Đảm nhận vai trò điều hành sân khấu nhỏ 5B Võ Văn Tần, vừa đạo diễn, vừa là diễn viên, vừa viết kịch bản, vừa là người chọn nhạc cho kịch… tất cả tâm hồn và thời gian của Thanh Hoàng dường như dành hết cho nghệ thuật. Có lẽ nhờ thế mà anh vẫn giữ được sự hồn hậu, vô tư và hết lòng, mặc cho thế sự có đổi thay và cuộc đời nhiều cay đắng…
- Bạc Liêu vừa tổ chức lễ hội kỷ niệm 90 năm nhạc sĩ Cao Văn Lầu viết Dạ cổ hoài lang. Là người góp phần đưa Dạ cổ hoài lang đi xa hơn khuôn khổ của một bản vọng cổ, nói lên tâm tình của bao thế hệ người Việt xa xứ, cảm xúc của anh như thế nào khi viết và diễn vở này?
- Tôi rất vui khi biết bản vọng cổ Dạ cổ hoài lang được đề xuất là di sản văn hoá phi vật thể. Nó đã trở thành biểu tượng của tâm hồn người Việt. Vở kịch được viết vào năm 1994, khi làn sóng Việt kiều về thăm quê bắt đầu nở rộ. Họ mang theo những mảng đời, những hoàn cảnh hoàn toàn khác nhau, nhưng tựu trung đều là sự trở về. Đọc báo, tôi rất xúc động trước nỗi nhớ nhung, sự khốn khó của người Việt xa xứ, đặc biệt là tâm tư của những ông cụ, bà cụ trong sự hoài nhớ da diết, những mâu thuẫn với lớp cháu con lớn lên trong một văn hoá khác, nói thứ tiếng khác… Khi văn hoá phương Tây và phương Đông va chạm nhau trong một gia đình, nảy sinh rất nhiều vấn đề. Có những gia đình giải quyết được, nhưng cũng không ít gia đình tan vỡ, mất mát, trả giá…
Năm 1995, vở Dạ cổ hoài lang được trình diễn lần đầu tiên cho các nghệ sĩ gạo cội ở Hà Nội xem, lúc đó tôi chỉ là một đạo diễn vô danh nên hồi hộp lắm. Không ngờ vở được hoan nghênh. Quê tôi cũng ở Bạc Liêu, tháng mười vừa qua, khi đem vở diễn về quê trong dịp lễ hội, bà con vẫn đến xem rất đông, khóc cười rất nhiều với từng nhân vật.
Tôi rất hạnh phúc khi thấy 15 năm đã trôi qua mà sức sống của Dạ cổ hoài lang vẫn như nguyên vẹn…
- Dường như vở kịch nào của anh cũng đụng chạm đến nỗi mất mát. Từ khi nào anh cảm nhận sâu sắc về nỗi đau và biến nó thành những bài học sống?
-Có những mất mát để lại nỗi đau không thể nguôi ngoai, nhưng cũng có nỗi mất cho mình được lớn lên. Được – mất của cuộc đời luôn gắn liền với nhau, khi tâm niệm được rằng phải mất cái này để được cái khác, và ngược lại, sẽ cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn. Nỗi mất lớn nhất của đời tôi là mất mẹ, khi tuổi mẹ mới 65, đó là năm 2005. Mẹ tôi suốt đời chỉ biết có chồng con, buồn nhiều hơn nỗi buồn của chồng con, vui ít hơn niềm vui của chồng con, lấy niềm vui của con cái làm niềm vui của chính mình. Bao giờ mẹ cũng lo toan làm sao cho chồng con được sống tốt nhất. Mẹ chẳng được học hành nhiều, chỉ quẩn quanh trong nhà với công việc nội trợ, nhưng là chỗ dựa tinh thần cho các con. Những lúc chán nản, mất lòng tin, tôi đều tìm về với mẹ. Mẹ chẳng nói gì nhiều, nhưng biết cách an ủi khiến tôi cảm thấy rất ấm áp.
