xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Tìm kiếm tài năng hay tìm lợi nhuận?

Thùy Trang

Danh nghĩa dù có cao đẹp đến đâu thì game show cuối cùng chỉ là cuộc tìm kiếm lợi nhuận của các nhà sản xuất, xong việc đường ai nấy đi, mạnh ai nấy sống

Sự trở lại của ca - nhạc sĩ Thanh Bùi trong vai trò giám khảo chương trình "Thần đồng âm nhạc" (Wonder Kids - một chương trình truyền hình thực tế đến từ Đan Mạch) ít nhiều gây chú ý dư luận bởi anh từng phản đối gay gắt các chương trình truyền hình thực tế mang danh nghĩa tìm kiếm tài năng đã và đang diễn ra trên sóng truyền hình. Thậm chí trước đó, Thanh Bùi đã từ chối làm giám khảo nhiều chương trình game show truyền hình mang danh tìm kiếm tài năng khác nhau, sau chương trình Giọng hát Việt nhí duy nhất anh tham gia. Thanh Bùi không ngại nói rằng: "Các sô truyền hình thực tế không vì nghệ thuật mà vì kinh doanh. Khi đó, tất cả những lựa chọn cũng sẽ bị tác động, chi phối. Một sân chơi như thế không bao giờ lành mạnh và công bằng được".

Đường nào cũng về La Mã

Lý giải cho vị trí ghế nóng mới của mình, ca - nhạc sĩ Thanh Bùi cho biết: "Tôi chọn làm giám khảo của "Thần đồng âm nhạc" vì giá trị lồng ghép giữa tính giáo dục và tính giải trí của chương trình. Sau khi có con, tôi bắt đầu chú ý tìm những chương trình truyền hình có ý nghĩa giáo dục cho con xem nhưng xem ra có ít chương trình như vậy. Do đó, tôi muốn góp phần tạo thêm món ăn tinh thần cho thế hệ tương lai".

Chia sẻ của Thanh Bùi có phần thuận tai khi "Thần đồng âm nhạc" là chương trình game show duy nhất giải thưởng không bằng tiền mặt, thay vào đó là một kỳ học bổng tham gia chương trình mùa hè quốc tế tại Trường Âm nhạc nổi tiếng Berklee, Mỹ; 1 hợp đồng quản lý tài năng; MV (music video) - sản phẩm âm nhạc đầu tay; bộ nhạc cụ cao cấp. Đối tượng tham gia cuộc tranh tài dành cho các bạn trẻ từ 9 đến 13 tuổi, có tài năng hát, múa, trình diễn nhạc cụ…

Tìm kiếm tài năng hay tìm lợi nhuận? - Ảnh 1.

Từng giành ngôi vị quán quân "Giọng hát Việt" được huấn luyện viên Mỹ Tâm ca ngợi là một tài năng, Đức Phúc gần như "mất tích" sau khi chương trình kết thúc.(Ảnh do chương trình cung cấp)

Với 11 tuần diễn ra cuộc tranh tài, chung quy "Thần đồng âm nhạc" cũng chỉ là một trong hàng loạt game show mang danh tìm kiếm tài năng đang diễn ra lâu nay. Mẫu chung của tất cả chương trình này là hành trình tuyển sinh, huấn luyện vội vàng chủ yếu để ghi hình phát sóng với dàn huấn luyện viên đủ "hot" nhằm thu hút công chúng. Xong việc đường ai nấy đi, mạnh ai nấy sống.

Không chỉ xuất hiện trên sóng truyền hình, game show mang danh tìm kiếm tài năng còn lên cả YouTube. Mạng xã hội video YourTV vừa công bố cuộc thi tìm kiếm tài năng Việt Nam - "Vietnam’s Talent tour" dành cho thí sinh từ 5 đến 40 tuổi. Chủ đề tuyển chọn diễn ra ở tất cả lĩnh vực từ ca hát, nhảy múa đến diễn xuất ảo thuật, thậm chí là thể thao.

Thực tế cho thấy chất lượng thí sinh của các cuộc thi mang danh tìm kiếm tài năng càng ngày càng thấp, thậm chí có chương trình muốn "đóng cửa" nhưng vẫn không thiếu chương trình mang danh tìm kiếm tài năng mới ra đời. Điều này hoàn toàn dễ hiểu khi không có lý do gì các đơn vị sản xuất lại bỏ qua cơ hội giúp họ hái ra tiền bởi những chương trình này vẫn còn sức hút đối với công chúng. Đặc biệt, các chương trình dành cho thí sinh thiếu nhi hiện nay ăn khách hơn cả những chương trình có thí sinh người lớn. Sự tồn tại của các chương trình truyền hình thực tế mang danh tìm kiếm tài năng hiện nay nên hiểu đó chỉ đơn thuần là phi vụ kinh doanh của các công ty, nhà đài và nhà tài trợ quảng cáo không hơn không kém.

