Nhà sưu tập là danh xưng khá bí ẩn trong làng mỹ thuật. Từ sau vụ chấn động dư luận mỹ thuật Việt khi triển lãm của một nhà sưu tập tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM bị cho là sở hữu toàn tranh giả của các danh họa Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, khiến công chúng bắt đầu chú ý đến danh xưng "nhà sưu tập". Có phải tất cả họ đều là những người giàu có bỏ tiền kinh doanh tranh để thu lời lớn mà chẳng biết nhiều về tranh?
Cái nhìn ác cảm
Công chúng trở nên ác cảm với nhà sưu tập, thậm chí người trong giới cũng gọi "con buôn" khi nói về các nhà sưu tập hiện nay khi nhiều người xưng danh nhà sưu tập tranh không chỉ có tiền mà còn thừa mánh khóe để phối hợp với những đường dây ngầm "hô biến" từ tranh chép vỉa hè lên thành kiệt tác "đội lốt" các danh họa, bán ra nước ngoài kiếm lời?
Nhà sưu tập Lê Thái Sơn qua nét cảm của họa sĩ Trần Trung Lĩnh và một phần tác phẩm trong bộ sưu tập của ông Ảnh: BEN
Ở Việt Nam, nhà sưu tập chưa nhiều, danh tính của họ lại khá bí ẩn. Người ta đồn đại nhiều chuyện hậu trường rằng không những các nhà sưu tập thuần túy kinh doanh sẵn sàng làm giả tranh nên hầu hết tranh của các danh họa đang được lưu giữ trên lãnh thổ Việt Nam đều là tranh giả, một số nhà sưu tập đồng thời là các họa sĩ cũng tự làm giả tranh mình, phối hợp với các sàn đấu giá quốc tế bán phiên bản như bản gốc và đẩy giá tranh lên cao.
Vai trò khó thay thế
"Tuy nhiên, thị trường mỹ thuật quốc tế phát triển được chính là vì có sự thúc đẩy của các nhà sưu tập như một đối trọng, sự kích cầu, là cán cân thương mại cho tác phẩm. Vai trò quan trọng của họ là rất khó thay thế trong bất cứ nền mỹ thuật nào" - giám tuyển, họa sĩ Nguyễn Như Huy khẳng định.
Thực chất, nhà sưu tập chính là dấu gạch nối giữa các thành phần khác nhau trong thị trường mỹ thuật. Nếu không có con mắt tinh đời để đánh giá tác phẩm cộng với sự nhạy cảm trong kinh doanh của nhà sưu tập thì nhiều tài năng mỹ thuật sẽ vẫn cứ ở trong bóng tối, khó lòng được công chúng biết đến và bán được tranh với giá cao.
Nhắc đến nhà sưu tập Lê Thái Sơn, họa sĩ Lê Kinh Tài - một trong những họa sĩ đương đại đang bán tranh với giá cao ngất ngưởng lên tới cả trăm ngàn USD/bức - bùi ngùi nhớ lại: "Tôi vẫn không thể nào quên được cách đây khoảng hơn chục năm, hồi đó chẳng mấy ai hiểu tranh của tôi, thậm chí cũng rất ít người thích, thế mà Sơn cứ ngồi ngắm say sưa, rồi đòi mua cho bằng được. Thậm chí, có bức tôi đã bán cho một khách nước ngoài, Sơn đến tận nơi, cãi nhau với người khách đó và "mắng" tôi là đừng có chê Sơn nghèo không đủ tiền mua tranh. Hồi đó, Sơn bỏ ra đến cả 5.000 USD để mua tranh tôi, đối với tôi là một số tiền không tưởng".
Ở nước ngoài, các gallery trước khi tung ra triển lãm mới đều phải nghe ý kiến từ các khách mời là nhà sưu tập. Thứ nhất vì nhà sưu tập chính là đối tượng mua nhiều, mua nhanh hơn bất cứ khách lạ nào khác. Thứ hai, kiến thức về nghệ thuật của mỗi nhà sưu tập đều "giàu có" tương đương với sản nghiệp mà họ tạo ra nhờ tác phẩm nghệ thuật. Đạt được trình độ cố vấn nghệ thuật đồng thời giữ nguồn tài chính khổng lồ, các nhà sưu tập ở nước ngoài đều là những tên tuổi lớn chứ không phải "phe phẩy", "bán buôn" như hình dung của công chúng Việt.
"Khi nghệ sĩ, nhà sưu tập và sàn đấu giá hiểu hết về quyền và nghĩa vụ của mình, cũng như vai trò của từng thành phần thì nghệ thuật sẽ được định giá chính xác và giúp tạo ra sự luân chuyển lành mạnh trên thị trường nghệ thuật" - giám tuyển, họa sĩ Như Huy khẳng định.
