Nhóm hát P336 với sản phẩm âm nhạc đầu tay "Đừng ngại ngùng" khiến công chúng yêu nhạc lẫn giới chuyên môn chú ý bởi có đến 10 thành viên ở độ tuổi 12-17. Không đơn thuần là một nhóm hát bình thường, P336 còn là câu chuyện đầy ắp tham vọng của những người tâm huyết sinh ra và nuôi dưỡng nó.
Linh hoạt và thích ứng
Theo Công ty MCV Corporation, đơn vị quản lý nhóm hát này, P336 có nghĩa là dự án (project) mô hình hoạt động 3-3-6 (3 thành viên đơn thuần nam hoặc nữ, 3 thành viên nam và nữ; cuối cùng là 6 thành viên). Đây cũng là mô hình được Soul Club của Trường Âm nhạc Soul Academy (do ca sĩ - nhạc sĩ Thanh Bùi điều hành) đang áp dụng. 25 thành viên nhóm Soul Club hay 10 thành viên P336 đều được đào tạo như những giọng ca solo.
Nhóm P336 (10 thành viên) và nhóm Soul Club (25 thành viên, ảnh dưới). (Ảnh do nghệ sĩ cung cấp)
Họ được đào tạo đồng đều để có thể hoạt động độc lập hoặc tham gia với tư cách thành viên của một nhóm 10, 3 hay 6 giọng ca. "Chúng tôi gọi đó là sự linh hoạt để tồn tại" - Giám đốc truyền thông Công ty MBC Corporation Nguyễn Vân Anh cho biết.
Theo ca sĩ Thanh Bùi, mỗi thành viên có thể hoạt động độc lập nhưng cũng đủ sức biến hóa thành một nhân tố trong một tập thể lớn. "Đó là cách chúng tôi đào tạo các nhóm nhạc của mình hiện nay" - anh tiết lộ.
Mỗi thành viên P336 được đào tạo theo tinh thần luôn sẵn sàng thế chỗ người khác nếu có sự cố xảy ra. Mỗi nhóm nhỏ hoặc cá nhân solo sẽ có những tiết mục riêng. "Cứ hình dung nó thực chất là một tổ chức các nghệ sĩ nhỏ. Khi dựng chương trình, tùy thuộc vào yêu cầu, chúng tôi đưa ra những tiết mục phù hợp và chọn số lượng thành viên thích ứng để trình bày, chứ không phải như cách của nhóm hát lâu nay là cả nhóm phải lên hết sân khấu biểu diễn. Vì thế, không có gì ảnh hưởng cả" - Vân Anh giải thích.
Niềm tin thành công
"Duy trì một nhóm hát chưa bao giờ đơn giản. Để nhóm hát 10 thành viên có lời mời biểu diễn còn khó bội phần" - ca sĩ - nhạc sĩ Hoàng Bách khẳng định.
P336 ra mắt ở thời điểm thị trường biểu diễn âm nhạc khó khăn, nhóm hát đầy nhược điểm trong suy nghĩ của nhà tổ chức. Vì thế, không lạ khi nhiều người trong giới cho rằng MBC Corporation liều lĩnh do dành hơn 1 năm để tuyển chọn và đào tạo nên nhóm nhạc đông đúc. "Vì họ đến từ Nhật Bản nên không nắm được quy trình hoạt động của showbiz Việt" - nhận định này của MC Quyền Linh được nhiều người đồng tình.
Đại diện Công ty MBC Corporation bày tỏ: "Ngay cả khi thất bại với dự án của mình, chúng tôi cũng thấy tự hào vì đã táo bạo, cố gắng tạo nên một thế hệ nghệ sĩ thực thụ và tử tế chứ không chỉ ngồi một chỗ và ao ước".
Nuôi kỳ vọng thành công nhưng chính người trong cuộc đôi lúc cũng thấy lo. Ca sĩ - nhạc sĩ Hoàng Bách, người đảm nhận công việc chuyên môn cho nhóm P336, thổ lộ: "Đôi lần tôi hoài nghi với chính tâm huyết mà mình đang theo đuổi. Tôi có đủ trải nghiệm về một nhóm hát tồn tại và tách rời ở thị trường nhạc Việt. Tuy nhiên, tôi không đủ dũng khí để nói rằng mình tâm huyết thì người liên quan cũng sống chết với mình".
Các thành viên nhóm 5 Dòng Kẻ cho rằng nhóm hát ít người như lâu nay đã tạo nên những phức tạp đến mức tan rã, đừng nói đến nhóm hát đông đúc. Để có thể tồn tại, họ cần một quản lý thật "cứng" và đủ mạnh về tài chính.
Đại diện Công ty MBC Corporation trấn an: "Mục đích của chúng tôi qua quá trình đào tạo là làm cho mỗi thành viên phải thấu hiểu rằng làm nghệ thuật không chỉ coi trọng cái tôi mà còn phải biết tôn trọng cái chung của cả tập thể, cộng đồng. Vậy nên, chúng tôi tin các em sẽ hiểu và song hành cùng mình đến tận cùng niềm đam mê".
Theo các thành viên nhóm 365, tham gia và phát triển solo chính là con đường hợp lý của một nhóm nhạc bởi ở thị trường nhạc Việt, nhóm nhạc không mấy được ưa chuộng. "Vậy nên, chúng tôi tin Soul Club hay P336 chỉ là cách để các công ty quản lý muốn đào luyện nên những giọng ca solo" - 365 nhận xét.
Không thể đoán trước việc làm của Công ty MBC Corporation và Soul Academy có thể gặt hái thành công hay không. Thế nhưng, tâm huyết và tiền của đầu tư cho tham vọng xây dựng nên một thế hệ nghệ sĩ mới, có đầy đủ năng lực và lòng yêu nghề nhằm làm thay đổi diện mạo thị trường nhạc Việt của họ cũng đáng được khích lệ.
Theo chân K-pop, J-pop
Thành lập một nhóm nhạc đông thành viên rồi linh hoạt chia đội hình cho phù hợp với tính chất mỗi chương trình không phải mới mẻ. Mô hình này đã được áp dụng và đạt nhiều thành công ở thị trường âm nhạc Hàn Quốc (K-pop), Nhật Bản (J-pop). Thực tế, K-pop và J-pop đã có những giọng ca solo xuất thân từ các nhóm hát.
Thay vì một nhóm hát chỉ có 4-5 người, K-pop và J-pop đầu tư mạnh tay cho những nhóm nhạc với số lượng lên tới 9-12 thành viên. Nhóm nhạc nhiều thành viên sẽ thu hút được số lượng fan (người hâm mộ) lớn hơn cho từng cá nhân cũng như cả nhóm. Nhóm có nhiều thành viên cũng mang lại lợi thế khi tạo thành các nhóm nhỏ, hoạt động được ở nhiều mảng: âm nhạc, điện ảnh, sân khấu nhạc kịch...
Thành công của các nhóm EXO (12 thành viên, hoạt động ở cả 2 Trung Quốc và Hàn Quốc), DBSK, Super Junior, Big Bang hay SNSD và mới đây là Produce 101, NCT... là minh chứng cho sự đúng hướng của những nhóm nhạc có lượng thành viên "khủng". Để tăng thêm hiệu ứng, NCT còn mở rộng thị trường hoạt động ngoài Hàn Quốc với việc tách nhóm nhạc chính thành 5 nhóm nhạc khác nhau cùng hoạt động song song tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.
Bình luận (0)