Trước khi đến gặp NSƯT Minh Vương, tôi tự nhủ lòng mình phải gạt bỏ ra khỏi đầu hết những tư liệu đã biết về cuộc đời ông qua báo chí, chỉ mang theo ký ức của một đứa trẻ năm nào còn thắp bã mía băng qua mấy cánh đồng heo hút để xem ông hát trong mấy băng cải lương, từ cái hồi còn xem lại Minh Luân trong Đời cô Lựu hay Minh trong Tô Ánh Nguyệt. Có như vậy, tôi mới tìm được cho mình “một thứ tình cảm khác biệt” khi cầm bút viết về ông.
Được Tổ đãi
Có một thời, cũng mấy chục năm rồi, báo chí viết về NSƯT Minh Vương đủ để mở một triển lãm. Nói nghe chơi vậy mà mới ghé nhà NSƯT Minh Vương gần đây, thấy ông làm thiệt. Những bài báo từ cũ đến mới đều được ông nhờ cô con gái mang đi in thành khổ lớn nhỏ khác nhau, bỏ vào khung kiếng, treo riêng một góc nhà. Chưa hết, những bức ảnh chụp trên các bìa tạp chí, hình cùng bạn bè đi diễn tứ xứ và cả hình gia đình cũng được ông sưu tập lại, nâng niu như một báu vật. NSƯT Minh Vương làm công việc này mới đây thôi, chính xác là lúc ông khỏe lại sau ca ghép thận thành công diệu kỳ.
Ông nói mình khỏe re, mà kỳ thực ông khỏe ra thật. Xưa bệnh, ông ít nói, giờ lại… nói không ít. Chỉ là lờ mờ đoán ra rằng ông có nhu cầu được sẻ chia, bầu bạn. “Ai cũng nghĩ tôi cả ngày quanh quẩn ở ngôi nhà nhỏ trên đường Trần Quốc Toản này, chắc là buồn chết mất. Nhưng tôi vui không hết, buồn cái nỗi gì. Mỗi ngày tôi tập thể dục 2 cử sáng chiều, đọc báo, xem tivi, chơi với mấy chú chó con…; rảnh thì ra cửa ngắm trời, ngắm đất. Vợ tôi không rời nửa bước, thủ thỉ cả ngày. Cớ gì lại buồn” - ông cười.
Trên 60 tuổi, NSƯT Minh Vương như một cành cây khô được hồi sinh, mỗi ngày đâm thêm những chồi mới. Ông nhớ lại: “Hồi còn khỏe có cảm giác như nắm cả giang sơn, lúc bệnh rồi thì đến ánh mặt trời cũng không sao nhìn thấy được. Ngày biết bệnh, nằm bẹp dúm ở gường, tôi nghĩ rằng đời mình đã hết”. Mà lạ thay, ông kể có nhiều đêm mơ màng trong giấc ngủ, nghe tiếng “ơn trên” bảo không muốn để ông xa sân khấu nên cho sống tiếp. Kỳ lạ hơn là sau đó ông được một cậu thanh niên hiến thận khi qua đời vì tai nạn. “Ngày rời phòng mổ, bác sĩ chỉ nói rằng giờ tôi là Minh Vương thứ 2. Tôi thấy mình khỏe lại, trẻ hẳn ra như mới ba mấy tuổi, thấy cuộc đời này đáng sống lắm! Không biết kiếp trước tôi ăn ở làm sao mà kiếp này Tổ đãi nhiều vậy. Hơn 50 năm khóc cười trên sân khấu, với nhiều éo le, ngang trái, có lúc tôi thấy nghiệp bạc với mình nhưng hóa ra đâu phải vậy!” - ông ngẫm nghĩ.
