* Phóng viên: Không nhà tài trợ, phải bỏ tiền túi hoàn toàn. Thực lòng mà nói không phải nghệ sĩ nào cũng chịu đầu tư cho âm nhạc như Tùng Dương. Lần xuất ngoại này có ý nghĩa thế nào với anh? Mang nhạc Việt ra nước ngoài chỉ để giao lưu văn hóa, hay là nỗ lực tìm đường ra thế giới sau những thất bại của người đi trước?
- Ca sĩ Tùng Dương: Tôi chỉ mang tâm thế một nghệ sĩ Việt có cơ hội giới thiệu mình chứ không nghĩ mang được nhạc Việt ra nước ngoài, đặc biệt là châu Âu, nơi world music và jazz rất phát triển. Tôi rất hiểu là xâm nhập vào thị trường âm nhạc của họ vô cùng khó, nếu muốn âm nhạc của mình len lỏi vào châu Âu thì mình phải “nhập gia tùy tục”, phải đi vào đời sống của họ, hòa tan vào họ.
Nhưng Hương Thanh, Nguyên Lê đã từng thành công trên đất Pháp thì tại sao mình lại không thử cơ hội của mình?
* Hình như anh khá kỳ vọng khi là người mở hàng xuất ngoại trong năm mới?
- Khi đã hiểu rõ tính hai mặt khi xâm nhập vào thị trường mới, thành công hay thất bại tôi đều chấp nhận. Tôi đã nói, mục tiêu của tôi không cao xa, luôn với tâm thế chỉ là giới thiệu. Quan điểm của tôi là có cơ hội thì cứ tận dụng, còn có đi được xa hay không còn do sức mình.
* Dự cảm của anh thế nào?
- Tôi được ông trời cho giác quan nhạy bén có thể tiên đoán được cuộc đời mình sẽ đến đâu. Tôi không có được ê kíp để chuẩn bị cho mình những đường đi nước bước mà chính bản thân mình phải tự chọn cho mình con đường sẽ qua. Tết là thời gian nghỉ xả hơi, nhưng cũng là thời gian tôi đưa ra những kế hoạch cho mình một cách khoa học bởi không thể làm việc một cách cảm tính.
* Anh có thấy mình giống “một gã liều” khi đầu tư tiền của mang Độc đạo xuất ngoại?
- Mỗi người có một đam mê. Có những người đam mê hàng hiệu, tôi thì không thế, tôi đam mê và đầu tư cho âm nhạc. Tất cả nghệ sĩ đều phải có sự hi sinh, và hi sinh cho sự nghiệp của mình là một sứ mệnh.
Ở đây tôi không đặt nặng vấn đề lợi nhuận. Sự đầu tư cả công sức lẫn tiền bạc cho đêm diễn chính là sự cống hiến cho nghệ thuật dù cho nhiều người có gọi đó là hành động liều lĩnh. Tôi muốn trở thành một nghệ sĩ độc lập, bước trên bước đường riêng, nay đây mai đó tự do thể hiện cá tính, bản sắc của mình.
* Bạn gái, người sẽ gắn bó và đi chung với anh trên cả chặng đường dài có chung quan điểm này?
- Yêu Tùng Dương thì phải yêu tiếng hát, sự nghiệp và ủng hộ toàn toàn sự nghiệp của tôi. Đến thời điểm này, tôi chưa có những áp lực nặng nề phải đè lên vai về cơm áo gạo tiền, nếu phải lo những thứ đó có khi tôi sẽ trở thành một người thợ hát.
Tôi thích tạo những giá trị bằng đôi chân mình mà không dựa vào ai. Cuộc sống như vậy mới thú vị. Tình yêu mà dính đến tiền nong có khi lại hỏng việc. Tất cả các sản phẩm âm nhạc tôi đều thực hiện với các nhà đầu tư, không phụ thuộc vào người yêu mình. Quan trọng nhất là sự chia sẻ tinh thần.
* Quay trở về Độc đạo, với tâm thế “giới thiệu mình”, hẳn giá vé chương trình cũng chỉ mang tính chất “giới thiệu”?
- Khán giả của Độc đạo một nửa là người Việt, một nửa là khán giả quốc tế, và giá vé chúng tôi dự kiến cho đêm diễn ngày 2-3 khoảng 30 euro. Chương trình diễn ra tại nhà hát Adyar, một nhà hát cổ kính sang trọng nằm ngay dưới chân tháp Eiffel, nơi đã đón tiếp nhiều nghệ sĩ nổi tiếng thế giới. Giúp đỡ tôi và Nguyên Lê trong đêm nhạc này là nhóm S.O.F của Nguyên Lê, ca sĩ gốc Senegal Julia Sarr và đặc biệt ca sĩ Hương Thanh (chị ruột ca sĩ Hương Lan - PV), người đã cùng Nguyên Lê tạo nên cặp bài trùng vô cùng đặc sắc dành cho world music Việt ở nước ngoài trong vai trò một người hát dòng nhạc dân gian Việt Nam. Tôi cũng mời anh Nguyễn Công Phương Nam, nhà sản xuất album Liti, bay từ Đức sang Pháp tham gia đêm nhạc của mình. Sau Pháp, dự kiến chúng tôi sẽ có 2 đêm diễn tại Tokyo và Osaka, Nhật Bản vào cuối tháng 4 này.
* Trên con đường Độc đạo không hẳn đã dễ nghe, nếu khán giả yêu cầu hát nhạc xưa, Tùng Dương có đáp ứng?
- Có những người cực đoan với nhạc xưa, nhưng với Dương âm nhạc là cảm xúc con người, quan trọng là nó vang lên đúng thời điểm. Sau khi làm Độc đạo, biết đâu sẽ lại có một Tùng Dương hát nhạc xưa, tất nhiên, mình sẽ khai thác nó theo cách của mình. Không nên phê phán, quan trọng là mình sẽ cảm nhận nó như thế nào.
Bình luận (0)