GS-TS Trần Văn Khê - bậc đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam, có tầm ảnh hưởng thế giới - đã về với đất mẹ vào lúc 2 giờ 55 phút ngày 24-6 tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM) trong niềm thương tiếc của những tâm hồn yêu văn hóa dân tộc. Hình ảnh của ông mãi mãi khắc đậm trong tim những ai nâng niu hồn dân tộc qua từng ngón đờn, lời ca và nghệ thuật truyền thống.
Cả đời vì âm nhạc dân tộc
GS-TS Trần Văn Khê đã làm rạng danh âm nhạc dân tộc Việt. Cả cuộc đời, ông cống hiến cho sứ mệnh mà mình đã theo đuổi từ khi nhận biết lý tưởng sống là vì nền âm nhạc và nghệ thuật của quê hương.
Năm 6 tuổi, ông đã biết chơi đàn kìm, 8 tuổi biết chơi đàn cò, 12 tuổi biết đàn tranh và đánh trống nhạc. Sau khi sang Pháp du học năm 1949, GS-TS Trần Văn Khê là người Việt Nam đầu tiên đậu tiến sĩ Khoa Âm nhạc học vào năm 1958 với luận án về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Tốt nghiệp, ông được mời làm giáo sư Trường Đại học Sorbonne (Pháp) và là thành viên danh dự Hội đồng Quốc tế âm nhạc - UNESCO.
NSND Viễn Châu bồi hồi nhớ lại: Những năm 1990, khi cùng một số đoàn văn hóa các nước sang TP HCM, ghé thăm NSND Viễn Châu, GS-TS Trần Văn Khê từng nói “tôi xem như mình toại nguyện vì ra đi là để bảo vệ luận án tiến sĩ về âm nhạc dân tộc”. “Anh ấy ra đi cũng vì muốn góp phần đưa âm nhạc truyền thống Việt Nam ra năm châu bốn biển và anh ấy trở về cũng vì sứ mệnh thiêng liêng đó” - NSND Viễn Châu nhìn nhận.
Trở về nước vào năm 2006, GS-TS Trần Văn Khê được nhà nước cấp cho căn nhà tại số 32 Huỳnh Đình Hai, quận Bình Thạnh, TP HCM. Ông chọn nơi đây để tổ chức các buổi sinh hoạt định kỳ về âm nhạc dân tộc. Hành trình quay về của ông có hành trang quý giá là hàng ngàn tư liệu nghiên cứu về âm nhạc các nước; hệ thống ghi chép - khảo cứu tính tương tác giữa âm nhạc dân tộc Việt với các hệ phái âm nhạc sử dụng nhạc cụ cùng họ - như đàn tranh Việt Nam, tiền đề để sau này Cung Văn hóa Lao động TPHCM và Nhạc viện TP HCM tổ chức Nhạc hội đàn tranh châu Á; hàng ngàn băng dĩa ghi âm các chương trình hòa nhạc, độc tấu, diễn thuyết về âm nhạc dân tộc tại 36 quốc gia mà ông từng tham dự với tư cách khách mời đặc biệt.
NSND Kim Cương nhớ lại: “Một lần tôi sang Pháp và ghé thăm anh Khê. Căn nhà chung cư rộng nhưng chật hẹp bởi đâu đâu cũng toàn là sách. Nhà không có bếp, điều này mách bảo tôi rằng từng ấy năm xa xứ, anh Khê ăn cơm tiệm nhiều hơn ăn ở nhà”. Theo NSND Kim Cương, khi GS-TS Trần Văn Khê nằm điều trị trong bệnh viện những ngày cuối đời, gia đình chuẩn bị chuyện hậu sự cho ông. Con trai ông, GS-TS Trần Quang Hải, lục tìm hộ chiếu của ông để liên hệ Tổng Lãnh sự Pháp chuẩn bị làm giấy khai tử khi qua đời. Lúc ấy, mọi người mới hay mấy chục năm qua, dù sống ở Pháp nhưng chưa bao giờ ông bỏ quốc tịch Việt Nam.
