Bộ phim "Sắc đẹp ngàn cân" phiên bản Việt vừa ra rạp hôm 4-8 đang trở thành phim ăn khách bởi được làm lại từ "200 Pounds Beauty"- phim nổi tiếng của Hàn Quốc ra mắt vào năm 2006, khi chiếu tại Việt Nam có tên tiếng Việt là "Sắc đẹp ngàn cân".
Rập khuôn
Có thể với khán giả chưa xem "200 Pounds Beauty", "Sắc đẹp ngàn cân" phiên bản Việt là bộ phim khá tròn trịa, thậm chí được khen hay nhưng với khán giả quá rành nguyên tác, "Sắc đẹp ngàn cân" phiên bản Việt là một tác phẩm làm vội, chưa hay.
Tạo hình trước và sau giải phẫu thẩm mỹ của Minh Hằng trong vai ca sĩ Hà My. (Ảnh cắt từ poster phim)
"Sắc đẹp ngàn cân" phiên bản Việt kể về Hà My (Minh Hằng đóng) - cô nàng béo ú nhưng có giọng hát ngọt ngào. Do thiếu nhan sắc nên cô không thể tỏa sáng trên sân khấu mà chỉ có thể đứng ở hậu trường hát thay giọng cho Jolie xinh đẹp, gợi cảm, dĩ nhiên là… giọng hát dở tệ. Hà My quyết định phẫu thuật để tự tin bước ra ánh sáng, chinh phục trái tim chàng trai mà cô thầm yêu, lấy lại những gì phải thuộc về mình… Nếu chưa từng xem bản gốc, câu chuyện mà khán giả được thấy trong "Sắc đẹp ngàn cân" quả là hấp dẫn, một kịch bản tuyệt vời. Đối với điện ảnh Việt Nam đang trong thời kỳ thiếu kịch bản hay như hiện nay, chỉ cần trung thành với đường dây câu chuyện trong kịch bản gốc, đạo diễn và ê-kíp làm phim cũng đã đủ tạo tác một phim mới có khả năng chinh phục người xem.
Phim làm lại phải dựa trên nền kịch bản gốc là điều chắc chắn nhưng làm theo kiểu "scene by scene", tức bê nguyên xi từng phân cảnh, lời thoại từ bản gốc, chẳng khác nào đổi diễn viên Hàn thành diễn viên Việt mà diễn xuất không bằng thì không còn gì hứng thú để xem.
Dù là khán giả điện ảnh Việt đơn thuần hay khán giả trung thành với nguyên tác phim Hàn, ai cũng đều muốn tìm thấy sự sáng tạo trong các tác phẩm điện ảnh làm lại này. "Người phán xử", bộ phim remake từ bản gốc của Israel, trở nên hấp dẫn hơn khi kịch bản được chỉnh sửa, Việt hóa 50% cho phù hợp với người Việt. Lời thoại phải viết lại khá nhiều cho phù hợp cách nói và suy nghĩ của người Việt, văn hóa Việt Nam. Một số câu thoại được sáng tạo riêng và khác biệt hoàn toàn với cách đối thoại của kịch bản gốc. Nhà sản xuất "Người phán xử" cho biết họ mất một năm để chỉnh sửa kịch bản. Đây là kết quả của quá trình trao đổi rất kỹ với đơn vị nắm bản quyền để tạo nên một bộ phim hấp dẫn, phù hợp người xem phim trong nước. Bộ phim "Sống chung với mẹ chồng" làm dậy sóng màn ảnh nhỏ thời gian qua cũng được chuyển thể sáng tạo từ tiểu thuyết "Phù thủy dưới đáy biển" của tác giả Giả Hiểu (Trung Quốc), biên kịch Đặng Thiếu Ngân đã có nhiều thay đổi về nội dung câu chuyện cho phù hợp với đời sống, văn hóa của xã hội Việt Nam hiện đại.
Thật khó để đòi hỏi sự xuất sắc trong diễn xuất của diễn viên Việt so với bản gốc nhưng công chúng vẫn cần nét diễn đậm bản sắc của diễn viên khi hóa thân các nhân vật. Một khi mọi thứ được dàn dựng quá rập khuôn, sự so sánh của công chúng là điều không tránh khỏi. Điều này gây thiệt thòi cho diễn viên Việt bởi họ phải cố diễn để không thua kém hay ít nhất là giống với bản gốc nên đánh mất bản sắc diễn xuất vốn có của mình.
