Hào quang danh vọng, của cải sung túc khiến nhiều nghệ sĩ không nghĩ mình lại có thể sống khổ sở khi bước vào tuổi 60-70. Vậy mà tất cả tan biến trong phút chốc, để lại trong họ sự trống vắng đến lạnh người.
Cô đơn trong tâm hồn
Nghệ sĩ Ngọc Hương từng có một hộp thiếc đựng kim cương, đá quý. Thời còn xuân sắc, không cô đào nào bì với bà về nhan sắc, tài năng và tiền bạc. Làm vợ ông bầu gánh hát Hương Mùa Thu - một gánh hát đổi mới sàn diễn những năm 1970 với xu hướng đưa “thi, ca, vũ, nhạc kịch” vào sân khấu cải lương. Hương Mùa Thu là một trong những đoàn hát “sừng sỏ” khiến các đoàn hát khác như: Thanh Minh - Thanh Nga; Dạ Lý Hương; Kim Chung; Kim Chưởng phải dè chừng trong cạnh tranh.
Diễn viên điện ảnh Khương Ngọc và nghệ sĩ lão thành Bạch Yến trong chương trình “Đêm rằm ca hát” của Trung tâm Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM
Thế nhưng, khi về chiều, bà lại sống trong cô độc. Thế hệ trẻ không hiểu hết quá khứ lừng lẫy của nghệ thuật cải lương nên bà gần như im nín, không có cơ hội trò chuyện. Khi gặp được người đồng cảm, bà khóc nhiều hơn nói. Sự cô đơn trong tâm hồn đó khiến bà gần như mất hết khả năng hoạt bát của một cô đào chánh rực rỡ một thời, một bà bầu nổi tiếng “hét ra lửa”.
Nghệ sĩ Điền Phong có người bạn vong niên là nghệ sĩ Thanh Quang. Từ khi “kép độc hồ quảng Thanh Quang” qua đời, ông cũng rời khỏi ngôi nhà mà mình từng được cưu mang. Kép đẹp một thời của sân khấu tuồng cổ Huỳnh Long nay không có nhà để ở. Cảnh đời nghèo khó khiến ông không muốn tiếp xúc với ai, sống ẩn dật rày đây mai đó. Nhưng khi bệnh tật vây hãm, ông quay lại sàn diễn, đóng những vai lão để kiếm tiền lo thuốc thang. Ra sàn diễn, ông ho nhiều hơn hát, đồng nghiệp thấy vậy quyên góp tiền giúp ông tiếp tục điều trị bệnh. Không đi hát được, ông ở lì trong nhà trọ, liên lạc với bên ngoài chỉ qua những tin nhắn vay mượn tiền. Nghệ sĩ Kim Phượng - em gái nghệ sĩ Bạch Mai, người đã nhiều lần giúp đỡ cho nghệ sĩ Điền Phong, nói: “Anh ấy mặc cảm nên những tin nhắn lúc nửa đêm toàn là những dòng chữ như trăng trối. Đọc xong, tôi khóc và rồi cám cảnh cho cuộc đời nghệ sĩ ở tuổi về chiều như anh, sống bữa đói, bữa no, xin tiền điều trị bệnh mà đâu phải ai cũng có thể giúp đỡ anh mãi được”.
Mấy ai biết nghệ sĩ Điền Phong thời oanh liệt là một kép đẹp có đời sống khá giả. Ông không làm bầu gánh hát nhưng sau này, khi sàn diễn khó khăn, ông đã từng lãnh chầu tổ chức những suất hát cúng đình kỳ yên, có thu nhập rất cao.
Ước được chết trên sân khấu
Đối với nghệ sĩ về chiều, nỗi bất hạnh lớn nhất là không được đứng trên sân khấu, không còn thấy khán giả bao quanh mình. Khi nghệ sĩ Kim Ngọc qua đời lúc đang diễn trên sân khấu, nhiều nghệ sĩ tỏ lòng thương tiếc nhưng họ cũng cầu mong cho mình được chết như thế.