Nợ khán giả một ân tình
Biết tin ông bệnh nặng, khán giả đau buồn, cầu nguyện; biết tin ông khỏe, họ vui mừng chẳng khác nào người thân trong gia đình vượt qua kiếp nạn. Vài ba năm đâu phải là một khoảng thời gian quá dài để người nghệ sĩ rơi vào quên lãng. Bởi vậy, khi có lời mời đi hát, ông lập tức lên đường. Chưa lên sân khấu đã nghe khán giả rỉ tai: “Mong trời Phật phù hộ cho Minh Vương khỏe hoài như thế để hát cho bà con nghe”, Minh Vương nghe mà rưng rưng nước mắt. Sân khấu này ông bước ra bước vào không biết bao nhiêu bận, vậy mà xúc động đến muốn hụt chân.
NSƯT Minh Vương và NSND Bạch Tuyết, NSƯT Phượng Loan. Ảnh: T.Hiệp
NSƯT Minh Vương bên bạn diễn ăn ý NSND Bạch Tuyết. Ảnh: T.Hiệp
NSƯT Minh Vương năm nay 65 tuổi, nghe tin được đóng lại vai Tùng mới hăm mấy tuổi trong Nửa đời hương phấn mà giật mình trước, vui sau. Ông nhìn vào gương rồi bảo: “Vai thanh niên trẻ măng vậy mà để mình đóng liệu có được không? Tướng tá cũng còn ngon nhưng mặt mày coi bộ không hợp. Chừng khán giả chê mình cưa sừng làm nghé nữa hà!”. Nói vui vậy thôi chứ khán giả khen ông không hết chớ đời nào chê. Biết điều này từ lâu lắm nhưng giờ ông vẫn thấy vui. Có nằm mơ ông cũng đâu ngờ có ngày còn được hát, dù sức khỏe yếu, có lúc ca không còn ngân nga, xuống xề câu vọng cổ không nổi mà khán giả vẫn thương, vỗ tay ầm ầm. Có ai hỏi Minh Vương bao nhiêu tuổi, ông vẫn khoe mình mới 38 thôi.
Những năm đầu thập niên 1980, thời cải lương hưng thịnh, tên tuổi Minh Vương được ca ngợi cao vút. Nói đến Minh Vương ai ai cũng hâm mộ, thán phục. Khán giả cải lương đã mê ai rồi là mê chết mệt. Khán giả miền Tây hay tự xưng là “má với con”, có khi má mới 50 mà con đã 55 rồi cũng kệ. Ông còn nhớ có lần đi hát ở miền Tây, bà má cứ khăng khăng hỏi cho bằng được: “Con ăn cái giống gì mà ca hay quá vậy?”. “Dạ con cũng ăn cơm ngày 3 bữa như má thôi!” - ông trả lời. “Bậy nè, má cũng ăn vậy mà sao ca dở như nồi cơm khét”. Vậy đó! Thương lắm! Nghe kể có khán giả ở vùng sâu vùng xa, chỉ được xem Minh Vương qua các băng cải lương, mạnh miệng bảo: “Minh Vương mà về đây diễn, biểu làm gì tôi cũng làm!”. NSƯT Minh Vương mỉm cười: “Khán giả thương mình nhiều quá, mai mốt không biết lấy gì trả cho họ. Giờ tôi ráng làm sao cho thiệt khỏe, ăn cái gì cũng kiêng cử, cứ sợ sức khỏe yếu, tụt hơi, không ca được nữa. Có lẽ ông trời thấy tôi chưa trả hết nợ nên để tôi còn sống. Mà chắc gì kiếp này tôi trả hết, nếu hẹn kiếp sau chắc khán giả cũng không buồn trách gì đâu”.
Cuộc đời giông gió
Người ta hay nghĩ thế này, khi nghe nghệ sĩ ca mấy bài sầu thảm, bi ai thì đinh ninh là đời họ khổ là cái chắc. Hát thê lương đến thế còn gì! Ai thì không biết có đúng không chớ Minh Vương thì đúng thật. Minh Vương hát nghe thảm thì đời ông cũng vậy. Ông đóng vai Minh mà đời ông khổ như… cô Lựu. “Thiệt tình, hồi nhỏ tôi có biết gì đâu. Dòng họ không ai theo nghệ thuật nhưng do mê cải lương nên trong một lần đi vớt lăng quăng ở cầu chữ Y (quận 8), tôi xin vào lớp học của thầy Bảy Trạch, sau đó cứ thế theo nghề” - ông kể.
