xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Nghệ sĩ phải cảm nhận được nghệ thuật

Bài và ảnh: HÒA BÌNH

Đạo diễn Trần Anh Hùng cho rằng thưởng thức tác phẩm nghệ thuật không phải là hiểu mà quan trọng nhất là cảm nhận được cái đẹp, sự hướng thiện... Đó cũng là trách nhiệm nặng nề của nghệ sĩ khi sáng tạo ra tác phẩm

Trần Anh Hùng tạo ấn tượng với người xem ngay từ những phim đầu tiên “Mùi đu đủ xanh”, “Xích lô”, “Mùa hè chiều thẳng đứng” với bối cảnh thuần Việt. Nhưng đó là ấn tượng về sự ngột ngạt, trăn trở, tìm tòi. Sau đó là danh tiếng với “Rừng Na Uy”, chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn người Nhật Haruki Murakami. Phải tới 6 năm sau bộ phim về người Nhật, đạo diễn Trần Anh Hùng mới giới thiệu “Vĩnh cửu”, câu chuyện xuyên thế kỷ từ một tiểu thuyết gia người Pháp.

Hành trình khổ ải

Những ngày đầu làm phim với Trần Anh Hùng là sự cô đơn, vật vã; là những giọt mồ hôi đổ xuống tơi tả. “Đó là những ngày đơn độc, mò mẫm kéo dài trong thế giới riêng của mình trên chính cái bàn dựng phim, chứ không phải sướng như hiện giờ, làm tất cả các công đoạn trên máy tính” - Trần Anh Hùng kể.


Đạo diễn Trần Anh Hùng giao lưu tại Đường sách Sài Gòn vào sáng 7-9

Đạo diễn Trần Anh Hùng giao lưu tại Đường sách Sài Gòn vào sáng 7-9

Thế nhưng, không chỉ những ngày xa xưa ấy mà cho đến tận bây giờ, khi đã là một đạo diễn thành công, Trần Anh Hùng vẫn bảo quá trình làm phim là “kinh khủng lắm, vật vã lắm!”.

Trần Anh Hùng cho rằng: “Tất nhiên là mình phải luôn luôn học. Học không phải ở trường mà nên xem những bộ phim hay, biết lý do vì sao nó hay. Học chứ không phải bắt chước bởi trong nghệ thuật, mình chỉ có thể làm những gì mình nghĩ ra, làm được trong khả năng của mình. Học cả trong đời sống nữa, chẳng hạn tấm lá chuối gói xôi ăn sáng, người bình thường ăn xong sẽ vứt vào sọt rác nhưng mình ngắm vài hạt xôi dính lại trên đó cũng thấy ở đó vẻ đẹp của màu sắc, của ánh sáng. Mình có thể quay lại và đưa vào phim. Đấy, nếu có sự nhạy cảm đặc biệt trong người và biết khai thác nó đúng cách, tìm ra ngôn ngữ chính xác nhất để chia sẻ nhạy cảm đó với người khác, có thể biến rác thành tác phẩm. Đến giờ, tôi vẫn nghĩ khi mình xem được những bộ phim hay đã cho mình cảm hứng lớn để làm phim. Tôi cũng thường xuyên đọc sách để tìm thấy những ý vị mới, ngôn ngữ mới cho điện ảnh”.

Thoát khỏi những ấn tượng ngột ngạt cũ

“Rừng Na Uy” đã là bước tiến lớn trên con đường nghệ thuật của Trần Anh Hùng, khẳng định đẳng cấp của anh. Giờ đây, “Vĩnh cửu” cũng được coi là dấu ấn quan trọng, tiếp tục đột phá thêm bước nữa.


Cảnh trong phim “Vĩnh cửu”(Ảnh do lãnh sự quán Pháp tại TPHCM cung cấp)

Cảnh trong phim “Vĩnh cửu”(Ảnh do lãnh sự quán Pháp tại TPHCM cung cấp)

Ngay trong dịp ra mắt “Vĩnh cửu” vào những ngày cuối tháng 8 trên đất Pháp, các nhà phê bình đã dành nhiều lời khen tặng cho phim này bởi ngôn ngữ điện ảnh hoàn toàn mới, kể cả với điện ảnh phương Tây. Điều đó đã lý giải vì sao đạo diễn Trần Anh Hùng được trân trọng trên đất khách và anh là một trong những thành viên của chuyến công du tới Việt Nam cùng Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Phim “Vĩnh cửu” dựa trên cuốn tiểu thuyết “Nét duyên góa phụ” của nhà văn Pháp Alice Ferney. Đây thực sự không phải một cuốn sách dễ đọc, văn phong đương đại, đi sâu vào khai thác nội tâm, đôi khi rất dài dòng, u uẩn, đôi khi lại gây sốc bởi cách cảm nhận cuộc sống lạ lẫm từ trong lòng những người phụ nữ. Nữ nhà văn viết về những điều đã thôi thúc người đàn bà lấy chồng, sinh con, từ đó tiếp nối cái vòng quay không thể dừng lại của sự sống. Nhưng tất cả đều là những tâm trạng, chứ không phải cuốn sách đầy chất hình ảnh mà các đạo diễn thông thường hay lựa chọn để làm phim. Trần Anh Hùng từng tự sự anh đọc từ đầu tới cuối cuốn sách, nghe thấy những điệu nhạc tuyệt vời vang lên trong các câu từ của Alice Ferney và đã khóc rất nhiều.