- Là người “chuyên trị” những vai già, làm thế nào để anh có thể thấu hiểu tâm lý từng nhân vật, để gợi lòng trắc ẩn sâu xa?
- Đời tôi lạ thế, trẻ thì bị đóng vai già, giờ già rồi lại bị đóng vai kép trẻ. Thật là oái oăm. Nhưng sống được nhiều cuộc sống là trải nghiệm thú vị nhất của nghiệp diễn. Tôi luôn mở rộng lòng để tìm hiểu về những nhân vật mới, khám phá thế giới nội tâm, điều đó khiến cảm xúc và tâm hồn mình phong phú hơn. Nhưng được đấy cũng kèm theo mất đấy, mình trở thành một người rất nhạy cảm, dễ bị tổn thương, nặng nề. Giống như một lò xo bị nén chặt, chỉ cần một va chạm khẽ không đúng lúc đúng chỗ là bùng vỡ ngay.
- Trong cuộc đời làm nghệ thuật, có bao giờ anh chao đảo, phân vân trong sự lựa chọn của mình?
- Cũng có đấy, nhưng chỉ là thời điểm. Khi tốt nghiệp trường sân khấu, tôi đứng giữa sự lựa chọn: một đằng là đi theo ngành mình đã học với bao khó khăn thách thức, một đằng theo bạn bè buôn bán làm ăn sẽ bớt chông gai hơn. Lúc ấy tôi quay về với giá trị bản thân.
Tôi lớn lên trong một khu phố nghèo, bố mẹ chỉ nuôi con đủ ăn đủ mặc, còn hoài bão ước mơ là do mỗi người tự chọn. Từng gác cửa vũ trường, phụ bán cà phê hủ tiếu, làm cu li xây dựng, giữ xe đạp… như một tình cờ của định mệnh, tôi lại là người đặt ống cống cho trường Sân khấu. Nạo vét dưới độ sâu 2m, nhìn lên thấy Thành Lộc, Khánh Hoàng… tôi nghĩ tại sao mình cùng trang lứa với họ mà phải ngập ngụa trong bùn sình thế này? Cơ hội nào để mình có thể đi lại trên sân trường như những người khác? Thế là tôi quyết định thi vào trường, quyết tâm học hỏi.
Năm anh em trong nhà chỉ một mình tôi lọt vào con đường nghệ thuật. Khi thi đậu khoa diễn viên, về báo với mẹ, mẹ chỉ mù mờ hỏi tôi: “Con học đóng kịch à? Như vậy tốt rồi?” Rồi tôi bắt đầu xuất hiện trên truyền hình, được nhiều người biết đến.
Khi mẹ ra Tao Đàn tập dưỡng sinh, các cụ thay nhau hỏi han về tôi. Nhìn mẹ hạnh phúc khi kể cho tôi nghe điều đó, tôi nghĩ mình sẽ chẳng bao giờ rời xa sân khấu. Nếu rẽ sang đường khác, tôi có thể giàu có hơn, nhưng sẽ không thể mang lại niềm vui cho mẹ như thế.
Nhìn lại bản thân, tôi thấy đây là sự lựa chọn đúng nhất, bởi nghệ thuật đã gần như thay đổi đời của một anh cu li nghèo khổ như tôi. Từ đó, tôi quyết tâm phải sống được bằng nghề. Vừa kiếm được tiền, vừa được làm nghề mình yêu thích là hạnh phúc nhất rồi.
- Ở vai trò điều hành, anh đã đưa sân khấu 5B thoát khỏi khủng hoảng bởi sự ra đi của hàng loạt tên tuổi như thế nào, để vừa giữ được thế mạnh truyền thống, vừa tạo sức bật mới?
