Tạo hình của các nghệ sĩ trong vở Mai Hắc Đế
Chia sẻ với báo chí tại buổi họp báo ra mắt vở cải lương Mai Hắc Đế chiều 22-1, tác giả Nguyễn Thế Kỷ cho hay Mai Hắc Đế là một đề tài mà ông đã ấp ủ từ lâu. Đặc biệt, sau cuộc hội thảo khoa học kỷ niệm 1.300 năm khởi nghĩa Hoan Châu do Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và UBND tỉnh Nghệ An tổ chức năm 2013, ý định hoàn thành một tác phẩm văn học kịch phản ánh hình tượng người anh hùng áo vải Mai Thúc Loan lại hối thúc trong ông hơn bao giờ hết.
“Anh hùng Mai Thúc Loan - Mai Hắc Đế cách chúng ta quãng thời gian hơn 1.300 năm. Lịch sử viết về ông không nhiều và cũng không đầy đủ nhưng chúng ta đều rõ ông đã nêu tấm gương sáng ngời về lòng yêu nước, ý chí độc lập, tự do, tự cường, tự tôn dân tộc. Những trang sử hào hùng ấy cần được giới thiệu rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân Việt Nam, để chúng ta thêm tự hào về truyền thống 4 nghìn năm chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Tôi hy vọng các nghệ sĩ sẽ thổi hồn của mình vào tác phẩm để từ đó làm cho vở diễn thành công” - ông Nguyễn Thế Kỷ tâm sự.
Gần 140 nghệ sĩ, nhạc công, vũ công, võ sinh, kỹ sư, công nhân kỹ thuật đã tham gia vở diễn này. Ê kíp thực hiện hiện Mai Hắc Đế đều là những nghệ sĩ - diễn viên tên tuổi như tác giả chuyển thể Hoàng Song Việt - cây bút có bề dày nghề nghiệp và rất uy tín, Trọng Đài - nhạc sĩ gạo cội của nền âm nhạc Việt Nam hiện đại, họa sĩ thiết kế mỹ thuật sân khấu Doãn Bằng, biên đạo múa Tuyết Minh, đặc biệt là các diễn viên tài năng của Nhà hát Cải lương Việt Nam…
Dàn diễn viên tài năng của Mai Hắc Đế
Mai Hắc Đế cũng là một trong những vở diễn có kinh phí lớn nhất của sân khấu cải lương phía Bắc với số tiền chi cho dàn dựng và thực hiện phần công diễn đầu tiên tại Hà Nội và Nghệ An ước tính khoảng 3 tỉ đồng.
Đạo diễn Triệu Trung Kiên cho hay dù đã từng dàn dựng thành công nhiều vở diễn đề tài lịch sử, nhưng Mai Hắc Đế với anh vẫn là một thử thách lớn. “Để vở diễn đến được với đông đảo khán giả, tác giả Nguyễn Thế Kỷ đã đưa tôi đến gặp gỡ các nhà sử học, các nhà ngôn ngữ học… để đảm bảo các dữ liệu lịch sử, phong tục tập quán cũng như ngôn từ sinh hoạt trong vở diễn sẽ được sử dụng chuẩn xác nhất” - đạo diễn Triệu Trung Kiên cho biết.
Để tránh đi vào lối mòn, Mai Hắc Đế được đạo diễn này được xây dựng trên quan điểm hư cấu nghệ thuật không thoát ly sự thật lịch sử, dung dị, sâu sắc, lay động lòng người, hiệu quả thị giác và thẩm mỹ cao. “Với sự hỗ trợ của nhiều trang thiết bị hiện đại, vở diễn hứa hẹn đem đến một không gian sân khấu linh hoạt hơn, hùng vĩ hơn, tráng lệ hơn và hấp dẫn hơn cách thức trình diễn của những vở cải lương thông thường.
Tối 27-1, vở Mai Hắc Đế chính thức ra mắt khán giả Hà Nội, sau đó sẽ đến với khán giả Nghệ An
Tham gia vở diễn có các nghệ sĩ Quang Khải (vai Mai Thúc Loan), Dạ Hương (vai Mai Thị - mẹ Mai Thúc Loan), Minh Lý (vai Ngọc Tô - vợ Mai Thúc Loan), Hoàng Tùng (vai Đinh Thế - bố vợ Mai Thúc Loan), Ngân Quỳnh (vai Mai Thị Cầu - con gái đầu lòng của Mai Thúc Loan)...
Sau khi công diễn tại Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội) từ 27 đến 29-1, vở cải lương Mai Hắc Đế dự kiến sẽ biểu diễn tại lễ hội Đền thờ Vua Mai tại Nam Đàn, Nghệ An vào giữa tháng Giêng Ất Mùi sắp tới.
Bình luận (0)