“Có thể cảm nhận của độc giả không như vậy nhưng tôi thấy được tất cả những điều đó và tôi muốn đem nó đến khán giả. Cảm xúc của tôi rất mãnh liệt, có thể nói như dòng thời gian ào qua chúng ta như lũ quét, không thể cưỡng lại được. Nhưng điều đọng lại sau tất cả là những yêu thương rung động, thật nhẹ nhàng, thật sâu lắng. Tôi muốn trung thành với cuốn sách một cách tuyệt đối, không làm thay đổi những gì mà cuốn sách viết ra. Có nhiều người khi dựng phim, viết thêm vào những điều trong cuốn sách không có, như vậy là không đúng. Nhưng nếu làm theo kiểu sách viết gì quay đúng những thứ đó đưa vào phim thì lại là thất bại. Vậy phải phản ánh bằng ngôn ngữ hình ảnh thế nào để vẫn vừa trung thành với tiểu thuyết vừa có được cách nói riêng của điện ảnh” - đạo diễn Trần Anh Hùng trăn trở.

Và cách thể hiện phim của anh được anh trình bày: “Cuối cùng, tôi quyết định xóa nhòa hết các ranh giới. Chẳng hạn, với diễn viên, những người nổi tiếng nhất thường ở độ tuổi ngoài 30, tôi phải đưa họ trẻ lại ở độ tuổi mười tám và sau đó lại đẩy họ lên đến tuổi ngoài tám mươi. Chỉ riêng việc xử lý kỹ thuật đã không dễ. Thông thường, các phim khác sẽ duy lý, kể cho khán giả một câu chuyện. Phim này tôi vứt bỏ hết các nội dung, phớt qua những tình tiết, hội thoại, mâu thuẫn… Hình ảnh của tôi không dừng lại để kể một câu chuyện mà mang tính gợi mở. Ngay cả tâm lý nhân vật, tôi cũng bỏ đi. “Vĩnh cửu” chỉ hoàn toàn là cảm xúc, để người xem cảm nhận sự vĩnh cửu len lỏi trong cuộc sống của chính họ, điều quan trọng nhất là khán giả có bị đánh vào vùng cảm xúc hay không? Và khi ra mắt ở Pháp, đã có rất nhiều người khóc”.

Nghệ thuật là cảm nhận

Mặc dù không có cốt truyện, rất ít thoại, “Vĩnh cửu” lại là một bộ phim không khó hiểu như các phim trước của Trần Anh Hùng. Sự dịch chuyển về tâm lý của đạo diễn đã đi từ chỗ thể hiện mình bằng những xù xì, gai góc đến chỗ càng triết lý, sâu sắc lại càng trở nên đơn giản.

Phim của Trần Anh Hùng chưa bao giờ là dễ hiểu. Anh quan niệm: “Đối với nghệ thuật, điều quan trọng nhất là phải cảm nhận được, chứ không phải là hiểu. Một bản nhạc, một bộ phim cũng thế, quan trọng nhất là người xem cảm nhận được điều gì? Cái đẹp? Sự hướng thiện?... Chính điều này cũng là trách nhiệm nặng nề của nghệ sĩ khi sáng tạo ra tác phẩm nghệ thuật, họ cần ý thức rất rõ mình đang làm ra cái gì vì nó sẽ ảnh hưởng mạnh mẽ đến công chúng. Nghệ sĩ phải tặng khán giả những món quà”.

“Tôi có làm phim tài liệu đâu...”

Gốc gác Việt Nam nhất định có ảnh hưởng tới con đường nghệ thuật của Trần Anh Hùng nhưng anh không ngại việc một số khán giả phản ứng về chuyện không nhận ra bối cảnh Việt Nam trong những phim cũ mà anh đã làm. Trần Anh Hùng nói: “Tôi có làm phim tài liệu đâu, tôi làm phim nghệ thuật mà”.

Là người gốc Việt đang sống ở Pháp, nhiều khi Trần Anh Hùng tự thấy mình cứ lơ lửng nửa bên này nửa bên kia, không rõ ràng, không ổn định. “Cảm giác ấy khiến tôi thấy nguy hiểm, khiến mình luôn phải cảnh giác nhưng cũng khiến tôi thấy rất thú vị” - Trần Anh Hùng nói.

Lựa chọn quốc tịch nào cho phim đối với Trần Anh Hùng không quan trọng, theo anh, các bộ phim đều sử dụng ngôn ngữ điện ảnh nên trong phim nhân vật nói tiếng Pháp, tiếng Nhật hay tiếng Việt cũng như nhau.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo