Giữ đến 80% kịch bản gốc, "Bạn gái tôi là sếp" có một đường dây câu chuyện tốt. Nền văn hóa Thái Lan và Việt Nam cũng cùng chung nét Á Đông nên không khác biệt nhiều trong cách sinh hoạt. Đây là điểm thuận lợi để những phim Việt hóa như "Bạn gái tôi là sếp" có thể dễ dàng lưu giữ được cốt lõi của kịch bản gốc.
Phim kể về chuyện tình của Oanh và Cường tại một ngân hàng có quy định cấm nhân viên hẹn hò vì dễ xao nhãng công việc. Oanh là sếp của Cường, cả hai lén lút yêu nhau nhưng không ai muốn mình phải nghỉ việc để tiến tới hôn nhân. Cả hai luôn so kè, tìm cách để người kia tự nguyện nghỉ việc với những lý lẽ hợp lý riêng.
Do một sai sót kỹ thuật, máy ATM ở Cần Thơ cho ra tiền gấp 4 lần bình thường và một số người phát hiện điều này nên chiếm đoạt số dư lên đến 240 triệu đồng. Ngân hàng cử nhân viên đi thu hồi số dư từ việc lọc hằng trăm giao dịch tại cây ATM này. Oanh và Cường dùng dịp này để cá cược, ai thua sẽ phải nghỉ việc. Chuyện ban đầu đơn giản nhưng dần nhiều tình huống đầy bi hài xuất hiện khiến câu chuyện phức tạp lên.
Phim có một số chi tiết khác với bản gốc cho phù hợp với văn hóa, cách ứng xử của người Việt. Một số nhân vật ở bản gốc khá mờ nhạt, chỉ điểm xuyến cho câu chuyện hợp lý hơn nhưng lại tạo điểm nhấn ở bản Việt hóa. Với lối ứng xử cường điệu so với đời thật, "Bạn gái tôi là sếp" mang đến nhiều tiếng cười tự nhiên cho người xem dù sau đó họ cũng phải công nhận chi tiết đó quá lố. Một vài nhân vật không có trong nguyên tác hoặc giới tính khác nhưng được sáng tạo thêm vào để làm câu chuyện màu sắc, phong phú hơn.
"ATM: Er Rak Error" từng tạo sốt phòng vé ở Thái Lan nhưng cũng gặp không ít lời chê nhiều chi tiết lê thê. Để khắc phục nhược điểm này, "Bạn gái tôi là sếp" được dựng với nhịp nhanh, khiến khán giả không có cảm giác chán. Về phần diễn xuất, Miu Lê thành công nhất với lối diễn nhiều màu sắc, gương mặt biểu cảm tốt. Cô chứng tỏ được hình ảnh một cô gái năng động, bản lĩnh, nhiệt tình với công việc và cả trong tình yêu. Sự háo thắng của tuổi trẻ hiển hiện rõ trong cách ứng xử của hai nhân vật chính phù hợp với xã hội hiện đại ngày nay.
Bên cạnh Miu Lê, Đỗ An gây bất ngờ với cách diễn duyên dáng của mình trong vai chạm ngõ màn ảnh rộng. Cả hai kết hợp ăn ý và góp phần tạo nên sự thu hút cho bộ phim. Trong số dàn diễn viên phụ khá đồng đều, Huy Me và Ngọc Thảo, Hoàng Phi thể hiện rất tốt, tạo ấn tượng cho vai diễn còn hơn cả bản gốc. Vai diễn của Mai Thế Hiệp được chuyển đổi khác hoàn toàn với bản gốc nhưng anh lột tả tốt, tạo cái nhìn thiện cảm cho giới thứ 3.
Nhiều cái hay nhưng phim cũng có không ít điểm trừ, thứ nhất là ở nhân vật con trai của sếp tổng ở ngân hàng vào công ty theo dạng "con ông cháu cha" được xây dựng quá lố. Nhân vật này ở bản gốc vừa phải nhưng bản Việt hóa lại biến thành người "không bình thường" trong ứng xử, khiên cưỡng, kém thuyết phục. Thứ hai, do giữ lại nhiều chi tiết của bản gốc, phim chưa Việt hóa mượt mà được như tác phẩm "Em là bà nội của anh" và còn mang hơi hướng Thái Lan ở một số chi tiết như xe ba gác trang trí màu sắc. Nhiều chi tiết cường điệu quá đà, một số điểm vẫn còn lê thê và chuyển biến tình cảm của hai nhân vật chính rườm rà ở đoạn cuối. Phim vẫn còn ồn ào theo kiểu sân khấu ở những đoạn tung mảng miếng hài.
Phim tràn ngập tình yêu và đan xen thông điệp nhẹ nhàng về tình cảm gia đình, tình người, phù hợp với khán giả trẻ tuổi trong thời điểm gần ngày Lễ Tình nhân. Đây là phim làm lại chào hàng đầu tiên của năm mới được đánh giá ổn của năm 2017 có nhiều tác phẩm làm lại hoặc chuyển thể từ tác phẩm truyện, sân khấu, kịch...
Bình luận (0)