Nhiều nhiếp ảnh gia (NAG) trẻ hiện nay không còn quan tâm đến các cuộc thi ảnh quốc tế của FIAP (Liên đoàn Nhiếp ảnh Quốc tế), Hội Nhiếp ảnh Mỹ (PSA)... Họ cho rằng đây chỉ là những tổ chức nhiếp ảnh nghiệp dư, những huy chương hay tước hiệu phong tặng khi tham gia các cuộc thi này không nói lên được đẳng cấp của một NAG.
Giải quốc tế chưa hẳn đẳng cấp
Phó Chủ tịch Hội Nhiếp ảnh Việt Nam, ông Lê Xuân Thăng, cho biết hiện có khoảng 100 quốc gia là hội viên của FIAP nhưng đây không phải là tổ chức nhiếp ảnh lớn nhất thế giới. “Tuy chỉ là tổ chức ảnh nghiệp dư nhưng các cuộc thi của FIAP mang tính chất toàn cầu. Thông qua các cuộc thi này, nhiếp ảnh Việt Nam càng ngày sẽ khẳng định được vị thế của mình về ảnh nghệ thuật trên thế giới” - ông Thăng nói.
Các cuộc thi nhiếp ảnh nào có sự bảo trợ của FIAP thì nhà tổ chức phải bỏ tiền ra mua “danh” FIAP rồi đem về trao tặng cho người thi. Cho nên nhiều NAG đùa vui rằng đi thi FIAP là “đem vàng thật đổi vàng giả” vì NAG phải đóng phí khi nộp ảnh thi mà giá trị nhận được là huy chương lưu niệm. “NAG chuyên nghiệp không cần giải thưởng FIAP đâu. Chỉ có mình hiểu sai về họ, chứ họ đã nói rõ tính nghiệp dư của giải thưởng. Dù vậy, ta nên ghi nhận những tấm ảnh đoạt huy chương vì chúng cũng đã đạt tiêu chuẩn nào đó của nhiếp ảnh. Nhưng lấy được nhiều huy chương ở các cuộc thi này rồi nói rằng mình là cường quốc nhiếp ảnh thì chưa chính xác” - một NAG khẳng định.
Tuy nhiên, nói các cuộc thi khác như HIPA, Sony World Photo uy tín rồi đánh đồng đẳng cấp của nó cũng là một sự ngộ nhận khác. Năm 2014, bức ảnh đoạt giải đặc biệt có trị giá giải thưởng lên đến 120.000 USD của tác giả Wuyang Zhou (Trung Quốc) Lớp học miền núi bị nhiều NAG trên thế giới và ở Trung Quốc lên án vì cho rằng tác giả này dàn dựng, chưa kể bức ảnh còn vi phạm “luật chơi” của HIPA là nghiêm cấm ảnh ghép, làm mất đi tính chân thực của bức ảnh. “Hiện nay, công tác giám khảo ở các cuộc thi ảnh toàn cầu cũng chỉ tương đối, việc tuyển chọn giám khảo đa phần được mời dựa trên danh tiếng, không phải được chọn lựa bài bản như các loại hình khác. Vì thế, đừng cho rằng các cuộc thi này hoàn toàn uy tín” - NAG T.P chia sẻ.
Còn đâu cá tính, phong cách
Hằng năm, các NAG đợi đến mùa lễ hội, mùa lúa chín ở Tây Bắc, mùa tam giác mạch ở Hà Giang… rồi rủ nhau đi săn ảnh. Những bức ảnh ấy họ để dành đi thi các cuộc thi ảnh trong và ngoài nước. Với những cuộc thi có các chủ đề công bố trước cả năm, NAG sẽ phải đi săn cho phù hợp với chủ đề ấy. Vì thế, nhiếp ảnh nghệ thuật ở nước ta hiện chỉ mới đáp ứng nhu cầu tức thời là các cuộc thi. “Đây là hiện tượng “mì ăn liền”, cứ đưa máy ảnh lên chụp rào rào rồi sau đó chẳng để lại cảm xúc sâu lắng, chẳng làm người thưởng ngoạn nhớ tấm nào” - một NAG tâm sự.