Sống chết với nghề
Một trong những huyền thoại của giới sưu tập Việt Nam là nhà sưu tập Đức Minh (tên đầy đủ là Bùi Đình Thản, 1920-1983), vốn là chủ của 7 tiệm kim hoàn và mỹ nghệ tại Hà Nội trước năm 1954. Trong hơn 30 năm, nhà sưu tập này đã mua vào khoảng 2.000 tác phẩm. Phần lớn tác phẩm của ông mua đều ở mức tiêu biểu với lịch sử và theo nhiều thông tin cho thấy nhà sưu tập Đức Minh gần như chỉ mua mà không bán. Mãi tới khi ông qua đời, gia thế có nhiều sa sút do khách quan, bộ sưu tập của ông mới bị chia năm xẻ bảy, trong đó phần lớn thuộc về Bùi Quốc Chí (con trai nhà sưu tập Đức Minh).
Nhà sưu tập Lê Thái Sơn (1968 -2012) cũng là một trường hợp khiến giới mỹ thuật Việt luôn xúc động khi nhắc tới. Ông đã sở hữu gia sản lên tới gần 700 tác phẩm. Lê Thái Sơn đã mua tác phẩm của hơn 120 họa sĩ, từ Trần Văn Cẩn, Nguyễn Tư Nghiêm, Bùi Xuân Phái, Nguyễn Sáng, Hoàng Trầm, Văn Tâm... cho tới các họa sĩ đương đại như Lê Quảng Hà, Lê Kinh Tài, Lê Thiết Cương, Nguyễn Tấn Cương, Phùng Quốc Trí, Trần Hải Minh, Hà Hùng...
Bộ sưu tập của Lê Thái Sơn giá trị nhất là hơn 300 bức ký họa thời chiến, được họa sĩ thực hiện ngay tại chiến trường, trong đó khá nhiều bức vẫn còn dang dở, chưa hoàn thiện, trải dài từ thời Pháp thuộc, đánh Nhật cho đến chiến tranh biên giới Việt - Trung, chiến trường Campuchia; nhiều bức của danh họa Lưu Công Nhân. Giới mỹ thuật đánh giá hiếm có bộ sưu tập ký họa nào xuyên suốt và chất lượng như bộ của Lê Thái Sơn.
Lê Thái Sơn rất mê hội họa nước ngoài và sở hữu một số bức tranh của Affandi (1907-1990) - một trong những bậc thầy của mỹ thuật châu Á - trong số ít ỏi danh họa có tranh đấu giá cao ngất ngưởng ở ASEAN.
"Đam mê và có hiểu biết sâu sắc, có con mắt tinh đời là điều kiện tiên quyết để đi vào thế giới nghệ thuật, chứ chắc chắn nếu chỉ là doanh nhân thành đạt thì chẳng thể nào thành nhà sưu tập được. Nhưng với Lê Thái Sơn, tính cách luôn hết mình trong đầu tư tài chính cho tác phẩm nghệ thuật luôn khiến bạn bè nể phục" - họa sĩ Lê Kinh Tài khẳng định.
Những năm đầu, khi mới vào nghề, Lê Thái Sơn cũng thẳng thắn thừa nhận thường mua nhầm tranh giả tinh vi, thất vọng vì mất tiền thì ít, thất vọng vì tình yêu bỏ ra thì nhiều. Một số lần, Sơn mời hẳn bạn bè và báo chí đến chứng kiến việc hủy tranh giả. Thời gian sau, Sơn giữ lại khá nhiều bức tranh giả, cất riêng thành một bộ sưu tập tranh giả tại căn nhà nhỏ ở đường Phạm Ngọc Thạch (quận 3), ai thích đến xem, Sơn thoải mái mở cửa mời vào. Còn với cá nhân, anh bảo giữ lại như một bài học cho chính mình.
Cô đơn
Năm 2012, nhà sưu tập Lê Thái Sơn đột ngột qua đời sau một cơn đột quỵ. Mới đây, trong buổi triển lãm một phần gia tài của Lê Thái Sơn, kỷ niệm 5 năm ngày mất của ông, bà Nga - vợ cũ của ông - rớt nước mắt thừa nhận trước khi chia tay nhau, bà không hiểu gì về công việc của chồng, chỉ thấy chồng cứ "đâm đầu" đẩy hết món nọ đến khoản kia vào tranh, thấy những tin nhắn chuyển khoản tới cả 2 tỉ đồng ra Hà Nội, bà không hiểu được chồng buôn bán gì, như bất cứ một người vợ bình thường nào, bà khá bức xúc. Quyết định chia tay gia đình khiến Lê Thái Sơn đã cô đơn càng cô độc. Nhà sưu tập đã lặng lẽ ra đi bất ngờ, trong sự tiếc nuối của bạn bè giới mỹ thuật Việt.
Hiện nay, may mắn là bộ sưu tập của Lê Thái Sơn do bà Nga thay chồng quản lý vẫn còn nguyên vẹn. Lý Bích Ngọc, Giám đốc sàn đấu giá nghệ thuật Lý Thị, cho biết thời gian tới, cô sẽ chung tay với vợ cũ của nhà sưu tập Lê Thái Sơn giới thiệu tới công chúng một di cảo từ nhà sưu tập đặc biệt này.
Bình luận (0)