Lặng lẽ thưởng thức ly cà phê buổi sáng tại một quán quen thuộc, Minh Hoàng trông thật giản dị, mộc mạc và có chút gì đó khắc khổ - một hình ảnh gần gũi như người cha đầy tình thương trong phim Ở lại thế gian, vai diễn từng lấy nước mắt của bao khán giả truyền hình cách đây vài năm của ông. Gần 40 năm hoạt động sân khấu và là chứng nhân của những giai đoạn sân khấu kịch thăng trầm, Minh Hoàng xuất hiện đều đặn, không ồn ào, không hào quang chói lọi nhưng vẫn luôn cháy bỏng tình yêu nghệ thuật, bất chấp năm tháng đi qua.
Cánh chim đã mỏi...
Từ trước đến nay, Minh Hoàng luôn quan niệm ông làm sân khấu không phải để mọi người biết đến mình mà là nhằm góp phần duy trì sân khấu kịch, mong người ta sẽ tiếp nhận và yêu mến nó. Vào những năm 1990, thời kỳ kịch nói lâm vào khủng hoảng, các sân khấu tên tuổi nhất TP HCM đều lần lượt tan rã. Không chấp nhận để sân khấu điêu tàn như thế, ông cùng anh em nghệ sĩ hội tụ về Nhà hát Hòa Bình và chung tay làm vở Tình nghệ sĩ - vở diễn mà Minh Hoàng đặt bút viết kịch bản đầu tay.
Vốn tốt nghiệp ngành diễn viên, Minh Hoàng trước đó chưa từng nghĩ có ngày mình sẽ viết một kịch bản sân khấu. Nhưng trước cảnh sân khấu tan rã, ông muốn thực hiện một vở diễn để chứng minh sân khấu vẫn có đất tồn tại nếu đáp ứng được nhu cầu của công chúng và khán giả với một kịch bản đi vào những thứ “người” hơn, “đời thường” hơn. Vở diễn nổi tiếng Tình nghệ sĩ với sự tham gia của dàn nghệ sĩ “khủng”: Chánh Tín, Thương Tín, Việt Anh, Thành Hội, Thành Lộc, Hồng Nga, Hồng Vân, Hồng Đào… đã ra đời trong hoàn cảnh như thế, tạo nên kỳ tích kéo khán giả đến xem đông đảo chưa từng thấy.
Tình nghệ sĩ đã mở đầu cho hàng loạt vở diễn thành công sau đó, trở thành liều thuốc kích thích để những người yêu kịch nói có động lực phát triển sân khấu xã hội hóa và tư nhân. Sau những năm cùng hoạt động tại Nhà hát Hòa Bình, các nghệ sĩ tên tuổi lại tỏa về những bến đỗ mới. Minh Hoàng cũng không ngoại lệ khi trong gần 40 năm qua, ông từng là thành viên của hầu hết các sân khấu kịch nổi tiếng nhất TP HCM. Mỗi giai đoạn ông lại gắn bó với một sân khấu, khi thì là diễn viên, lúc trong vai trò biên kịch.
Vậy mà giờ đây, khi nhìn lại chặng đường dài đã đi qua, người diễn viên kỳ cựu trải lòng: “Tôi thấy buồn vì cái mình đeo đuổi đến hôm nay vẫn không có kết quả như mong muốn. Cánh chim đã bắt đầu mỏi mà chưa thấy tương lai rõ ràng. 10 năm trở lại đây, tôi cảm thấy sân khấu tư nhân hóa đang đi xuống. Kịch bản là yếu tố quan trọng nhất quyết định thành bại của vở diễn nhưng các vở lại na ná nhau, trong khi sự đầu tư cho những nhân tố mới lại quá kém. Khán giả luôn đòi hỏi những cái mới nên nếu sân khấu cứ đi theo các khuôn mẫu thành công trước, kiểu như thấy kịch kinh dị ăn khách cứ diễn kịch kinh dị, lặp lại mãi khán giả cũng sẽ chán. Nếu đến một ngày nào đó, khán giả lại quay lưng thì cũng đừng đổ lỗi cho họ”.
Là người từng viết nên nhiều kịch bản nắm bắt được tâm lý công chúng, Minh Hoàng cho rằng với người làm sân khấu nghiêm chỉnh, khi viết một kịch bản, dù nhằm mục đích giải trí vẫn phải hướng đến giá trị chân - thiện - mỹ. Kịch bản ấy có thể vui nhộn nhưng phải đàng hoàng để người xem không cảm thấy tầm phào, vô bổ.