Gánh nặng "tài năng"

"Thần đồng âm nhạc" được giới chuyên môn háo hức đón đợi vì "chương trình này mang tính thúc đẩy, quảng bá rộng rãi hơn âm nhạc cổ điển đến với công chúng" - nhạc trưởng Trần Nhật Minh nhận định. Nhưng "ngay quán quân của những cuộc thi về âm nhạc cổ điển lớn như Tchaikovsky, Van Cliburn… còn không ảnh hưởng được gì thì nói chi đến một chương trình dành cho đối tượng đại chúng" - như nhận định của nhiều người trong giới chuyên môn. "Đó đơn giản là một cuộc chơi mà thí sinh có cơ hội tiếp xúc, biểu diễn nhiều thể loại âm nhạc khác nhau dựa trên nền tảng âm nhạc cổ điển (hoặc bán cổ điển) thông qua chủ đề từng tập thi. Chỉ thế thôi" - một nghệ sĩ nhạc cổ điển tên tuổi cho hay.

Rút cuộc, các chương trình chỉ mang danh tìm kiếm tài năng còn bản chất vẫn là sô diễn để giải trí mua vui, xong sô, rồi việc, đường ai nấy đi, việc ai nấy làm, nhà sản xuất bận rộn cho hành trình mùa game show mới, chẳng còn màng đến "tài năng" mình vừa tìm kiếm được. Còn các "tài năng" sau hào quang được chương trình và truyền thông ban tặng, họ loay hoay không biết chọn đường đi của mình. Những quán quân của các cuộc thi, vì thế, đa phần đều rơi vào im lặng và bế tắc.

Tìm kiếm tài năng hay tìm lợi nhuận? - Ảnh 2.

YaSuy- Quán quân của Vietnam Idol gần như biến mất.

Suy cho cùng, game show dù nấp dưới danh nghĩa nào thì chỉ có một mục đích là kiếm tiền nên khi "đặt gánh nặng tài năng lên vai một người chẳng phải tài năng sẽ khiến họ đuối sức, ngã quỵ. Bởi đó là những thí sinh nổi bật trong một game show nhưng để gọi là tài năng thì cần có quá trình tôi luyện" - nhạc sĩ Quốc An khẳng định. 


Nhanh chóng bị quên lãng

Tính đến lúc này, không đếm hết các quán quân của những chương trình mang danh tìm kiếm tài năng: "Vietnam Idol", "Thần tượng âm nhạc nhí", "Tìm kiếm tài năng Việt - Vietnam’s got talent", "Giọng hát Việt", "Giọng hát Việt nhí", "Nhân tố bí ẩn",… Có nhiều quán quân không thật thuyết phục nhưng cũng có vài gương mặt xứng đáng được gọi là "tài năng". Dù ở dạng nào thì sau các cuộc thi, đa phần quán quân gần như biến mất. Quốc Thiên (quán quân cuộc thi Vietnam Idol 2009) cũng thừa nhận: "Tôi loay hoay với chính con đường mình chọn. Tôi chẳng biết làm gì dù từng ngất ngây trong ngôi vị quán quân". Đây cũng là câu chuyện của Yasuy, Nhật Thủy (Vietnam Idol), Vũ Thảo My, Đức Phúc, Ali Hoàng Dương (Giọng hát Việt), Minh Như (X Factor - Nhân tố bí ẩn)… sau khi họ được phong cho danh hiệu "tài năng" bằng vị trí quán quân.

Số phận của các quán quân - "tài năng" nhí cũng chẳng khá hơn sau câu chuyện đổi đời của cậu bé nghèo đi hát đám cưới Hồ Văn Cường sau khi đăng quang "Thần tượng âm nhạc nhí", hay bé Phương Mỹ Chi xây nhà lầu cho cha mẹ, sau cuộc thi "Giọng hát Việt nhí"… được truyền thông tô vẽ. Các em cũng nhanh chóng bị quên lãng khi khán giả dành thời gian quan tâm tới những câu chuyện mới đang diễn ra trong hàng chục game show.

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo