Tối 3-12, sô diễn đặc biệt mang tên “Gió” sẽ mở màn tại TP HCM. “Gió” là cuộc trình diễn đối thoại nghệ thuật, tương tác giữa piano và chèo cổ, được nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên sáng tác dựa trên cảm hứng từ vở chèo “Quan Âm Thị Kính”.
Cuộc song hành nghệ thuật đặc biệt
Không bám sát nguyên tác, nhạc sĩ Đặng Tuệ Nguyên chỉ chọn chất liệu dân tộc để thể hiện cảm xúc đương đại. Tác phẩm khắc họa nên tính cách, thân phận, cảm xúc của 2 người đàn bà, 2 tính cách trái ngược: Một bên là biểu tượng của chữ Nhẫn trong nhân vật Thị Kính, một bên là biểu tượng của chữ Khát (khát khao được yêu, được sống) trong nhân vật Thị Mầu.
Hai tính cách, 2 nhân vật với những nỗi đau trái ngược nhưng một người ẩn giấu vào trong, một người hiển lộ ra ngoài sẽ được thể hiện bởi tay đàn “bão tố” Phó An My bằng rất nhiều cung bậc cảm xúc. Đặc biệt, xuất hiện cùng tiếng đàn piano Phó An My lần này sẽ có NSND Thanh Hoài với tiếng hát nguyên bản chèo cổ, như sự đồng hành, hòa quyện nghệ thuật, lấy cốt lõi là tinh hoa văn hóa dân tộc.
Nhắc đến nghệ sĩ piano Phó An My, người nghe nhạc hình dung ra ngay pianist với mái tóc bù xù thường bung lên tung tóe thăng hoa theo cảm xúc âm nhạc trên những ngón đàn. Sau khi du học từ nước ngoài trở về, ngay những ngày đầu xuất hiện trong làng âm nhạc Việt, Phó An My đã luôn là gương mặt ấn tượng, độc đáo, đầy sáng tạo và tràn ngập đam mê.
Cuộc song hành nghệ thuật thú vị giữa nghệ sĩ piano Phó An My và nhạc sĩ tài năng Đặng Tuệ Nguyên bắt đầu từ năm 2011, kể từ khi tác phẩm “Bóng” (trình diễn piano trên chất liệu âm nhạc dân tộc chầu văn) ra đời. “Bóng” gây ấn tượng mạnh mẽ tới công chúng về một ý tưởng trình diễn xuyên suốt, không chỉ là âm nhạc tuyệt vời mà còn là những màn thay áo thông minh mang tính trình diễn trong khung cảnh lộng lẫy của sân khấu cách điệu từ nghệ thuật truyền thống.
Ngay sau đó là “Lửa” (2014) - trình diễn piano trên chất liệu âm nhạc tuồng cực kỳ mạnh mẽ, quyết liệt, bùng cháy đam mê, truyền cảm hứng “nóng bỏng” tới khán thính giả. Tác phẩm được trình diễn theo tư duy âm nhạc đối thoại vang lên tại Hà Nội và TP HCM, đưa đến công chúng một cách thưởng thức âm nhạc nghệ thuật mới mẻ, tràn đầy năng lượng sáng tạo. Lần đầu tiên, khán giả bị thay đổi về cách thưởng thức một chương trình âm nhạc đương đại.
Lần lượt đưa âm nhạc chầu văn, tuồng và chèo - những giá trị văn hóa tinh túy của người Việt - lên sân khấu đương đại kết hợp với âm nhạc phương Tây, năm 2016 này, “Gió” là đêm diễn cuối cùng theo tư duy và bút pháp đối thoại giữa pianist Phó An My kết hợp cùng Đặng Tuệ Nguyên, là cuộc đồng hành miệt mài với âm nhạc dân tộc từ chất liệu nghệ thuật chèo.
Từ bố cục sân khấu đến âm thanh, ánh sáng, cách phối hợp trình diễn giữa các nghệ sĩ đương đại và cổ truyền..., tất cả từng chi tiết được nghiên cứu kỹ lưỡng đều góp phần tạo nên một không gian lộng lẫy cho nghệ thuật. Mỗi khi tiếng đàn piano vang lên ào ạt, xen kẽ là dìu dặt nhạc cụ truyền thống, cộng với lời hát chèo đã ngấm sâu và lắng đọng đâu đó như cái hồn dân tộc từ trong máu khiến tác phẩm trở nên huyền bí, gợi tính tò mò, dẫn lối những trải nghiệm nghệ thuật thú vị cho người xem.
Những chương trình biểu diễn của Phó An My và Đặng Tuệ Nguyên luôn là cuộc trình diễn hoàn hảo của nghệ thuật đương đại kết nối với tinh hoa văn hóa cổ truyền, trở thành một trong những dấu mốc quan trọng kéo gần lại những công chúng còn đang cảm thấy xa lạ, ngăn cách với nghệ thuật đỉnh cao.
Nghệ thuật nhọc nhằn
Thế nhưng, thật khó để Phó An My không phải bán nhà trang trải cho những sô diễn của mình. Phó An My sinh trưởng trong một gia đình truyền thống nghệ thuật. Cô là cháu gái nhạc sĩ Phó Đức Phương. 13 tuổi, My đã sang Đức học đàn piano. Thế nhưng, như bất cứ nghệ sĩ đích thực nào khác, luôn không chấp nhận mang tài năng phục vụ cho mục đích kiếm tiền, My rất nghèo. Ngay cả đến cây đàn piano gắn bó với đời biểu diễn, cô cũng phải tiết kiệm chi tiêu và trả nợ dần mới mua nổi.
Hồi mới về nước sau khi du học Đức, đã có lúc My bỏ cuộc, đi buôn đồ gỗ nhưng trăn trở nghệ thuật chưa bao giờ “buông tha” con người nghệ sĩ trong cô. Nuôi con một mình có lẽ là cái gánh không hề nhẹ đối với bất cứ phụ nữ nào, cộng với việc không có nhà bảo trợ tài chính cho những chương trình nghệ thuật thuần túy, dốc túi cá nhân hoàn toàn cho nghệ thuật như vậy chắc chắn sẽ chồng chất thêm những khó khăn trong cuộc “hành xác”, “lên đồng” vì nghệ thuật của My. Để theo đuổi đam mê, có những chương trình My bị lỗ tới cả trăm triệu đồng nhưng vẫn ráng theo đuổi.
Trả lời về việc khó khăn thế, sao vẫn quyết theo tới cùng, Phó An My khẳng định chắc nịch: “Buộc phải vậy, bất cứ xã hội nào, đời sống nào cũng vậy, khi muốn đưa ra ý niệm hay khát vọng để nói điều mình muốn đều khó khăn cả. Tôi là người may mắn”.
Từ khi bắt đầu tìm được lối mở cho ngón đàn của mình trên con đường sáng tạo nghệ thuật riêng biệt và độc đáo, Phó An My đã sống hết mình cho cái đích đến trong trẻo là nghệ thuật. Trên con đường ấy, cũng may là My không cô đơn, bên cạnh cô luôn có rất nhiều nghệ sĩ.
Bình luận (0)