minh Tơ cũng học nằm lòng.
Không giấu dốt
Hai trường phái được phân biệt rõ rệt của sàn diễn cải lương trước 1975 chính là bên ca, bên diễn. Những nghệ sĩ xuất thân từ Đại bang Kim Chung với 7 đoàn nghệ thuật trực thuộc sự quản lý của bầu Long có phương châm là ca vọng cổ cho thật mùi, từ đó mới hình thành những cặp “sóng thần” làm nức lòng người hâm mộ: Minh Cảnh - Mỹ Châu, Minh Vương - Lệ Thủy, Phương Bình - Bích Hạnh. Còn bên diễn, các đoàn Dạ Lý Hương, Thanh Minh, Hương Mùa Thu, Thống Nhất, Minh Tơ... chú trọng diễn xuất. Nghệ sĩ Diệu Hiền bồi hồi nhớ lại năm 13 tuổi, bà trốn nhà theo gánh hát, được thầy Hoàng Nô là một nhạc công truyền nghề. “Buổi trưa, ông bắt tập ca mà tôi ham đi chơi, thế là bị đòn. Tối đến, ông biểu phải ngồi bên cánh gà coi người lớn hát. Nhờ vậy, vai nào tôi cũng thuộc và rồi một lần anh bạn đóng vai chú tiểu trong vở “Vườn hạnh sau chùa” bị bệnh, tôi được thầy cho thế vai. Ông bầu không chịu, nói vai chú tiểu sao để con gái đóng, thầy tôi bảo thì sửa lại vai ni cô. Thế là tôi được đặt tên ni cô Diệu Hiền. Trước đó, đi theo đoàn, tôi chỉ được đóng vai tì nữ hoặc ngâm thơ trong hậu trường với nghệ danh lấy từ tên thật Minh Hiền (bà họ Lâm - PV). Không ngờ, nhờ học vai này bên cánh gà, tôi thế vai ngọt xớt, lại được thầy viết thêm 3 câu vọng cổ, tôi được khán giả khen ngợi hết lời. Tôi còn nhớ lần diễn ở Đà Lạt, khán giả mua vé không hỏi tên đào kép chánh mà hỏi có bé Diệu Hiền có đóng không. Để rồi từ đó về sau, tôi đổi nghệ danh là Diệu Hiền luôn” - nghệ sĩ Diệu Hiền kể.
Hầu hết các vai của nghệ sĩ Diệu Hiền đều học qua cánh gà sân khấu. Bà gắn bó mật thiết với đệ nhất danh ca Út Trà Ôn mà bà gọi là cậu Mười. Ông chỉ dạy từng chút cho bà. Bà kể thêm: “Tôi không giấu dốt, điều gì chưa hiểu thì hỏi. Do nhà nghèo nên việc học chữ của tôi hạn chế. Nhiều điển tích, điển cố mà soạn giả viết trong tuồng, tôi chỉ thuộc như con vẹt nên câu ca chưa sâu, cậu Mười kêu lại gõ vào đầu rồi phân tích cho tôi nghe ý nghĩa của nó”.
Học bên cánh gà là lợi thế
“Sầu nữ” Út Bạch Lan hiện nay đang gắn bó với CLB sân khấu Lạc Long Quân trực thuộc Trung tâm Tổ chức Biểu diễn và Điện ảnh TP HCM. Bà luôn dạy các diễn viên trẻ phải đối diện với những điều hạn chế trong nghề diễn viên, đừng vì mặc cảm mà lẩn tránh. Học bên cánh gà là lợi thế vì khi tập trên sân khấu, nghệ sĩ chưa có sự tương tác của khán giả để thăng hoa sáng tạo. Chính cảm xúc của người xem “đốt” thêm “lửa” để nghệ sĩ cháy bừng cảm xúc trong ca diễn. Do vậy, phải học từ cánh gà để phát huy ưu thế cho riêng mình. “Tôi học bên cánh gà mỗi khi xem má Bảy Phùng Há và ba Năm Châu diễn. Tôi cũng được học từ bác Ba Vân, cô Kim Cúc mà biết cách ca diễn sao cho đúng, cho hay. Hễ chưa hiểu thì tìm các cô chú nghệ sĩ đi trước để hỏi, họ cắt nghĩa cho nghe rồi nhớ mà làm theo” - “sầu nữ” nói.
Kỳ tới: Không thành công cũng thành nhân
Bình luận (0)