1 - “Từ điển thành ngữ - tục ngữ - điển tích Việt Nam” (nhóm biên soạn Lê Văn Đức - hiệu đính Lê Ngọc Trụ): “Trốn việc quan đi ở chùa Tìm cách tránh làm phận sự”.
2 - “Từ điển tục ngữ Việt” (Nguyễn Đức Dương): “Trốn việc quan đi ở chùa (Đừng) trốn những việc mà mọi viên quan lẽ ra phải cáng đáng để) lên chùa đi tu. Hay dùng để khuyên mọi người chớ có né tránh những công việc thuộc bổn phận của chính mình để được an nhàn”.
3 - “Từ điển thành ngữ và tục ngữ Việt Nam” (Vũ Dung - Vũ Thúy Anh - Vũ Quang Hào): “Trốn việc quan đi ở chùa (người xưa bất đắc chí thường ẩn dật hoặc đi tu để trốn tránh việc làm quan). Tìm cách trốn tránh, thoái thác trách nhiệm của mình”.
Theo chúng tôi, các nhà biên soạn từ điển đã hiểu lầm hai chữ “việc quan” với nghĩa việc nhà nước mà ông quan phải đảm trách. Thực tế không có chuyện vì không muốn ra làm quan, mà ông quan nào đó phải trốn vào chùa để đi tu. “Việc quan” chính là một trong những “việc” nặng nhọc, khốn khổ của anh lính thú trong bài ca dao: “Ba năm trấn thủ lưu đồn/Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan/Chém tre, đẵn gỗ trên ngàn/Hữu thân, hữu khổ phàn nàn cùng ai!”. Theo đây, dân gian phê phán những kẻ chỉ mang danh tu hành hoặc nương nhờ, lánh vào cửa Phật để “trốn việc quan” (như phu phen, tạp dịch, thuế má, lính tráng, thậm chí trốn trọng tội đã vi phạm ngoài đời... nói chung).
Xét thực tế lịch sử, năm 1695, nhà sư Trung Quốc Thích Đại Sán đến Đàng Trong theo lời mời của chúa Nguyễn Phúc Chu. Trong “Hải ngoại kỷ sự”, Thích Đại Sán đã chép về việc bắt lính, cũng như tình hình Phật pháp dưới thời chúa Nguyễn như sau: “Mỗi năm vào khoảng tháng ba, tháng tư, quân nhân ra các làng, bắt dân từ 16 tuổi trở lên thể chất cường tráng đều bắt sung quân, xiềng cổ bằng một cái gông bằng tre, hình như cái thang nhưng hẹp hơn... chưa đến 60 tuổi chưa cho về làng cùng cha mẹ vợ con, hằng năm, thân nhân đem áo quần vật thực đến thăm mà thôi. Vì thế, dân còn lại đều ốm yếu tàn tật... Cha mẹ sợ con bị bắt lính, con lớn tuổi liền cho đi ở chùa, may ra được khỏi. Vì cớ ấy tăng đồ rất đông nhưng Phật pháp cũng do đó sinh ra hỗn loạn, chẳng những thiền tông tuyệt nhiên không đếm xỉa, cho đến các việc “luật”, “luận”, cũng buông trôi chẳng chút quan tâm, đến nỗi những phường áo tràng mão ni, nết xấu tật hư còn quá dân quê nơi làng mạc”. Đáng chú ý, cũng đoạn này nhưng trong sách “Xứ Đàng Trong” (NXB Trẻ, 2014), tác giả người Nhật Bản Li Tana đưa ra bản dịch rõ ràng hơn: “Cha mẹ sợ con sớm phải đi lính, vừa lớn lên tức cho vào chùa làm sãi, hầu mong trốn tránh việc quan...” (HTC nhấn mạnh).
Như vậy, “việc quan” trong “Trốn việc quan đi ở chùa” phải hiểu theo nghĩa 2, mà “Việt Nam tự điển” (Lê Văn Đức) đã giảng chứ không phải nghĩa 1 (như các nhà biên soạn từ điển đã nhầm lẫn). Hiểu rộng hơn, “trốn việc quan” còn chỉ những kẻ không có “căn tu” mà chỉ lợi dụng Phật pháp, tín ngưỡng, biến thiền môn thành chốn dung thân. Trong “Việt Nam phong tục”, Phan Kế Bính đã chỉ thẳng: “Vả lại, chỗ Phật đường, phần người chân tu thì ít, mà phần người trốn chúa, lộn chồng, ăn bơ làm biếng, trốn sâu lậu thuế, mượn cửa bồ đề mà nương thân thì nhiều. Ấy lại là một cái hang để chứa kẻ bậy bạ nữa”.
Bình luận (0)