NSƯT Thành Lộc là cây đa, cây đề, nghệ sĩ lớn trong làng kịch . Có cảm giác anh “chạm” đến vai nào thì “xơi” vai đó dễ dàng, ngon lành. Ông già cũng là anh, thanh niên cũng là anh, em bé cũng là anh, thiếu nữ cũng là anh, kể cả phù thủy hay động vật như chồn, hổ, khỉ…cũng là anh.
NSƯT Thành Lộc được xem là “xuất sắc” trong việc biến hóa từ già sang con nít và ngược lại. Chỉ có Thành Lộc với những vai già mới khiến người già thấy thương mình hơn, người trẻ cũng quay ra thương người già hơn. Lại nói về vai trẻ con, chỉ có NSƯT Thành Lộc mới khiến các bé cười hết cỡ, yêu động vật lạ lùng.
Nghe kể có nhiều bé giận mẹ 3 ngày vì không được đi xem chú Thành Lộc nữa. Khả năng ngây thơ, nhí nhảnh của anh là vô cùng vô tận. Đến các vai giả gái thì phải gọi là “vô đối”. NSƯT Thành Lộc sinh ra để đóng vai trẻ con và vai gái. Không những vừa vẹn mà đôi khi còn vượt quá sức tưởng tưởng của người xem. Nhưng thích thú, mê mẩn, ngẩn ngơ và nghiện.
NSƯT Thành Lộc bên ly cà phê
Chuyện xảy ra từ nhiều năm nay rằng khán giả đến sân khấu Idecaf, không quan tâm vở diễn, nội dung, chỉ quan tâm có Thành Lộc và chuyện sau một vai diễn, để khen Thành Lộc, họ thường nói với nhau: “Khen Thành Lộc diễn hay chẳng khác nào khen “nhà giàu lắm thóc”, tức là thừa thãi” ai cũng biết. Thành Lộc đương nhiên cũng biết. Anh bảo: “Điều đó có nghĩa là trách nhiệm của tôi càng lớn lao hơn. Kiểu như tình đầy quá thì mắc nợ vậy!”. Nhưng anh cũng sợ một ngày họ í ới gọi: “Thành Lộc ơi! Thôi, tới “ngưỡng” đó được rồi. Đừng diễn nữa!”. Mà ngày đó chắc gì đã xảy ra.
Thành Lộc quan trọng việc một nghệ sĩ lớn phải toát ra được cái “thần”. Vậy nên anh biết cách giữ thần sắc: không nhậu nhẹt, rượu bia, thuốc lá…Có lần anh bảo, để “hy sinh” vì nghệ thuật, anh chấp nhận việc uống rượu, hút thuốc. Còn nhớ ròng rã 20 năm diễn vở Dạ cổ hoài lang trên sân khấu kịch 5B, Thành Lộc- sau mỗi đêm diễn - phải giam mình vào một quán rượu nhỏ để “xả” vai. Sau này giọng nói và thị lực của anh yếu đi hẳn. Thành Lộc biến mình thành một người yếu ớt chỉ vì rút kiệt sức mình cho từng vai diễn.
Đầy biểu cảm khi nói chuyện về nghề
Có rất nhiều thứ gắn bó với Thành Lộc, nhưng quan trọng nhất với anh là phấn son. Trong khi có vài nghệ sĩ “xa lạ” thì phấn son với Thành Lộc quen thuộc và cần thiết như cơm ăn, nước uống hằng ngày. Nói đến phấn son, không gì thú vị hơn khi được “mục sở thị” anh trong hậu trường, cụ thể là phòng hóa trang. Trước khi ra sân khấu, anh luôn dùng “phấn và son” để trang điểm cho gương mặt mình, thỉnh thoảng đổi sang dùng “son và phấn”. Những nét cọ sinh động vẽ lên mặt, lập tức anh biến thành một “thực thể” khác. Khi ấy, cùng với trang phục, có lúc là con chồn, lúc là con hổ, lúc là mụ phù thủy, lúc là ông lão…
“Hóa trang là một công việc quan trọng và đầy thiêng liêng với tôi. Lúc ngồi trước gương, tôi giống như đang “ngồi đồng”, chờ một vong linh khác nhập vào” - NSƯT Thành Lộc thổ lộ. Mà lạ lắm! Khi NSƯT Thành Lộc đã hóa trang xong, kể cả gặp trong hậu trường cũng khó nhận ra. Dáng đi, cách nói chuyện không còn là anh nữa.
NSƯT Thành Lộc có một điểm khác biệt hẳn với nhiều nghệ sĩ khác là ở chỗ, anh hớp hồn khán giả ngay từ khi ra sân khấu, dưới ánh đèn màu cùng tràng pháo tay của khán giả.
NSƯT Thành Lộc là một nghệ sĩ rất “bình dân” nhưng vấn đề là anh bình dân với ai kìa! Những người không tôn trọng anh, lập tức anh trở thành nghệ sĩ rất “ngôi sao”. Nhưng “dạng” người nào anh cũng có thể chơi, thậm chí làm bạn được. “Đối diện với người kiêu hãnh tôi có thể kiêu hãnh hơn, với người giản dị tôi có thể giản dị hơn, với người ác tôi cũng có thể..ác hơn”- anh nói.
Anh vui vẻ chụp hình với khán giả hâm mộ
Tôi bảo NSƯT Thành Lộc đang tận hưởng hạnh phúc một cách đầy ngăn nắp và cẩn thận thì anh bảo: “Tận hưởng hạnh phúc là xưa rồi, giờ phải nói là tôi đang tận hưởng cả vũ trụ này”. Đơn giản thôi, nhẹ nhàng thôi nhưng rất thượng lưu và vô cùng tinh tế.
Trong thế giới hỗn mang, NSƯT Thành Lộc vẫn cứ yêu đời, cười và hát vu vơ. Ai nói cuộc đời đáng chán thì anh nói cuộc đời vốn thế, ai nói lòng người đen bạc thì anh nói cuộc đời vốn thế. Đám đông và sự phán xét là 2 thứ Thành Lộc cảm thấy xa lạ, trong đó đáng sợ nhất với anh là phán xét dạng “ném đá”.
Bình luận (0)