Phim Việt ra rạp ngày càng nhiều và để giải quyết vấn đề kinh phí cho các dự án, nhà sản xuất phải sử dụng phương pháp góp vốn. Bên cạnh hình thức các công ty sản xuất, phát hành cùng liên kết đầu tư sản xuất phim, những diễn viên hàng “sao” cũng tích cực hỗ trợ ngành công nghiệp điện ảnh bằng hình thức góp vốn.
Tăng trách nhiệm
Trong buổi giới thiệu phim “Chạy đi rồi tính” (đạo diễn: Bảo Nhân, Nam Cito), Việt Hương tiết lộ mình có phần hùn trong dự án này. Phim có kinh phí khoảng 12 tỉ đồng, công chiếu dịp Tết Nguyên đán và thuộc thể loại hài hành trình. Việt Hương chia sẻ lý do vì sao quyết định góp vốn: “Kịch bản tốt, ê-kíp cũng từng làm việc với tôi qua phim “Gái già lắm chiêu” nên hiểu nhau. Hai đạo diễn tuy trẻ lại “tay ngang” nhưng yêu phim vô cùng và tài năng. Tôi hy vọng họ tiếp tục mang làn gió mới, hiện đại, sáng tạo vào phim Việt”.
Tuy là “cổ đông” nhưng Việt Hương khẳng định mình tin tưởng vào ê-kíp sản xuất nên chỉ nỗ lực làm tốt vai trò diễn viên và cố vấn về diễn xuất. Chị không lấn quyền, tham gia nhiều khâu khác hay lo lắng về doanh thu, gây mất tập trung vai diễn. Theo chị, mỗi người có sở trường, sở đoản riêng nên đâu thể chỉ vì góp vốn mà những công việc không thuộc sở trường cũng ôm vào.
Diễn viên Trấn Thành cũng hùn vốn sản xuất phim “Chờ em đến ngày mai” (đạo diễn: Đinh Tuấn Vũ). Tại buổi giới thiệu dự án, Trấn Thành cho biết một khi có phần hùn, tinh thần trách nhiệm, sự nhiệt tình sẽ tăng cao. Đây là điều hiển nhiên vì trở thành “cổ đông”, nếu phim có doanh thu cao, người góp vốn sẽ được chia lợi nhuận. Nó tác động trực tiếp đến túi tiền những người tham gia sản xuất nên sự nhiệt tình phải tăng. Theo nhiều người trong giới, đây là mặt tích cực nhất của hình thức góp vốn làm phim. Trước Trấn Thành, Việt Hương, diễn viên Thái Hòa được biết đến là người tích cực góp vốn cho các dự án phim có mình tham gia như: “Long Ruồi”, “Quả tim máu”, “Để Mai tính 2”... và mới nhất là “Fan cuồng”. “Góp vốn đầu tư, tôi thấy cuộc chơi của mình dài hơi, chứ chỉ nhận cát-sê thì phim quay xong là hết nhiệm vụ, chẳng căng thẳng, hồi hộp nhiều!” - Thái Hòa nói.
Trước đây, từng có phim “Liên minh huyền thoại” được làm theo hình thức cả đoàn phim góp vốn nhưng cách này khó phổ biến. Nó chỉ là cá biệt so với việc các “sao” góp thù lao của mình vào phim. Nhưng cả hai hình thức này đều có điểm chung là sự tin tưởng vào đạo diễn, kịch bản và ê-kíp sản xuất.