- Khi 5B khó khăn nhất, rất nhiều người rủ tôi sang sân khấu mới, nhưng tôi vẫn ở lại và dành toàn bộ những gì mình có để góp phần vực 5B vượt qua những cơn lũ. Tôi luôn tâm niệm 5B đã cho tôi quá nhiều, mình phải làm gì để trả lại. Mọi người đi gần hết, cơ hội dành cho người ở lại nhiều hơn, nhất là các bạn trẻ. Được giao nhiều vai diễn, được rèn luyện, trưởng thành, mất đó, mà được đó. Thực sự tôi vẫn chưa hài lòng, còn nhiều điều phải học hỏi lắm.
Khó khăn nhất là truyền lửa cho đội ngũ diễn viên trẻ, để họ giữ được giá trị cốt lõi mà 5B đã tạo dựng được trong lòng khán giả. Thế hệ trẻ bây giờ làm nghề trong bối cảnh chụp giật, chạy theo giá trị giả nhiều, tính thực dụng rất cao. Ít có em nào đeo đuổi hoài bão.
Tôi luôn khuyên các em hãy cố gắng học hành nghiêm túc để nắm thật vững kiến thức nền tảng mới có thể tạo ra giá trị cho bản thân. Vừa học năm thứ nhất mà ỷ có thanh sắc đã chạy sô kiếm tiền thì mau cạn vốn lắm, làm sao giữ được lửa, chỉ có đổ xăng vô để chạy hết ga thôi… Người làm nghệ thuật mà cứ chạy bằng ba, bốn chân mới đủ sống thì sân khấu sẽ bị thiệt thòi.
Ấy là chưa kể đến một sân khấu đủ chuẩn. Một thành phố năng động như Sài Gòn mà chẳng có được một nhà hát kịch cho ra hồn, hầu hết đều phải thuê mướn rất bị động, làm sao có thể nói đến chữ “thánh đường”?
- Anh nghĩ gì về “mặt trái” của sự nở rộ các sân khấu kịch phía Nam?
- Sân khấu Sài Gòn rất sôi nổi, có công chúng, sáng đèn hàng đêm, đó là điều đáng mừng. Nhưng bây giờ người ta hay nói nhiều đến “trị giá”, mà ít nói đến “giá trị”. Sân khấu mà lấy trị giá làm thước đo thì không thực chất, không bền vững. Sân khấu phải đụng đến những giá trị chân, thiện, mỹ. Cái đẹp là sự sâu sắc và hấp dẫn, đạt được điều đó mới có thể tồn tại với thời gian. Nếu chỉ xác định trị giá là dựng vở này tốn bao nhiêu, sẽ thu được bao nhiêu… thì sẽ chỉ nhận được trị giá. Còn giá trị nhiều khi không đo đếm được, vì nó thuộc về hưởng thụ tinh thần.
- Lý do sâu xa nào khiến anh trở thành một tác giả kịch bản ăn khách cả sân khấu lẫn truyền hình?
- Bị chậm hai nhịp so với các bạn, khi ra trường, tôi được phân công về tỉnh hai năm, về thành phố lại làm văn nghệ quần chúng. Lúc quay lại 5B, các bạn trẻ đã có chỗ cả. Khó khăn với tôi chính là mặc cảm học hành đàng hoàng vậy mà vẫn lui cui làm hậu đài trong khi các bạn toả sáng trên sàn diễn… Tôi không giỏi về văn chương, rất khó khăn để viết kịch bản. Nhưng làm văn nghệ quần chúng đòi hỏi mình phải tự lo kịch bản theo những yêu cầu riêng. Dẫu chậm chạp, già trước tuổi nhưng nhờ tập viết, né cái yếu văn chương, khai thác thế mạnh của một người trong nghề là cấu trúc tình huống, chi tiết kịch, kết hợp giữa kiến thức sân khấu và thực tiễn cuộc sống mà tôi thành công.
- Theo anh, giữ được tình bạn trong nghệ thuật có khó không, nhất là khi mỗi người đều làm chủ một sàn diễn, cạnh tranh với nhau khá quyết liệt?
