Trước thực trạng sàn diễn cải lương nguội lạnh nhiều năm qua, số lượng vở mới được dàn dựng chỉ đếm trên đầu ngón tay nên cơ hội có vai diễn hay cho lực lượng diễn viên trẻ rất hiếm. Hiện một số nghệ sĩ trẻ của bộ môn này đang tập hợp nguồn lực để tự cứu với nhiều phương thức.
“Góp gạo thổi cơm chung”
Mỗi vở diễn có vốn đầu tư từ 150-200 triệu đồng. Nghệ sĩ Lê Tứ - Hà Như (Đoàn 3 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) là người khởi xướng phương thức mỗi thành viên trong một nhóm xã hội hóa sẽ góp vốn đầu tư ban đầu là 20 triệu đồng làm theo phương thức “lời ăn, lỗ chịu”. “Chúng tôi lên kế hoạch chọn một số vở thuộc tác phẩm kinh điển của sân khấu cải lương mà khán giả vẫn yêu thích, như: Tiếng hạc trong trăng, Đêm lạnh chùa hoang, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Nửa đời hương phấn, Bên cầu dệt lụa… để dàn dựng, với sự cố vấn nghệ thuật của các nhà chuyên môn uy tín.
Điều thú vị của dự án này là anh em diễn viên trẻ như chúng tôi, nhất là thế hệ triển vọng và xuất sắc của Giải thưởng Trần Hữu Trang, có vai diễn hay để tiếp nối con đường sáng tạo của các cô, chú thuộc thế hệ vàng của sân khấu cải lương. Nếu mô hình trước đây của Sân khấu Vàng do NSND Lệ Thủy và NSƯT Minh Vương tổ chức là thế hệ đi trước kèm cặp thế hệ đi sau, các cô chú lui về đóng những vai dàn bao, bọc lót cho đào kép trẻ thì mô hình này, những vai phụ vẫn do nghệ sĩ trẻ đảm nhận” - nghệ sĩ Lê Tứ cho biết.
Nghệ sĩ Thy Trang phấn khởi: “Với dự án này, chúng tôi sẽ có thêm vai diễn có số phận, giúp nâng cao kỹ năng biểu diễn. Trước đây, trên sân khấu đoàn Thắp sáng niềm tin (hiện là Đoàn 3 Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang), chúng tôi đã được tạo nhiều cơ hội để có vai diễn mới mỗi khi nhận được kinh phí của nhà nước đầu tư dựng vở. Nhưng với nỗ lực tự góp vốn xây dựng vở, “của đau con xót” nên tất cả chúng tôi sẽ chung sức để bảo đảm thu hồi vốn, để tái đầu tư”.
Bên cạnh nguồn diễn viên đã đoạt HCV Giải Trần Hữu Trang còn có thêm một lực lượng mới đang được khán giả chú ý, đó là dàn diễn viên bước ra từ cuộc thi Chuông vàng vọng cổ của Đài Truyền hình TP HCM. Diễn viên Hồ Ngọc Trinh cho biết: “Tham gia dự án này, chúng tôi muốn chứng minh khả năng diễn xuất của mình sau khi đoạt giải ở một cuộc thi ca cổ. Chỉ khi diễn tốt những vai diễn mới, hay và khó, chúng tôi mới thuyết phục được khán giả, đồng thời nâng cao vị thế của mỗi cá nhân để được tồn tại và làm nghề một cách chuyên nghiệp”.
Phương thức thứ hai mà nghệ sĩ Vũ Luân đang gầy dựng là ký kết hợp đồng với đài truyền hình các tỉnh tổ chức chương trình nghệ thuật tổng hợp trực tiếp truyền hình. Tiền lãi của các suất diễn này sẽ được đầu tư dàn dựng tác phẩm mới. Anh không chỉ tổ chức tại các tỉnh mà còn hợp đồng với phòng trà ở TP HCM đưa cải lương tuồng cổ vào diễn nhằm đáp ứng nhu cầu giải trí của phân khúc khán giả muốn được xem cải lương hằng đêm nhưng chưa có điểm nào diễn.
Lấy ngắn nuôi dài
Với số vốn góp vào ban đầu không lớn, lực lượng nghệ sĩ trẻ hăng hái tham gia ngày một đông. Họ mong muốn có được cơ hội làm nghề và có vai diễn hay để phát triển sự nghiệp. NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu, Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, cho biết: “Chúng tôi ủng hộ mọi nỗ lực của diễn viên trẻ. Nhà hát sẽ hỗ trợ để họ có điều kiện tập dợt, tổ chức biểu diễn tại rạp Thủ Đô và sang năm 2015 sẽ diễn tại Nhà hát Nghệ thuật Cải lương Hưng Đạo”.
Giá vé là 100.000 đồng/vé. Sau 3 suất diễn tại TP HCM, ê-kíp này sẽ đưa vở lưu diễn các tỉnh miền Trung và miền Tây. Các đơn vị sản xuất băng đĩa sẽ tham gia quay hình để bán cho các đài truyền hình theo đơn đặt hàng. Đây cũng là một nguồn thu đắp thêm vào chi phí dàn dựng những tác phẩm mới.
Mỗi thành viên góp vốn 20 triệu đồng hoặc mỗi nghệ sĩ đi diễn sô lẻ góp cát-sê để dựng vở là những cách làm tự phát đầy tâm huyết khi lòng yêu nghề vẫn đốt cháy đam mê được sáng tạo, được đồng hành với khán giả trẻ của những người trong cuộc. Thế nhưng, những chủ nhân của sân khấu hôm nay sẽ bền bỉ với phương thức này bao lâu, nếu khán giả không ủng hộ? Bây giờ là lúc sân khấu cải lương rất cần sự chung sức của nhiều nguồn lực.
Hướng đến thế hệ khán giả trẻ
Để giải quyết bài toán khó khăn về khán giả, nhất là khán giả trẻ, nghệ sĩ Lê Tứ - Hà Như nghĩ đến phương cách tiếp cận sân khấu học đường. “Chúng tôi vào các trường học, xin hướng dẫn ngoại khóa cho các em học sinh trung học một số bài bản cải lương, đờn ca tài tử để gầy dựng thế hệ khán giả trẻ hiểu và trân quý nghệ thuật truyền thống dân tộc, trong đó có bộ môn cải lương. Qua 5 trường THCS trên địa bàn quận 1, TP HCM và sau này sẽ đến quận Tân Phú, Nhà Bè..., chúng tôi hy vọng “mưa dầm thấm lâu”, tác động này về lâu dài sẽ giúp nghệ thuật cải lương tiếp thị hữu hiệu” - nghệ sĩ Hà Như tâm sự.
Bình luận (0)