Dù không thoát được cách làm bê nguyên mẫu nhưng ít nhất diễn xuất của Miu Lê hay Ngô Kiến Huy trong "Em là bà nội của anh" khá thành công vì đang diễn vai diễn của chính họ. Minh Hằng là diễn viên "nặng ký" của điện ảnh Việt nhưng trong "Sắc đẹp ngàn cân", cô đang thể hiện nhân vật bằng lối diễn rập khuôn người khác (diễn viên Hàn) nên đôi chỗ đã không đạt. Điều đó thật đáng tiếc bởi Minh Hằng vốn có lối diễn rất riêng, đáng yêu mà đạo diễn "Sắc đẹp ngàn cân" chưa khai thác được.
Bê nguyên xi nhạc Hàn
Âm nhạc luôn là yếu tố quan trọng cho phim trong việc làm thăng hoa cảm xúc người xem. Ở "Sắc đẹp ngàn cân", âm nhạc là điểm yếu nhất. Ca khúc đinh "Ngôi sao cô đơn", một bản ballad tình cảm trong bộ phim "200 Pounds Beauty" của Hàn Quốc, được Tray Nguyễn viết lời Việt, từ bản Byul của Kim Ah Joong, cho Minh Hằng thể hiện không đủ sức thuyết phục người xem khi nó chiếm lĩnh vị trí đầu bảng xếp hạng như trong phim. Vì vướng vấn đề bản quyền, phần âm nhạc đã phải thay thế vào phút cuối nên âm nhạc trong phim không hay. Ca khúc "Muốn có anh" không thể đối trọng với "Maria" của bản gốc và càng không tạo nên hiệu ứng bùng nổ cảm xúc ở người nghe, điều giúp nhân vật chính vươn lên tầm ngôi sao như trong phim.
Điều này cho thấy sự "non nghề" của đạo diễn khi quá phụ thuộc vào bản gốc. Nếu ngay từ đầu, bài toán được giải theo cách riêng của đạo diễn thì có lẽ âm nhạc trong "Sắc đẹp ngàn cân" phiên bản Việt đã xuất sắc hơn. Như cách mà đạo diễn phim "Em là bà nội của anh" đã chọn trước đây, những ca khúc "Diễm xưa", "Còn tuổi nào cho em" của Trịnh Công Sơn… trở nên tuyệt vời và đặc biệt góp phần đẩy cảm xúc khán giả dâng trào bởi sự thân thương, quen thuộc, gần gũi của ca khúc và nhất là hợp với nội dung câu chuyện phim đang kể. Rõ ràng, yếu tố sáng tạo chính là chìa khóa cho thành công của mọi tác phẩm dù nó là tác phẩm mới hay remake.
"Sao chụp" khó được hoan nghênh
Làm lại từ phim ăn khách của Hàn Quốc lại ra mắt đúng thời điểm báo chí rộ lên câu chuyện quán quân Giọng hát Việt 2016 Đức Phúc "đập mặt xây lại" cùng với tên tuổi ăn khách của diễn viên tham gia diễn xuất (từ chính đến phụ): Minh Hằng, Rocker Nguyễn, Jolie Phương Trinh… nên khả năng phim đạt doanh thu cao là điều giới phát hành dự báo.
Trước đó, điện ảnh Việt cũng từng chứng kiến sự thành công ngoài mong đợi của bộ phim Việt hóa bản quyền phim "Miss Granny" của Hàn Quốc là "Em là bà nội của anh", đạt doanh thu kỷ lục 102 tỉ đồng. Thành công này đã tạo nên xu hướng tìm mua bản quyền phim nước ngoài làm lại của điện ảnh Việt Nam. Sắp tới, bộ phim "Mối tình đầu của tôi", phiên bản Việt của bộ phim Hàn Quốc đình đám một thời "She was pretty", và rất nhiều bộ phim làm lại phim ăn khách của nước ngoài sẽ ra mắt khán giả. Tuy nhiên, nếu giữ cách làm rập khuôn, các phim làm lại sẽ khó được công chúng hoan nghênh.
Bình luận (0)