- Đã từng có một thế hệ vàng của sân khấu thoát thai từ 5B như Thành Lộc, Hồng Vân, Thanh Thuỷ, Khánh Hoàng, Ái Như, Minh Nhí, Thành Hội, Việt Anh… Mỗi người mỗi vẻ, đều rất đa tài, có người vừa viết kịch bản, vừa đạo diễn, có người vừa là diễn viên, vừa làm quản lý… Rất vui là chúng tôi luôn giữ thế cạnh tranh lành mạnh bằng hiệu quả tác phẩm. Anh em biết hỗ trợ nhau mỗi khi bạn bè gặp khó, biết khen ngợi nhau khi có tác phẩm hay, biết học nhau, đi xem lẫn nhau, để tìm ra hướng đi khác biệt. Kinh doanh nghệ thuật không thể là tiêu diệt nhau, mà cùng nhau tốt hơn lên. Tôi rất thích quan điểm cạnh tranh không phải là nhuộm đỏ đại dương, mà phải làm cho đại dương càng thêm xanh. Như thế thì tất cả chúng ta đều có phần thụ hưởng trong đó…
Được – mất của cuộc đời luôn gắn liền với nhau, khi tâm niệm được rằng phải mất cái này để được cái khác, và ngược lại, sẽ cảm thấy lòng nhẹ nhàng hơn |
- Trở lại với môi trường sống hiện nay, điều anh lo lắng nhất là gì?
- Cuộc đời thì chẳng bao giờ bằng phẳng, nhất là trong xã hội đầy bất trắc hiện nay, chỉ cần một cơn bão thôi là vùi chôn tất cả. Thế giới chung không ổn làm sao mình ổn được. Chưa bao giờ những giá trị gia đình bị thách thức như bây giờ. Con cái đến một tuổi nào đó sống như Tây phương, quá độc lập, không muốn sự can thiệp của cha mẹ. Quan hệ vợ chồng cũng đầy thách thức. Vợ chồng cùng mải mê chạy theo làm ăn, giao tiếp, chuyện ngoại tình xảy ra như cơm bữa, không còn bị lên án như ngày xưa. Những chuẩn mực, nề nếp, ràng buộc về đạo lý ngày càng lỏng lẻo. Trong gia đình, không còn cách nào khác là phải tự tạo ra một khoảng lặng an toàn cho các con, để con được sống bình yên, trưởng thành trong môi trường không quá vẩn đục bởi những mánh khoé, lừa lọc, dối trá…
- Trong giáo dục con, anh coi trọng điều gì nhất?
- Tôi luôn khuyến khích con bộc lộ những suy nghĩ cá nhân, để giúp chúng tự tin hơn. Không áp đặt cho con những suy nghĩ của người lớn, mà cho chúng tự chọn lựa thái độ sống của riêng mình. Hồi bé tôi là một đứa trẻ rất rụt rè. Mặc cảm của một đứa con nhà nghèo khiến tôi nuốt tất cả những suy nghĩ vào trong. Nghệ thuật đã thay đổi con người tôi, giúp tôi hiểu cần phải bộc lộ, và bộc lộ như thế nào để người khác có thể lắng nghe, có thể chia sẻ và yêu thương.
- Anh giải trí như thế nào?
Xem phim, nghe nhạc, uống cà phê với bạn bè, và xem bóng đá. Tôi không thích những dạng phim “bom tấn”, mà thích những bộ phim giáo dục nhẹ nhàng. Khi xem bộ phim Cha tôi người anh hùng, tôi thấy nước mắt mình lặng lẽ chảy. Làm nghề này không thể để trái tim mình chai sạn…
- Một người quá nhạy cảm như anh có khó khăn nhiều khi làm quản lý?
- Đứng trước những quyết định, phải để cảm xúc lắng xuống, nếu không rất dễ hỏng việc. Tôi luôn tôn trọng sự phản biện, biết lắng nghe những lời nghịch nhĩ. Lắng nghe cũng là cả một nghệ thuật.
- Với tình yêu, anh là người thế nào?
- Một nghệ sĩ, rất dễ xúc cảm, đặc biệt với cái đẹp. Tôi yêu sự chân thật, thuỷ chung.
|
Bình luận (0)