Sau thời gian khá im ắng, sàn diễn cải lương tại TP HCM đã có những tín hiệu khởi sắc với sự ra quân của nhiều đạo diễn trẻ. Các vở: Cõng mẹ đi chơi, Đời như ý, Lối về, Trái tim trong trắng, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn, Cơn hồng thủy, Cưới vợ năm Rồng… của các đạo diễn trẻ đã thu hút khán giả đến xem và cổ vũ.
Hụt hẫng đội ngũ
Nguồn đạo diễn trẻ đào tạo cho bộ môn nghệ thuật cải lương gần như bị xóa trắng suốt nhiều năm. Trong nhiều hội thảo của ngành sân khấu, các đạo diễn có tâm huyết với nghề như: NSND Huỳnh Nga, Diệp Lang, Thanh Tòng, Trần Ngọc Giàu; NSƯT Đoàn Bá, Hoa Hạ… từng báo động. Khủng hoảng thiếu đội ngũ là do đời sống sàn diễn cải lương bị thu hẹp. Thu nhập người làm nghề bấp bênh.
Yếu tố quan trọng hơn là lực lượng đạo diễn trẻ của sân khấu thiếu kiến thức cơ bản về nghệ thuật cải lương. Họ gần như “đồ” lại những bản dựng của thế hệ đạo diễn đi trước. Trong khi để hiểu cho đúng những niêm luật, cấu trúc dàn dựng một vở diễn cải lương rất cần sự cọ xát với nghề và sự đào tạo, dìu dắt của thế hệ đi trước để người trẻ lĩnh hội kinh nghiệm, từ đó phát huy ưu thế của từng người.
Một thời gian dài gần như chỉ có NSƯT Hữu Quốc, nghệ sĩ Quốc Kiệt, đạo diễn Lê Nguyên Đạt, Linh Trung “tả xung hữu đột” trên sàn tập, một số người lấy vốn nghề diễn viên như: NSƯT Kim Tử Long, Thanh Thanh Tâm, nghệ sĩ Vũ Luân… để dàn dựng vở diễn là chính. Ngay đạo diễn Vũ Minh từ sân khấu kịch lấn sân sang dàn dựng cải lương, anh cũng chỉ dừng lại ở 3 vở: Đả chiến phá sông Ngân, Câu thơ yên ngựa và Đào Tam Xuân. “Nếu không có thế hệ đạo diễn đi trước kèm cặp thì khó “chơi” với nghệ thuật cải lương vì đó là một sân chơi khắc nghiệt” - đạo diễn Vũ Minh thừa nhận. Anh cũng cho biết mình đã thọ giáo rất nhiều nghệ sĩ: NSND Thanh Tòng, NSƯT Thành Lộc, nghệ sĩ Trường Sơn, Bạch Lê, Thanh Bạch (em trai nghệ sĩ Bạch Mai)… mới tạo được dấu ấn cho chương trình Gìn vàng giữ ngọc.
Một thời sân khấu cải lương là nỗi ám ảnh đối với các đạo diễn trẻ bởi những vở tham dự hội diễn, liên hoan sân khấu chuyên nghiệp bị chế ngự mọi sáng tạo. “Nhiều đạo diễn trẻ muốn đem những khám phá, trải nghiệm mới vào cải lương nhưng bị hội đồng nghệ thuật của các đơn vị họ đang công tác chặn lại, bắt buộc phải tuân theo mình nên giết chết tài năng trong trứng nước. Do vậy mà hiếm có em chịu đi thi rồi năm này qua năm nọ, họ xem sàn diễn cải lương là thứ khó gần” - NSND - đạo diễn Huỳnh Nga phân tích. Đạo diễn - NSƯT Ca Lê Hồng, người đã từng dàn dựng thành công tác phẩm Thái hậu Dương Vân Nga cho Đoàn Cải lương Thanh Minh - Thanh Nga, nói: “Phải giải quyết khủng hoảng bằng chính sự cởi mở và cái nhìn thoáng hơn trong sáng tạo cho thế hệ đạo diễn trẻ”.
Niềm tin từ 2 phía
Sự kiện đạo diễn Quốc Kiệt dàn dựng kịch bản Tiếng vạc sành, đoạt huy chương bạc tại Liên hoan Sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012 đã tạo hứng khởi để anh gắn kết với sân khấu cải lương. Anh tiếp tục nhận được sự dìu dắt của nhiều đạo diễn bậc thầy để mang lại sức trẻ cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang qua các vở: Trái tim trong trắng, Đời như ý.
Nghệ sĩ Lê Trung Thảo, mạnh về biên đạo và vũ đạo sân khấu, đã theo học lớp đạo diễn và tham gia dàn dựng các vở: Đêm trước giờ hoàng đạo, Mùa thu trên Bạch Mã Sơn…; đạo diễn Bùi Quốc Bảo, từng thành công trên sân khấu kịch, nay bước sang lĩnh vực cải lương cũng đã tạo thêm dấu ấn mới cho vở Cõng mẹ đi chơi, đang công diễn tại rạp Thủ Đô.
NSND - đạo diễn Trần Ngọc Giàu phân tích: “Muốn thuyết phục thế hệ đạo diễn trẻ chịu lao vào nghề, chọn sàn diễn cải lương để dấn thân, điều cần nhất là phải tin họ. Trao cho họ chìa khóa sáng tạo, giúp họ phát huy hết những tiềm năng trong tư duy dàn dựng”.
Nhiều năm qua, NSƯT Hoa Hạ là người miệt mài bám các vở diễn phúc khảo với vai trò ủy viên Hội đồng Nghệ thuật Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch TP HCM (nay là Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM), đóng góp từng chi tiết để giúp các đạo diễn trẻ nhìn ra khuyết điểm và nâng cao ưu điểm. Để trao thêm niềm tin, theo đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ, các bạn trẻ cũng cần phải biết lắng nghe.
Việc làm cấp thiết
Để đạo diễn trẻ có điều kiện dung nạp những kiến thức trong việc dàn dựng cải lương của những thế hệ tiền bối, ông Võ Trọng Nam, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TP HCM, cho biết sở đã chấp thuận đề án tổ chức lớp tập huấn đạo diễn trẻ sân khấu cải lương của đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu (Giám đốc Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang). Theo đó, sẽ xúc tiến khóa học dài hạn cho 20 đạo diễn trẻ sân khấu có tâm huyết dàn dựng tác phẩm cải lương. Ngoài ra, đạo diễn - NSƯT Hoa Hạ đã triển khai việc bồi dưỡng một thế hệ đạo diễn trẻ có ý thức học hỏi kinh nghiệm dàn dựng cải lương và kịch nói tại Hội Sân khấu TP HCM nhằm tìm kiếm thêm nhiều tài năng trẻ cho việc dàn dựng những tác phẩm mới hướng đến công chúng. Được biết, khóa đào tạo này ngoài đạo diễn - NSND Trần Ngọc Giàu, còn nhiều “cây đa, cây đề” của sân khấu cải lương cùng tham gia giảng dạy. Việc làm này tuy có muộn nhưng cấp thiết cho chiến lược phát triển thành tựu các bộ môn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc, trong đó có nghệ thuật cải lương, đang cần những đạo diễn trẻ có tâm và nghề.
Bình luận (0)