*Phóng viên: Nghe nói trong vở kịch mới sắp ra mắt khán giả tại sân khấu kịch của mình, NSƯT Trịnh Kim Chi sẽ xuất hiện với tạo hình nhân vật rất xấu xí?
- -NSƯT Trịnh Kim Chi: Đó là một vai diễn mà tôi nghĩ mình phải làm khác mình đi, xuất hiện lúc nào cũng đẹp, cũng thanh xuân, đôi lúc làm khán giả chán. Cho nên, tôi quyết định làm xấu để tạo cái nhìn mới cho người xem. Bản thân tôi cũng thế, lúc nào cũng muốn khắc phục những hạn chế, vươn tới những điểm đến mới của sáng tạo. Tôi tin rằng khi làm xấu gương mặt, bằng diễn xuất nhập vai của diễn viên vai diễn này của tôi sẽ khiến khán giả nhớ lâu.
* Hình như Trịnh Kim Chi muốn thành bầu Hồng Vân thứ hai khi lao vào đầu tư sân khấu riêng cho mình?
- Tôi cũng như NSND Hồng Vân luôn quan tâm đến các bạn diễn viên trẻ, họ cũng giống chúng tôi, những ngày đầu ra trường không tìm được điểm diễn, không có nơi để cọ xát nghề, dễ bị bỏ phí thời gian và niềm đam mê sẽ bị chết yểu. Từ mô hình của chị Vân, tôi cũng mơ gầy dựng một sân khấu để các bạn diễn viên trẻ có nơi phấn đấu với nghề. Nhiều năm qua tôi mở trung tâm đào tạo diễn viên, qua mấy khóa học, hiện nay các bạn diễn viên của khóa 1 và 2 của trung tâm đã là diễn viên của sân khấu kịch Trịnh Kim Chi.
* Với một điểm diễn mới mẻ không mấy thuận lợi cho kịch nói tại rạp Hồng Liên, khu vực quận 6, TPHCM, liệu chị có đủ sức để thực hiện được mục tiêu đó?
-Sân khấu tôi mới đi vào hoạt động chưa đến một năm. Nên trong giai đoạn này, tôi thử nghiệm nhiều thể loại, hài kịch, chính kịch, bi kịch, náo kịch, với đủ chủ đề gần gũi cuộc sống hôm nay. Vừa qua, khi chúng tôi dàn dựng vở “Một thời để nhớ” của tác giả Trang Trần, khán giả đến xem và cổ vũ cho đề tài nói về những người thanh niên xung phong. Đã có đơn vị đặt hàng đưa khán giả đến xem theo hợp đồng, tôi phấn khởi lắm. Sắp tới, sân khấu của tôi sẽ chuyển thể từ bộ phim “Rặng trâm bầu” để biểu diễn, cũng là vở kịch thuộc đề tài chiến tranh cách mạng.
* Nhiều người cho rằng diễn viên cần phải đẹp từ cách ăn mặc và biểu hiện của mình trong môi trường giao tiếp. Bạn có suy nghĩ gì về điều này?
- Một hình thể đều đặn bao giờ cũng phù hợp với mọi vai diễn. Nếu mập quá cũng khó vào các vai có đời sống khắc khổ, nếu ốm quá cũng không dễ làm người xem tin khi đảm nhận một vai sang giàu, quí phái. Ở mái tóc cũng thế, để vừa phải, không dài quá, không ngắn quá mới có thể không làm ảnh hưởng đến nhân vật mình thể hiện. Khi bước chân vào Đoàn kịch nói TPHCM cách đây 20 năm, nay là Nhà hát kịch TPHCM, chúng tôi đã được nghe các thầy cô, các nghệ sĩ đi trước dặn dò về nguyên tắc giữ gìn ngoại hình. Tôi nghĩ, giữ cho dáng vóc, mái tóc được đẹp là yếu tố cần thiết đầu tiên mà người diễn viên phải tuân thủ. Và hiện nay tôi cũng nói với các học trò mình về điều này. Đã là nghệ sĩ thì phải chỉnh chu, phải đẹp và lên sân khấu thì cái đẹp của nhân vật mới quan trọng.
* Khi đến với nghề người mẫu thời trang, rồi chuyển sang nghề diễn viên, và hiện nay làm luôn cả vai trò bà bầu, chị có nghĩ mình phải thay đổi cách sống để khẳng định đẳng cấp?
- Không, tôi vẫn là tôi với quan niệm sống lành mạnh và luôn khao khát vươn tới sự thành công trong nghệ thuật. Hiện nay, tôi đã có gia đình, hai con, ông xã luôn đồng hành với tôi, chăm chút cho công việc giúp tôi chạm tay đến những hoài bão của mình. Tất nhiên, để giữ vóc dáng cân đối, tôi phải tuân thủ chế độ tập luyện vì đã là phụ nữ có hai con, việc thiếu kiên nhẫn tập luyện sẽ dẫn đến phát phì ra. Hằng ngày tôi vẫn dành thời gian tập thể thao. Còn ăn uống, vô chừng lắm, vì công việc nên có khi ăn uống trễ. Mục tiêu của tôi hiện nay là xây dựng sân khấu Trịnh Kim Chi trở thành điểm đến của khán giả khu vực quận 6 và lân cận.
Tốt nghiệp khoa kịch nói khóa 14 trường NTSK II, nhưng Trịnh Kim Chi lại bắt đầu cho sự nghiệp bằng những vai diễn trên màn bạc. Ngay sau khi đoạt giải 7 tại cuộc thi Tuyển Diễn viên Điện ảnh Văn Thánh năm 1992, cô đã được giao vai chính trong phim “Khát vọng sống”, và tiếp theo lại là Lan (“Vòng vây tội lỗi”), Miên (“Viên hồng ngọc”), Tư Thanh (“Thời thơ ấu”)...Trên sân khấu kịch, Trịnh Kim Chi cũng hoàn toàn không lép vế, cô đã xuất hiện ở khá nhiều vở diễn: “Loài hoa bất tử”, “Hạ trắng”, “Vụ án trộm trứng gà”, “Hoa hậu trăm năm”...Và với vai Giang trong vở “Bước qua lời nguyền”, cô đã được trao HCV tại Hội diễn Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 1995. Có thể nói, trên sân khấu Nhà hát kịch TPHCM cô đã được NSND Trần Ngọc Giàu và NSƯT Đàm Loan rèn luyện để có thể bước vào mọi tính cách nhân vật, mà không vay mượn kỷ thuật cũng như đuối sức với mọi tình huống.
Bình luận (0)