Giảm gánh nặng kinh phí
Nhà sản xuất Jenni Trang Lê, đại diện Hãng phim Chánh Phương, cho biết: “Thái Hòa được xem là “vua phòng vé”, thù lao của anh ấy không ít, nhà sản xuất cũng khó có đủ tiền để trả nên việc anh ấy góp vốn giúp giảm nỗi lo về kinh phí sản xuất”. Ban đầu, nhà sản xuất đưa ra đề xuất góp vốn và nhận được sự đồng ý từ Thái Hòa. Tuy nhiên, những lần sau, do hiểu và tin tưởng nên Thái Hòa tự nguyện đầu tư vào phim. “Hiện hiếm công ty nào tự đứng ra làm một bộ phim bằng 100% vốn của mình. Họ thường kêu gọi đầu tư từ các công ty lớn như Galaxy, BHD... và công ty sản xuất, hậu kỳ khác. Những hãng có nhiều dự án liên tiếp, họ lại cần góp vốn để điều phối kinh phí sản xuất” - Jenni Trang Lê nhận định.
Theo Jenni Trang Lê, khi góp vốn bao giờ cũng có hợp đồng đầy đủ giữa các bên. Nhà sản xuất minh bạch thông tin, không che giấu vốn hiện có, chi phí sẽ chi... và phía góp vốn tự quyết định tham gia hay không. Một bộ phim thành công về doanh thu còn phụ thuộc nhiều vào yếu tố hên xui nên cũng khó đưa ra bảo đảm. Trường hợp phim thất bại doanh thu, nhà sản xuất sẽ ghi nhận những cá nhân, công ty đã góp vốn và ưu tiên cho họ khi có dự án mang tính thương mại sau này. “Khi chuẩn bị dự án phim “Tèo Em 2”, chúng tôi dự đoán doanh thu sẽ cao vì “Tèo Em” từng được khán giả yêu thích. Chúng tôi ưu tiên mời những cá nhân, công ty tham gia các dự án không thắng doanh thu trước đây để họ có cơ hội lấy lại những gì đã mất. Trường hợp một số người bị mất tiền và sợ, không muốn tham gia tiếp, chúng tôi cũng hoan nghênh” - Jenni Trang Lê chia sẻ.
Việc các “sao” góp vốn không chỉ góp phần giảm gánh nặng kinh phí sản xuất mà còn thúc đẩy quá trình thực hiện các dự án phim. Đạo diễn Nam Cito và Bảo Nhân cho biết sau “Gái già lắm chiêu”, họ chưa nghĩ sẽ bắt đầu dự án phim tiếp theo trong năm nay. Tuy nhiên, cả hai được động viên từ nhiều phía nên khởi động sớm. “Tôi không đứng tên nhà sản xuất nhưng sẵn sàng hỗ trợ, đứng phía sau những dự án tốt, ý nghĩa. Một khi đã tin tưởng, tôi dốc sức cùng họ cho ra sản phẩm tốt, phục vụ khán giả” - Việt Hương bộc bạch. Chị cho biết sẽ tiếp tục góp vốn những dự án phim khác khi thấy kịch bản thuyết phục.
Theo đạo diễn Võ Thanh Hòa, anh không lo chuyện “sao” làm “cổ đông” sẽ có tiếng nói, ảnh hưởng công việc chỉ đạo. Trái lại, anh thích làm những phim có “sao” góp vốn vì: “Khi lên hàng sao, tôi nghĩ họ là những người thông minh, tự biết phải làm gì tốt nhất cho mình và sản phẩm chung. Đôi lúc, họ có cá tính và cá tính đụng nhau là chuyện thường. Tất cả đều có thể bàn bạc, thảo luận để phục vụ mục đích chung”.
Ngày càng phổ biến
Nhiều diễn viên hứng thú với công việc sản xuất nhưng chưa đủ khả năng trở thành nhà sản xuất lại thích chọn phương thức góp vốn. Người trong giới nhìn nhận phương thức này sẽ ngày càng phổ biến. Diễn viên Thanh Trúc cho biết cô tích cóp và có thể hùn vốn sản xuất phim trong thời gian tới. Một kế hoạch cho tương lai gần khi công việc đạo diễn, nhà sản xuất chính không phù hợp nhưng góp vốn thì đơn giản hơn. Chỉ là chọn được một kịch bản và ê-kíp tốt để đầu tư rất khó, nó gần giống việc “đánh bạc” với độ hên xui cao.
Bình luận (0)