Nhà báo Nguyễn Quý Hòa – Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP HCM cùng với các thành viên trong ban lãnh đạo và các cán bộ, nhân viên của đài này đến viếng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu trong ngày 30-6. Tất cả đều xúc động vì sinh thời nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu có thời gian dài gắn bó với Đài Truyền hình TP HCM qua nhiều chương trình âm nhạc.
NSƯT Hồng Vân đến thắp hương viếng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu cũng chia sẻ: “Ông là người con thứ 11 trong một gia đình thợ may. Tuy sinh ra và lớn lên ở Đà Nẵng nhưng nguyên quán gốc của ông ở Điện Bàn, Quảng Nam. Sinh hoạt tại Hội Âm nhạc TP HCM, tôi nhiều dịp ngồi trò chuyện với ông, nghe kể nhiều kỷ niệm trong quá trình sáng tác âm nhạc. Nét độc đáo trong âm nhạc của ông chính là giai điệu lúc nào cũng tràn đầy sức sống, lạc quan, khơi gợi ý chí vươn lên”.
NSƯT Quang Lý, người từng thể hiện thành công nhiều ca khúc của nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu bộc bạch: “..Năm 1964, bác Bảy Điểu vào chiến trường Trung Trung Bộ trong Ban văn nghệ khu. Thời gian đó, bác viết bản hành khúc Ra tiền tuyến với bút danh Huy Quang. Đối với bác, đó là những tháng ngày rất đẹp! Mỗi khi có dịp giao lưu, bác luôn nhắc đến giai đoạn hào hùng này để thế hệ chúng tôi hiểu và trân trọng hơn cuộc sống thời bình, phải dành hết thời gian quý báu trau dồi nghề nghiệp”.
Nhạc sĩ Trần Long Ẩn – Chủ tịch Hội âm nhạc TP HCM nhận định âm nhạc của Phan Huỳnh Điểu có giai điệu trau chuốt, trữ tình ngay cả trong thể loại hành khúc như: Cuộc đời vẫn đẹp sao, Hành khúc ngày và đêm. Ông còn có nhiều ca khúc về đề tài tình yêu: Tình trong lá thiếp, Những ánh sao đêm, Bóng cây Kơnia, Anh ở đầu sông em cuối sông, Sợi nhớ sợi thương,... Ngoài ra, ông còn sáng tác một số tác phẩm dành cho thiếu nhi, tiêu biểu là: Đội kèn tí hon, Nhớ ơn Bác...Tất cả những tác phẩm này sẽ sống mãi trong lòng công chúng.
Trong chiều 30-6, văn phòng chính phủ đã chuyển vòng hoa của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng viếng nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu.
Nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu đã trút hơi thở cuối cùng lúc 10 giờ 15 phút ngày 29-6 tại Bệnh viện Thống Nhất, TP HCM, hưởng thọ 91 tuổi. Lễ viếng bắt đầu lúc 13 giờ 30 phút ngày 30-6 tại Nhà tang lễ TP HCM (số 25 Lê Quý Đôn, P.7, Q.3, TP HCM), lễ truy điệu lúc 5 giờ ngày 3-7 sau đó động quan đưa đi hoả táng tại Phú An Viên, Q.9, TP HCM.
Ông đã sáng tác và công bố hơn 100 ca khúc, hơn phân nửa trong số đó là các ca khúc phổ thơ. Một số tác phẩm tiêu biểu của ông: Đoàn giải phóng quân, Quê tôi ở miền Nam, Nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đội kèn tí hon, Cuộc đời vẫn đẹp sao, Anh ở đầu sông em cuối sông, Những ánh sao đêm, Ở hai đầu nỗi nhớ…
Ca khúc Sự tích trầu cau của ông đã từng được sử dụng trên nhiều sân khấu cải lương, kịch, dân ca khu 5.
Bình luận (0)