Nghệ sĩ Chí Tâm và ca sĩ Phi Nhung diện áo dài đón Tết Nguyên đán
Những ngày xa quê hương luôn để lại trong tâm trí người nghệ sĩ nỗi nhớ khôn nguôi về sàn diễn và khán giả. Theo dự báo của ngành du lịch, xuân năm 2017 có hơn 50.000 kiều bào về nước ăn tết, trong đó có rất đông ca sĩ, nghệ sĩ hải ngoại về nước đón xuân kết hợp với biểu diễn. Các nghệ sĩ không về được, vẫn tiếp tục nhận show biểu diễn, mang lời ca tiếng hát phục vụ kiều bào ở các quốc gia có đông người Việt định cư.
Năm nay không hẹn mà gặp, các ca sĩ biểu diễn tại quận Cam rất đông. Ca sĩ Hương Lan tâm sự: “Tại Mỹ vào những ngày tết, nghệ sĩ VN được mời đi diễn và gặp gỡ khán giả ở nhiều nơi. Đêm giao thừa đông vui lắm. Mùa xuân năm nay có chương trình biểu diễn đón giao thừa, năm nào cũng tổ chức rất ấm áp. Tình nghệ sĩ trong ngày đầu xuân để lại nhiều kỷ niệm đẹp. Hầu hết các nghệ sĩ đều dành ngày mồng 1 để đi chùa cầu an, cầu phước cho gia đình và nghề nghiệp. Năm nay tôi có một nguyện vọng và sẽ cầu với ơn trên để thành tựu, đó là việc đưa hài cốt của cha tôi – cố NS Hữu Phước về an táng tại Nghĩa trang chùa Nghệ sĩ Gò Vấp, TPHCM để hương hồn của ông về với đồng nghiệp thân thương”.
Cách đây vài năm, NSND Ngọc Giàu sang Pháp biểu diễn, bà đã đến thăm mộ NS Hữu Phước. “Tôi xúc động lắm, vì NS Hữu Phước nằm lạnh lẽo ở xứ người. Nhiều năm qua, em gái của ca sĩ Hương Lan là ca sĩ Hương Thanh đã lỡ hẹn sẽ về thăm gia đình và đón xuân với họ hàng trong nước. Tôi biết cả hai chị em đều buồn vì nhớ không khí tết, nhưng biết phải làm sao vì ở Pháp mùa này vẫn phải đi làm, chuyện đi diễn phục vụ kiều bào xa quê rất hiếm”.
NS Phượng Liên nói năm ngoái bà về nước vui xuân vài ngày, sau đó trở về Mỹ. Sau khi tham gia chương trình kỷ niệm 64 năm ngày thành lập đoàn Thanh Minh, Thanh Nga tại Nhà hát Bến Thành và vở “Nửa đời hương phấn”, bà đã nhận được nhiều lời khen ngợi của đông đảo khán giả.
Nói về ngày tết xa quê, NS Phượng Liên nhớ những đêm đi diễn về đúng giờ giao thừa, mẹ của bà đã bày mâm trái cây cúng đón ông bà cùng về ăn tết. Theo tục lệ truyền thống của ông bà xưa là cúng giao thừa đêm 30 tết và ngày mùng 1 là ở nhà với gia đình, đón con cháu về sum vầy. Sang Mỹ nhiều năm nhưng bà vẫn giữ thông lệ này. “Thương lắm những lời thăm hỏi, chúc xuân của em cháu ca sĩ, nghệ sĩ mỗi khi tôi khởi hành đầu xuân. Tôi và gia đình thường đi chùa Quan âm Việt Nam lễ Phật, quý biết bao khi giới trẻ sinh ra và lớn lên tại Mỹ đều xem trọng truyền thống văn hóa Việt. Ngày tết trên xứ người quan trọng nhất là được họp mặt gia đình với các con, các cháu”– NS Phượng Liên tâm sự.
Ước nguyện của NS Linh Tâm là vận động nhiều mạnh thường quân ở hải ngoại cùng đóng góp cho quỹ thiện nguyện của Ban ái hữu Hội Sân khấu TPHCM, nhằm chăm lo cho nghệ sĩ già neo đơn, tàn tật. Anh bộc bạch: “Niềm hạnh phúc của tôi là cải lương sống mãi với dân tộc. Năm 2017 các nghệ sĩ sẽ cùng nhau gầy dựng quỹ từ thiện mang tên Út Bạch Lan, làm đúng di nguyện của bà về việc chăm lo cho đời sống người nghèo khó. Lúc nào nghệ sĩ cải lương cũng đi đầu trong việc tổ chức cứu trợ và giúp đỡ đồng bào thiên tai. Năm nay tôi sẽ về nước để thực hiện live show và làm công việc từ thiện, đóng góp cho Quỹ sầu nữ Út Bạch Lan”.
Nghệ sĩ Quang Minh, Hồng Đào về Mỹ đón tết cùng các con sau một năm bôn ba với nhiều chương trình game show, phim ảnh trong nước. “Nhớ tết quê hương lắm, nhưng không thể bỏ các con ở nhà, phải quay về thôi” – NS Hồng Đào nói. NS Việt Hương cũng về Mỹ đón tết với ông xã và con gái. “Tết sum vầy thì dù ở đâu cũng thấy như đang ở quê hương” – NS Việt Hương tâm sự.