Minh Vương ca hay không? Hay. Diễn giỏi không? Giỏi. Sáng sân khấu không? Sáng. Vậy thì còn gì hơn nữa. Ông băng qua hết đỉnh cao này đến đỉnh cao khác, được phong là “vua” của sân khấu cải lương.
NSƯT Minh Vương tại thảm đỏ Lễ trao Giải Mai Vàng năm 2008
Người ta nói nghệ sĩ chỉ nên ở lưng chừng thôi, không nên lên đỉnh cao quá cũng không nên ở đáy thấp quá vì đỉnh cao hay gặp gió lớn nhưng NSƯT Minh Vương bảo: “Đâu có được! Làm nghề ai chẳng muốn thành công. Cứ thế mà rèn luyện, học hỏi rồi cái danh nó tới mình đâu có ngăn cản được. Lúc đó, nghĩ thành công là vui rồi chứ đâu lường được sóng gió”.
Ông không biết nói văn hoa nên không biết diễn tả về cuộc đời mình sao cho hay và bóng bẩy. Nhưng đại khái là thành công, danh tiếng cứ đến, có lúc ông tưởng mình là một con đại bàng mặc sức tung cánh ngang trời. Nhưng đại bàng rồi cũng có lúc vấp ngã trên mặt đất. Tôi nhớ mãi ánh mắt ông đăm chiêu nhìn ánh nắng xuyên qua mấy tán cây ngoài lan can, miệng lẩm nhẩm: “Chữ tài liền với chữ tai một vần. Đời tôi vinh quang tột đỉnh mà cũng lắm cay đắng, ê chề. Thuyền càng to thì gió càng lớn. Giữa một nghệ sĩ quần là áo lụa rực rỡ trên sân khấu với một bà má nghèo xơ hằng đêm đốt đèn tới xem tôi diễn, chưa biết ai vui hơn ai. Ở đời, người ngủ trên giường êm chiếu đệm chắc gì đã ngon bằng người ngủ dưới gầm cầu”.
Hạnh phúc nhận Giải Mai Vàng năm 2008
Đời ông khổ vì chữ tình. Phụ nữ với ông như những trận mưa dầm thấm lâu, rồi đường tơ gãy đổ một bận. Nhưng đường đời nhiều trắc trở, đâu dễ như trong lòng mình hình dung, mong muốn, đắng cay phủ lên mái đầu dù gì cũng là quá vãng. Minh Vương nay không muốn khơi dậy những mối sầu tê tái. Cũng chẳng phải ông chối bỏ gì chuyện quá khứ mà ông đã nguôi ngoai và dần khao khát được thứ hạnh phúc ngọt ngào của tuổi già. Và “Chớ đừng để tôi xa cải lương”- là 7 chữ mà ông cầu nguyện hằng ngày, cả trong giấc ngủ.
Trân quý giải thưởng khán giả trao tặng
NSƯT Minh Vương từng đoạt Giải Mai Vàng năm 2008 ở hạng mục Nam diễn viên cải lương với vai Hoàng trong vở Lá sầu riêng. Ở góc ảnh kỷ niệm trong nhà, tất nhiên không thể thiếu bức ảnh chụp ông tươi cười cầm tượng Mai Vàng trên tay, bên cạnh là bằng chứng nhận. “Ai cũng nghĩ trước đó tôi đã nhận vô số giải thưởng rồi nên Giải Mai Vàng đâu có gì quan trọng và ý nghĩa nữa nhưng không phải như vậy. Đời tôi mang ơn khán giả, Mai Vàng lại là giải thưởng do khán giả bình chọn làm sao tôi không trân quý. Ở thời điểm nào tôi cũng không ngừng phấn đấu để được khán giả ghi nhận, dù đó là những vai trong vở tái dựng. Hoàng trong vở Lá sầu riêng cũng là một vai như vậy” - NSƯT Minh Vương chia sẻ.
Bình luận (0)