Chỉ sau 3 ngày “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” ra rạp, BHD - công ty phát hành chính của phim - công bố doanh thu đã đạt 21,8 tỉ đồng. Sau 10 ngày, doanh thu của phim tiếp tục tăng lên hơn 46 tỉ đồng. Nếu đây là con số chính xác, nhà sản xuất “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” có thể yên tâm phim có lãi, dù mất 40% thị phần từ rạp chiếu của CGV.
Thu hút nhờ... tranh cãi
Đầu năm 2016 đến nay, hơn 20 phim Việt đã ra rạp nhưng chỉ vài phim có lãi như: “Bệnh viện ma”, “Taxi, em tên gì?”... Những phim được kỳ vọng: “Truy sát”, “Fan cuồng” có vốn đầu tư hơn 20 tỉ đồng, ê-kíp thực hiện được xem là có đẳng cấp trong nghề, công tác quảng bá chuyên nghiệp nhưng không chinh phục được số đông khán giả.
So với sự thắng lớn về doanh thu trong nửa cuối năm 2015 của các phim Việt như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Em là bà nội của anh” thì 8 tháng đầu năm 2016 chưa có đột phá nào. Hàng loạt phim Việt chất lượng làng nhàng ra đời khiến khán giả thất vọng.
Trong lúc điện ảnh Việt gần như bão hòa, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” (đạo diễn: Ngô Thanh Vân) xuất hiện, hội tụ nhiều yếu tố thương mại. Ngay lập tức, mọi kỳ vọng của khán giả đổ dồn vào phim này, hiệu ứng truyền thông cũng có hiệu quả tức thì. Các teaser trailer (đoạn clip ngắn quảng cáo phim) khá hoàn hảo xuất hiện trên mạng, trên các phương tiện truyền thông đã tạo tâm lý chờ đợi, háo hức ở người xem, để rồi công luận bị đẩy đến cao trào kịch tính khi nhà sản xuất tuyên bố CGV từ chối chiếu phim này ngay trước ngày nó ra rạp. Gần như không mấy người quan tâm đến yếu tố hay, dở của phim mà chỉ tập trung bàn luận căng thẳng về chuyện đúng sai của việc CGV từ chối chiếu phim Việt.
Nhiều ý kiến cho rằng dù vô tình hay cố ý, nhà sản xuất và phát hành “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” đã có chiến lược quảng bá hiệu quả thông qua những tranh luận nhiều chiều trên mạng xã hội, tạo làn sóng kéo được số đông khán giả đến với phim.
Nhà phê bình điện ảnh Ngô Ngọc Ngũ Long nhận định: “Những tố cáo qua lại giữa CGV và BHD liên quan đến tỉ lệ ăn chia, báo chí khai thác vấn đề có hay không chuyện “chèn ép” phim Việt… diễn ra trước và trong khi phim này công chiếu đã giúp từ khóa “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” lan rộng, lan nhanh, kích thích lòng tự tôn dân tộc, tạo tranh luận nhiều chiều, góp phần vào việc tăng doanh thu cho phim. Hiện thị trường điện ảnh Việt bị doanh nghiệp Hàn Quốc khuynh đảo với hệ thống cụm rạp lớn khắp cả nước là điều ai cũng thấy. Khán giả thường có tâm lý “bênh vực người yếu”, họ ủng hộ Ngô Thanh Vân lẫn đơn vị phát hành nên càng đi xem”.
Bà Nguyễn Thị Bích Thủy - Giám đốc sản xuất Công ty Sena Film, cho rằng mọi người có quyền nghi ngờ doanh thu do nhà sản xuất công bố vì chẳng ai kiểm chứng nhưng thực tế phải nhìn nhận là “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” được quảng bá thành công. Trong điện ảnh, khâu quảng bá và phát hành thường chiếm đến 60% thành công của phim.
Theo nhà thơ Phong Việt, Nhân viên truyền thông Công ty TNHH Green Media, sức hút của phim một phần đến từ những tranh cãi liên quan đến phát hành mà ai cũng biết. Đây là điều quan trọng khiến khán giả muốn đến rạp.
Thỏa mãn nhu cầu giải trí
Giống như “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh”, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” cũng gây sốt trên mạng từ teaser trailer cho đến giai đoạn công chiếu. Các phim này được người trong giới lẫn khán giả bình thường bàn tán nhiều. Những khen, chê khác nhau quanh nội dung phim, diễn xuất của các diễn viên… khiến ai chưa xem cũng có tâm lý xem cho biết.
Tất nhiên, yếu tố giải trí cao của phim là điều quan trọng trong việc giữ chân khán giả. Dù có nhiều sạn từ khâu kịch bản đến cách thể hiện, diễn xuất của diễn viên nhưng giới chuyên môn thừa nhận đây là phim có “bột”, đủ “gột” nên hồ nhờ khai thác yếu tố giải trí. Theo nhà báo Cát Vũ, phim gây tò mò, kích thích khán giả đến rạp nhờ sự mới lạ. Từ trước đến nay, phim cổ trang trên màn ảnh rộng Việt Nam không nhiều; thể loại kỳ ảo, lấy cảm hứng từ cổ tích lại càng không có.
“Tấm Cám là câu chuyện quá quen thuộc nên nhiều người tò mò muốn xem phần “Chuyện chưa kể” là chuyện gì. Ngay cả điểm yếu về diễn xuất của Hạ Vi trong vai Tấm cũng vô tình trở thành điểm nóng của truyền thông mạng, tạo thêm sức lan tỏa lớn, kích thích khán giả xem phim” - nhà thơ Phong Việt nhìn nhận.
Theo nhà thơ Phong Việt, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” chưa phải là hay nhưng làm được phim như thế với kinh phí 20 tỉ đồng thì phải thừa nhận tài năng của Ngô Thanh Vân. Phim này là một trong số ít phim Việt gần đây khiến khán giả không cảm thấy tiếc tiền khi rời rạp.
Không chỉ giới chuyên môn trong Nam, các nhà chuyên môn khó tính phía Bắc cũng phải ghi nhận thành công về mặt thương mại giải trí của “Tấm Cám: Chuyện chưa kể”. Chu Thu Hằng, nhà biên kịch phim “Nguyệt thực” đang phát sóng trên VTV3, viết trên trang cá nhân của mình: “Bất ngờ khi Việt Nam (lại là tư nhân) làm được một phim như thế. Thật sự trân trọng!”.
CGV bỏ lỡ cơ hội
Sau 10 ngày ra rạp, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” thu được hơn 46 tỉ đồng, vượt doanh thu 41,5 tỉ đồng của phim “Em là bà nội của anh”. Tuy nhiên, kỷ lục doanh thu phim sau 10 ngày ra rạp hiện do “Quả tim máu” nắm giữ với 55 tỉ đồng.
“Quả tim máu” cũng giữ kỷ lục phim doanh thu cao nhất sau 3 ngày công chiếu với 24 tỉ đồng. Các vị trí tiếp theo là phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” - doanh thu 23 tỉ đồng, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” - 21,8 tỉ đồng, “Để Mai tính 2” - 21,6 tỉ đồng, “Tèo em” và “Lật mặt 2” mỗi phim thu 15 tỉ đồng.
Nếu có thêm 40% số lượng rạp của CGV, “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” hẳn phá kỷ lục doanh thu phòng vé phim Việt từ trước đến nay. Thành công về doanh thu của “Tấm Cám: Chuyện chưa kể” cho thấy CGV đã bỏ qua cơ hội khai thác cho hệ thống rạp chiếu của mình khi không đạt được thỏa thuận tỉ lệ phát hành với BHD.
Bình luận (0)