Giữ gìn cho muôn đời sau
GS-TS Trần Văn Khê có đóng góp rất lớn trong việc quảng bá, trực tiếp tham gia xây dựng hồ sơ để Tổ chức UNESCO công nhận đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Trước đó, ông từng quảng bá cho ca trù, nhã nhạc cung đình Huế, cồng chiêng Tây Nguyên, hát xoan Phú Thọ, quan họ Bắc Ninh… - những di sản quý giá cần giữ gìn và phát huy của dân tộc ra với thế giới. Những năm gần đây, dù đã bước vào tuổi “xưa nay hiếm”, phải di chuyển bằng xe lăn nhưng bất cứ ai một lần tiếp cận cũng đều nhận biết GS-TS Trần Văn Khê vẫn dành trọn niềm đam mê cho âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Mặc dù ở tuổi 94, mắt kém tay run nhưng GS-TS Trần Văn Khê vẫn không ngừng làm việc nhằm hệ thống hóa kho tư liệu về âm nhạc dân tộc cho thế hệ sau. Nhà giáo Ưu tú Phạm Thúy Hoan bày tỏ: “CLB Tiếng hát Quê hương mất thầy như mất đi chỗ dựa tinh thần vững chắc. Bởi lẽ, thầy đã là người vun trồng cho các thế hệ nghệ sĩ gắn bó nhiều năm qua với CLB. Thầy luôn dặn dò hãy quan tâm, động viên và trực tiếp uốn nắn các mầm non, giữ cho mầm non phát triển tốt để nhân rộng hơn những tâm hồn đam mê âm nhạc dân tộc vì có yêu thích mới nâng niu và giữ gìn”.
Về với đất mẹ thiêng liêng, di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê sẽ được con cháu và nhiều thế hệ học trò tiếp tục thực hiện, gánh vác trọng trách giữ gìn, phát huy những giá trị âm nhạc và nghệ thuật truyền thống của dân tộc. Vĩnh biệt ông!
Chu đáo đến cả việc hậu sự
GS-TS Trần Văn Khê sinh năm 1921 tại làng Vĩnh Kim, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Vì tuổi cao lại mắc nhiều bệnh nội khoa, do bệnh tiểu đường gây biến chứng khiến tim, phổi, thận đều bị thương tổn, dù được người thân và Bệnh viện Nhân dân Gia Định chăm sóc, chữa trị rất chu đáo nhưng ông không qua khỏi và đã vĩnh viễn ra đi, hưởng thọ 94 tuổi.
Tang lễ được cử hành tại tư gia (32 Huỳnh Đình Hai, phường 25, quận Bình Thạnh, TP HCM). Lễ viếng bắt đầu từ 12 giờ ngày 26-6. Lễ động quan sẽ được tiến hành sáng 29-6, sau đó đưa đi hỏa táng tại Nghĩa trang Bình Dương.
Theo bản di nguyện của GS-TS Trần Văn Khê, chủ tang sẽ là con trai trưởng của ông - GS-TS Trần Quang Hải.
Dù không theo tôn giáo nào nhưng GS-TS Trần Văn Khê mong muốn được an táng theo nghi thức Phật giáo. Ban nhạc lễ do nhạc sĩ Nhất Dũng (Trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP HCM) phụ trách. Ngoài ra, các học trò hoặc nghệ sĩ đến viếng muốn tham gia hát cúng thì đăng ký với ban tổ chức tang lễ. CLB Tiếng hát Quê hương - Cung Văn hóa Lao động TP HCM sẽ hòa tấu một buổi đặc biệt trong tang lễ.
Ông mong muốn tiền phúng điếu có thể dùng lập một quỹ học bổng hoặc giải thưởng Trần Văn Khê để hằng năm phát cho người được giải thưởng nghiên cứu về âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Bình luận (0)