Nghệ sĩ Thanh Sang bắt đầu sống cuộc đời buồn, ít nói, ít giao tiếp kể từ khi con trai ông qua đời do bạo bệnh. Nhưng khi được mời hát suất nào là ông mừng đến mất ngủ mấy ngày vì biết sắp được gặp bạn bè, đồng nghiệp trên sàn diễn và nhất là khán giả còn thương mến ông.
Nghệ sĩ Thanh Tú cho biết: “Mất 8 năm điều trị mà bệnh tật của tôi ngày càng nặng chính là do tâm bệnh mà ra”. Nghệ sĩ Trang Bích Liễu, vợ của nghệ sĩ Thanh Tú, kể: “Nhiều đêm, anh ấy khóc một mình, rồi cứ trằn trọc không ngủ. Tôi ở bên cạnh nhưng không thể nào xoa dịu được. Anh ấy thấy cô độc. Đó là số phận của nghệ sĩ chúng tôi?”.
Nghệ sĩ Bạch Yến, cùng thời với nghệ sĩ Năm Phỉ, một thời oanh liệt trên sân khấu, hiện nằm một chỗ vì bệnh tim, rồi tai biến. Bà tâm sự: “Sự hụt hẫng trong tâm hồn nghệ sĩ không ai khỏa lấp được. Bởi vì chúng tôi sống quen trong ánh hào quang của nghệ sĩ. Thấy đời mình hạnh phúc khi ở trên sân khấu nên khi bị rứt khỏi thì đau đớn biết bao. Ngày qua ngày, tâm bệnh nặng hơn những căn bệnh đang mang trên người. Đó là lý do vì sao cứ nghe đến hát thì người nào cũng mắt sáng, tinh thần hăng hái hẳn lên”.
Ở thời buổi sân khấu gặp khó khăn như lâu nay, sàn diễn còn không có chỗ cho các đào kép trẻ làm nghề thì lấy đâu đất diễn cho nghệ sĩ về chiều, không còn nhiều sức khỏe. Không có sân khấu để diễn, các nghệ sĩ già thường tụ tập nhau ở Trung tâm Dưỡng lão nghệ sĩ TP HCM tổ chức những suất hát với nhau để khỏi nhớ nghề. Những đào kép không còn hơi ca, sức diễn ai nấy rạng ngời hạnh phúc khi được đứng trên sân khấu sống lại thời oanh liệt của mình. Đó là thang thuốc chữa trị tâm bệnh hiệu quả nhất cho những nghệ sĩ về chiều không còn được đứng trên sân khấu chuyên nghiệp, được sống trong các vai diễn và sự ủng hộ cuồng nhiệt của khán giả ái mộ.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 8-9
Kỳ tới: Mơ đêm diễn cuối đời
Hai nghệ sĩ đang cần cứu giúp
Sân khấu kịch hiện có 2 nghệ sĩ đang cần được giúp đỡ, đó là nghệ sĩ Long Hải - diễn viên Đoàn kịch nói Kim Cương và Hoàng Lan - diễn viên của chương trình kịch “Trong nhà ngoài phố”. Cả hai đang cạn kiệt tài chính để điều trị bệnh. Nghệ sĩ Long Hải sau khi điều trị bệnh tai biến tại Bệnh viện Chợ Rẫy phải về điều trị tại nhà, di chuyển bằng xe lăn. Còn bệnh tình của nghệ sĩ Hoàng Lan đang ngày một nặng thêm, có nguy cơ bị biến chứng gây mù hai mắt. “Tôi từng mơ ước điều trị xong bệnh cột sống, đi lại được sẽ trở lại với nghề. Nhưng nay bệnh này chưa trị dứt thì đôi mắt lại có nguy cơ bị mù. Tôi hoang mang chẳng biết phải làm sao vì cơ hội còn rất ít!” - nghệ sĩ Hoàng Lan nghẹn ngào.
Cuối năm 2011, sức khỏe nghệ sĩ Hoàng Lan yếu đi khi mang trọng bệnh: thoát vị đĩa đệm, viêm đa khớp, giãn tĩnh mạch, nhồi máu não. Bệnh tật khiến một người hoạt bát, xông xáo như Hoàng Lan gần như sống khép kín, chỉ gói gọn quanh căn phòng nhỏ trong quán cà phê trên đường Ngô Gia Tự, quận 10, TP HCM.
Bình luận (0)