NS Linh Tâm cho biết thêm, sân khấu cải lương trên đất Mỹ vẫn còn được kiều bào yêu thích, bằng chứng là anh bay show biểu diễn xuyên bang liên tục. Ngày tết, các vở diễn mới được dàn dựng thu hút khán giả kiều bào, khi bên cạnh anh hiện nay có đến ba cô đào: NSƯT Thanh Thanh Tâm, Phương Hồng Thủy và NS Cẩm Thu.
Tại Mỹ, hiện nay có thêm NSƯT Vũ Luân cùng với Linh Tâm và NS Châu Thanh là ba anh kép đắt show biểu diễn. Riêng NSƯT Kim Tiểu Long năm nay về đón xuân và biểu diễn tại quê nhà. NS Chí Tâm, Hoài Thanh, Đỗ Quyên cũng đón tết tại quê nhà.
Các nghệ sĩ hải ngoại rất quan tâm đến Giải thưởng Trần Hữu Trang do Hội Sân khấu TPHCM tổ chức, “Khán giả kiều bào cũng rất yêu thích. Bên cạnh đó, giải “Chuông vàng vọng cổ”, giải “Bông lúa vàng” của Đài TNND TPHCM, đã cung cấp thêm cho đời sống sân khấu nhiều giọng ca mới, nhất là qua hàng loạt vở “Ngân mãi chuông vàng”. Tôi hy vọng mỗi mùa xuân qua cải lương sẽ có thêm sức sống mới để đồng hành với khán giả trẻ” – NS Linh Tâm nói. Nghệ sĩ Hà Mỹ Xuân (Pháp) cho biết ngày tết tại quận 13 có nhiều hoạt động biểu diễn cải lương để khán giả kiều bào nhớ về cội nguồn dân tộc. Tại Pháp còn có các nghệ sĩ: Kiều Lệ Mai, Minh Đức, Hà Mỹ Liên, Lý Kim Thành, Minh Tâm, Tài Lương, Thanh Bạch, Bạch Lê...vẫn giữ truyền thống văn hóa của dân tộc trong những ngày đón tết.
Nhìn sự phấn đấu không ngừng của các nghệ sĩ: NSƯT Vũ Luân, Tú Sương, NS Trinh Trinh, Lê Thanh Thảo, Điền Trung, Hoàng Hải, Cao Mỹ Châu…tôi quý lắm tinh thần yêu nghề của các em. Ở Mỹ năm 2016, các nghệ sĩ hải ngoại đã tổ chức biểu diễn những vở tuồng xưa như: “Đường gươm Nguyên Bá”, “Thái hậu Dương Vân Nga”, “Đêm lạnh chùa hoang”, “Tô Ánh Nguyệt”… thu hút đông khán giả trẻ là những thanh niên lớn lên trên đất Mỹ đến xem và tìm hiểu về cải lương, điều này thật là quý giá đối với nghệ sĩ xa quê như chúng tôi. Hiện nay, ở Mỹ đã có nhiều diễn viên trẻ yêu mến nghệ thuật cải lương, họ tìm cách học nghề để được góp phần tham gia biểu diễn. Tôi cho đây là tín hiệu vui của sự kế thừa để cải lương mãi mãi là mùa xuân trên đất khách”.
Ươm mầm tài năng trên đất Mỹ
NS đàn tranh Việt Hải – trưởng đoàn văn nghệ dân tộc Hướng Việt tại Seatle – Mỹ cho biết: “Tết năm nay đoàn của chúng tôi biểu diễn rất nhiều suất, mang lại không gian Việt cho khán giả kiều bào yêu thích đờn ca tài tử Nam Bộ và âm nhạc dân tộc. Đoàn của chúng tôi đã trao học bổng cho ba học viên đàn tranh: Phạm Thủy Tiên, Minh Tú và Lưu Lily. Niềm tự hào của chúng tôi là ươm mầm tài năng trẻ đàn tranh trên đất Mỹ, để các em có thể tiếp nối sự nghiệp âm nhạc cổ truyền mà ông cha đã để lại. Năm qua chúng tôi đã được CLB Tiếng hát quê hương Cung Văn hóa Lao Động TPHCM mời về biểu diễn trong lễ kỷ niệm 35 năm thành lập. Từ chiếc nôi âm nhạc dân tộc của CLB Tiếng hát quê hương chúng tôi đã học hỏi rất nhiều kinh nghiệm và việc đoàn Văn nghệ dân tộc Hướng Việt trao học bổng ươm mầm tài năng đàn tranh cũng là học từ cách dạy và động viên của Nhà giáo ưu tú Phạm Thúy Hoan.. Vào tháng 3 này, NSƯT – Tiến sĩ đàn tranh Nguyễn Thị Hải Phượng sẽ sang Sealte biểu diễn, giao lưu và truyền đạt kinh nghiệm để các bạn trẻ trong đoàn nắm bắt thêm nhiều kinh nghiệm trong biểu diễn đàn tranh".
Bình luận (0)