Cách đây 65 năm, Bác Hồ gửi thư cho giới mỹ thuật Việt Nam với định hướng: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sĩ trên mặt trận ấy”. Theo nhà văn Trần Văn Tuấn, Chủ tịch Hội Nhà văn TP HCM, trong bối cảnh hội nhập văn hóa hiện nay, văn hóa dân tộc cần được bảo tồn và phát huy. Bên cạnh đó, xã hội cũng nảy sinh những vấn đề gai góc, đòi hỏi nghệ sĩ phải dấn thân, không thể làm ngơ, lãnh đạm trước sự lộng hành của cái xấu, cái ác. Trên mặt trận ấy, người nghệ sĩ cũng như một chiến sĩ thuyết phục công chúng đến với cái đẹp, xa rời cái xấu.
Tranh “Sài Gòn - thợ đường dây” đoạt giải khuyến khích Giải thưởng Văn học nghệ thuật TP HCM lần thứ nhất (2006-2011) của họa sĩ Ngô Đồng
Nhà văn Trầm Hương cho biết làm nhà văn chiến sĩ thời nay không dễ bởi mọi thứ đấu tranh đều phải “đúng quy trình”. Biết bao câu hỏi còn bỏ ngỏ, chưa thể, chưa dám chạm đến. Những nhà văn trẻ bây giờ trốn mình trong truyện ngôn tình, thiên di để thu hút bạn đọc. “Văn chương cần đồng hành với nhân dân, chạm đến trái tim con người từ những vấn đề cốt lõi. Hơn lúc nào hết, độc giả cần có những trang viết đồng hành với mối an nguy, trăn trở của dân tộc” - nhà văn Trầm Hương bày tỏ.
Theo nhạc sĩ Võ Công Phước, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP HCM, VHNT phải bắt nguồn từ cuộc sống, đồng hành và phát triển theo lịch sử loài người, nên phải góp phần thúc đẩy và điểm tô cho cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Không thể có loại VHNT tách rời thực tiễn mà làm rung động hồn người được. Là phần nhạy cảm của đời sống tinh thần, VHNT có tác động lớn lao đến tâm lý, tình cảm của con người. Trong tình hình phát triển văn hóa hiện nay, sản phẩm nghệ thuật bị thai nghén vội vã, hời hợt rồi tung ra thị trường cốt lãnh thù lao theo đơn đặt hàng hoặc dùng công nghệ “lăng-xê” quảng bá, đánh bóng tên tuổi. “Cho nên, âm nhạc thì lời ca nhạt nhẽo, sáo rỗng; hài kịch thì diễn nhảm nhí còn phim ảnh chỉ chăm chăm làm phim hài, kinh dị, đầy cảnh nóng; kịch nói thì ít có kịch bản hay. Những tác phẩm có giá trị thẩm mỹ cao thì thưa thớt, còn các loại “rác phẩm” lại phát tán tràn lan” - nhạc sĩ Võ Công Phước nói.
Họa sĩ Trần Thanh Cảnh tin rằng trong mỗi nghệ sĩ trẻ chân chính đều mong muốn được cất tiếng nói xây dựng của mình với xã hội, với đất nước, tiếng nói có khi là đồng thuận với những chủ trương tiến bộ, có khi là tiếng phản kháng những tiêu cực. “Nếu như lãnh đạo thiếu quan tâm đến không gian cho thế hệ trẻ thể hiện, nếu chính sách thiếu đầu tư cho môi trường thể hiện thì khoảng trống này sẽ do các nhà đầu tư tư nhân chiếm lĩnh. Thực tiễn hiện nay cho thấy tư nhân đang làm chủ tất cả tài năng và các công trình sáng tạo của nghệ sĩ trẻ đương thời.
Các đại biểu đề nghị nhà nước cần có chiến lược đầu tư sáng tác và quảng bá tác phẩm, đưa văn học nghệ thuật đến đông đảo người dân trong và ngoài nước, kết nối với thế giới. Đây là việc làm đòi hỏi sự đột phá trong tư duy quản lý văn hóa.
Bình luận (0)