. Phóng viên: Ông đang viết tiếp Hồi ký sau khi đã trích đăng một số đoạn trong Tuyển tập?
- Nhà văn Hoàng Lại Giang: Không. Tôi đang viết truyện danh nhân.
. Ông đã viết truyện danh nhân Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký. Lần này ông chọn viết danh nhân cổ xưa nào?
- Lần này tôi viết một nhân vật rất hiện đại, đó là ông Sáu Dân.
. Ông có ý tưởng này từ khi nào?
- Không phải từ ngày ông Sáu Dân mất đâu mà trước đó 6 năm. Tôi đã nhiều lần gặp gỡ ông Sáu Dân, nghe ông kể chuyện và cho xem những tư liệu để tôi có thể viết chính xác. Tôi cũng đã đưa cho ông Sáu Dân đọc một số chương để ông góp ý. Tôi hy vọng cuốn sách sẽ ra mắt bạn đọc nhân ngày giỗ đầu của ông.
. Giáo sư Đinh Xuân Lâm đã góp ý truyện danh nhân Trương Vĩnh Ký: “Giá như sách... lược bớt những chú thích quá chi tiết cuối trang để giảm tính chất nghiên cứu và tăng tính văn học lên cho sách thì nhất định sự tiếp nhận của bạn đọc sẽ còn thuận lợi hơn nhiều”. Ông có làm theo góp ý đó cho truyện danh nhân đang viết?
- Tôi nghĩ nếu mình có những tư liệu quan trọng thì nên đưa vào sách và chú thích rõ ràng. Đó là cách để bạn đọc tin tưởng vào sự thật mà nhà văn muốn viết.
. Từ năm 1977 đến 1998, ông là trưởng chi nhánh NXB Văn học tại TPHCM. Ông có đề nghị những bản thảo nào mà giám đốc NXB không đồng ý in?
- Có hai bản thảo. Đó là Hồi ký của Trần Độ, sau đó đã in ở nước ngoài. Nhớ lại, hồi ký của Đào Xuân Quí, sau đó NXB Văn hóa đã in.
...và Tuyển tập mới in |
. Còn tác phẩm của các nhà văn trẻ, ông có đề nghị để được xuất bản?
- Rất nhiều nhà văn trẻ đã được NXB Văn học in sách và nay họ đã thành danh. Riêng tôi rất ấn tượng với Nguyễn Tôn Nhan, anh là một dịch giả chữ Hán tài hoa. NXB Văn học đã in những tác phẩm dịch đầu tiên của anh về văn học cổ điển Trung Quốc.
. Ông nghĩ gì về ngành xuất bản hiện nay?
- Các NXB đều phải bươn chải để sống. Họ cố tìm những sách bán chạy để in, thiếu một định hướng rõ ràng cho mỗi NXB.
. Năm 1992, ông đã gặp rắc rối khi quyết định in tác phẩm Chân dung nhà văn của nhà thơ Xuân Sách. Tác phẩm đã bị thu hồi. Nay nhà thơ Xuân Sách đã mất, ông có nghĩ tác phẩm đó sẽ được in lại?
- Khi Chân dung nhà văn được phát hành, phản đối gay gắt nhất là một số nhà văn được đề cập trong đó. Nay số nhà văn đó cũng đã mất gần hết. Nhà văn VN chưa quen với chân dung biếm họa hay thơ biếm. Ở nước ngoài đấy là chuyện bình thường. Nhưng dần dần nhà văn VN phải làm quen thôi. Khi ấy Chân dung nhà văn được in lại cũng là chuyện bình thường.
. Ông cùng các bạn vừa tuyển chọn in bộ sách 10 cuốn Văn xuôi lãng mạn VN 1887-2000 (NXB Tổng hợp TPHCM và NXB Văn hóa Sài Gòn). Ông đã chọn tác phẩm theo tiêu chí nào?
- Chúng tôi chọn những tác phẩm lãng mạn tiêu biểu do nhà văn VN viết. Có những tác phẩm đã in ở Sài Gòn trước năm 1975 và in ở hải ngoại sau năm 1975. Tôi tiếc đã thiếu tiểu thuyết Vòng tay học trò của Nguyễn Thị Hoàng, tác phẩm gây xôn xao một thời ở Sài Gòn trước năm 1975.
. Ông đã viết những tiểu thuyết: Ký ức tình yêu (1988), Tình yêu và tội lỗi (1988), Nỗi bất hạnh tình yêu (1989). Tại sao ở thời điểm đời sống đang khó khăn đó, ông lại viết nhiều về tình yêu?
- Trong chiến tranh, tôi thấy phụ nữ VN đã phải hy sinh nhiều cho chồng. Sau chiến tranh họ lại chịu nhiều thiệt thòi vì sự thay đổi của người chồng. Tôi viết về tình yêu của họ như muốn chia sẻ một phần nỗi khổ đau thầm kín của họ.
. Trong truyện vừa Người đàn bà tôi ao ước, ông viết: “Ở tuổi 40, tôi mới nhận ra một điều giản dị: Người phụ nữ nào cũng vậy, họ chỉ yêu có một lần, đấy là mối tình đầu của họ, những cuộc tình duyên thứ hai, thứ ba chỉ là sự chắp vá, một sự buông thả theo số phận”. Bây giờ ở tuổi 70, ông còn giữ ý kiến đó?
- Vẫn giữ ý kiến như vậy.
. Trong cuộc sống ông sợ nhất điều gì?
- Người có chuyên môn và trình độ bị người không có chuyên môn và trình độ lãnh đạo. Bi kịch sẽ nảy sinh.
. Xin cảm ơn ông.
Bình luận (0)