Theo nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Hoàng Trung Thủy, Chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Gia Định: “Thi ảnh là thú vui, là động lực để NAG phấn đấu nhưng đừng coi đó là một lý tưởng. Bởi vì khi không còn cầm máy nữa, NAG nhìn lại quá trình tác nghiệp của mình xem đã làm được gì và có khi sẽ tiếc thời gian vì chỉ mải miết đuổi theo các cuộc thi. Chụp ảnh đi thi khác với chụp ảnh cho cá nhân. Ảnh dự thi có đề tài, nội dung quy định còn ảnh sáng tác thì bấm máy theo cảm xúc và những rung động thẩm mỹ giàu nội tâm của người cầm máy. Đôi khi những cảm xúc đó được thai nghén, ấp ủ qua nhiều năm tháng rồi vụt thăng hoa khi gặp điều kiện thích hợp. Điều này hết sức quan trọng trong việc hình thành cá tính và phong cách sáng tạo”.
Ở nước ta, hầu hết các NAG đi sáng tác gặp gì chụp nấy, gặp cuộc thi nào có chủ đề phù hợp thì gửi ảnh tham dự. Bên cạnh đó, phần lớn các cuộc thi trong nước hoặc các cuộc thi trong hệ thống FIAP chỉ đề ra các chủ đề chung chung như: thiên nhiên, con người, chân dung, tự do màu, tự do đen trắng... đã phần nào làm cho các NAG giảm bớt sự đầu tư tìm tòi những đề tài mới lạ, mang tính thời đại...! Nói cách khác là thay vì NAG phải dấn thân tìm tòi sáng tạo mô tả chân thực cuộc sống... thì họ lại chụp ảnh chỉ để đi thi.
“Tới một lúc nào đó, NAG phải nhìn lại mình, tìm cho mình một hướng đi riêng. Nhiếp ảnh Việt Nam cần tạo ra môi trường để họ phát triển, phải có mảnh đất tốt thì hạt giống mới nảy mầm và đơm hoa kết quả. NAG nên chụp cái gì mình nghĩ, chứ đừng quá chú tâm vào cái mình thấy” - NSNA Hoàng Trung Thủy trăn trở. Anh cho rằng vẫn có một dòng chảy âm thầm, vẫn có những nghệ sĩ đang sáng tạo miệt mài theo cách riêng nhưng chưa được khơi gợi, chưa được tạo điều kiện để trưng bày tác phẩm của mình đến với công chúng. Đây sẽ là điều bất ngờ thú vị trong tương lai gần, khi mà các quan niệm xã hội đang ngày càng trở nên rộng mở, đơn cử như ảnh nude hiện nay, còn rất nhiều tranh cãi.
Nếu không muốn thành “chuyên gia thi cử”
Theo NSNA Bùi Minh Sơn, Phó Chủ tịch Hội đồng Nghệ thuật Hội Nhiếp ảnh TP HCM, các cuộc thi ảnh đều có chủ đề, mục đích và điều lệ của ban tổ chức và NAG dự thi đều phải đáp ứng những yêu cầu đó để ảnh của mình có thể vào sâu, đoạt giải. Khi ấy, NAG dù có cố gắng sáng tạo vẫn phải bị ràng buộc bởi những luật chơi của từng cuộc thi, điều đó là không thể tránh khỏi. Ông cho rằng trong xu thế phát triển hòa nhập với nhiếp ảnh toàn cầu, ngoài việc giữ gìn, nâng cao phong độ sáng tác và thành quả qua các cuộc thi, nhiếp ảnh Việt Nam cần chú trọng đến việc phát huy vai trò, bản lĩnh, phong cách cá nhân của các NAG nếu không muốn trở thành những “chuyên gia thi cử”, bởi sức sống của một nền nhiếp ảnh vững mạnh không chỉ được đánh giá qua những cuộc thi mà còn là tầm ảnh hưởng của nó trong đời sống văn hóa, xã hội.
Bình luận (0)