Thầm lặng mà hạnh phúc
Bên cạnh nỗi buồn day dứt ấy, nghệ sĩ Minh Hoàng vẫn có được niềm an ủi lớn lao từ những khán giả luôn dành cho ông sự quý mến chân thành. Ông bộc bạch: “Khán giả của tôi cũng thầm lặng như tôi. Chẳng hạn, khi thấy tôi, họ không ồn ào mà luôn mỉm cười chào. Dù họ không biểu hiện nhiều nhưng tôi lại cảm thấy ấm áp vì tình cảm đó rất thật. Trên sân khấu cũng vậy, khi diễn một vở mới và nhận ra phản ứng của họ lúc nhìn thấy mình, có khi chỉ là một tích tắc cảm nhận sự thân quen, tôi vẫn cảm nhận được tích tắc ấy, nghĩa là họ biết tôi là ai và tôi đã từng làm được những gì”.
Gần 40 năm qua, nghệ sĩ Minh Hoàng hoạt động nghệ thuật chưa bao giờ ngưng nghỉ. Nếu tính cả phim truyền hình và kịch nói, ông không thể nhớ nổi mình đã đóng bao nhiêu vai diễn. Vậy mà khi có dịp trò chuyện với một số khán giả, họ nhắc lại những vai Minh Hoàng đã diễn từ cách đây 20-30 năm, thậm chí nhiều lúc ông quên bẵng. Ông tâm sự. “Những lúc ấy, tôi cảm thấy hạnh phúc và được an ủi vô cùng”.
Trong số những vai từng hóa thân, nhân vật ông Hoài trong phim Ở lại thế gian lưu lại trong Minh Hoàng nhiều kỷ niệm đặc biệt vì khi đóng xong phim ấy, ông được không ít khán giả thăm hỏi. Minh Hoàng kể rằng sau vai ấy, ông tình cờ gặp 2-3 học sinh, các em đều đến nói với ông rằng “ba con cũng mất trước khi con thi, coi phim con nhớ ba lắm”. Có hôm Minh Hoàng ghé mua gói thuốc lá, người bán thuốc nhận ra ông liền bày tỏ khi xem phim, chị đã khóc rất nhiều...
Những khoảnh khắc ấy khiến Minh Hoàng xúc động không nói nên lời. Ông lý giải: “Có lẽ câu chuyện người cha hiện hồn về che chở cho con gái đã gợi lại nỗi niềm nơi người xem, khiến những người mất người thân thấy đồng cảm, còn những người chưa trải qua nỗi đau ấy lại đột nhiên thấy phải quý trọng người thân hơn”.
Những ngày này, khán giả truyền hình lại thấy Minh Hoàng hóa thân vào vai một vị phó chủ tịch thành phố đã có vợ nhưng lại ngoại tình với một phụ nữ trẻ trong phim Những kẻ hai mặt đang phát sóng trên VTV3. Khi gặp vai diễn cần sự đòi hỏi cao, các đạo diễn của những dự án phim nghiêm túc thường tìm đến ông. Với kinh nghiệm của mình, Minh Hoàng không những có thể hóa thân xuất sắc mà còn truyền đạt kinh nghiệm cho những gương mặt trẻ lần đầu đóng phim, như cách mà ông từng hướng dẫn diễn viên Trương Thế Vinh: “Nghệ thuật diễn xuất cao nhất là không diễn gì cả”.
Cống hiến cho sân khấu là chính
Như tên gọi của kịch bản đầu tay, Minh Hoàng cảm nhận được tình nghệ sĩ thật sự tồn tại trong cuộc sống. Ông trải lòng: “Tình nghệ sĩ đâu phải chỉ có sự giúp đỡ về vật chất lúc khó khăn, quan trọng là thật lòng với nhau. Một số nghệ sĩ đã xem nhau như những người đặc biệt, xem việc cống hiến cho sân khấu là chính chứ không nề hà những cái riêng tư. Ví dụ, khi đang ở sân khấu này, tôi nhảy qua sân khấu khác, không ai xem tôi như kẻ tội đồ phản bội. Như hồi Hồng Vân mở sân khấu Phú Nhuận, tôi đang ở IDECAF; còn trước khi sang IDECAF, tôi lại ở 5B Võ Văn Tần. Lúc sang Phú Nhuận, tôi trình bày việc muốn giúp đỡ Hồng Vân với Thành Lộc, nhờ anh ấy tìm người thay vai cho tôi trong những vở đang diễn. Sau này, tình cờ mở tivi nghe Thành Lộc nói về IDECAF, anh ấy vẫn nhắc đến tôi như một trong những nghệ sĩ thế hệ đầu của sân khấu kịch này. Cái tình quan trọng hơn cả, khi người ta vượt qua những đố kỵ thường tình thì sẽ trở nên rất gắn bó”.
Bình luận (0)