Triển lãm điêu khắc TP HCM lần IV diễn ra tại khu du lịch Văn Thánh (làng du lịch Bình Quới, quận Bình Thạnh) từ ngày 30-11 đến hết 30-12. Năm năm một lần, giới điêu khắc TP HCM mới có một đợt triển lãm ra quân như vậy nhưng sau triển lãm, họ sẽ làm gì với tác phẩm của mình thì không ai có câu trả lời.
Khó có tính thương mại
Các tác phẩm được trưng bày trong không gian khu du lịch Văn Thánh đẹp lộng lẫy là điều may mắn cho các nghệ sĩ vì có được nơi triển lãm tác phẩm phù hợp nhưng thực sự sẽ có bao nhiêu công chúng tới khu du lịch Văn Thánh để ngắm tượng dù triển lãm không thu phí vào cửa. 64 tác phẩm được chọn lựa cho lần triển lãm này sau đó cũng sẽ… nằm im buồn bã cùng với mấy chục tác phẩm của lần triển lãm trước.
Ngay cả mấy chục tác phẩm tốt nhất của trại sáng tác điêu khắc quốc tế do TP HCM tổ chức hồi năm 2015 cho đến giờ cũng đang lâm vào cảnh thiếu không gian trưng bày. Tác phẩm để tạm ở đâu đó thì cũng giống như một dạng “cất kho”, gây lãng phí cả tiền tổ chức và chất xám của các nghệ sĩ.
“Nhà điêu khắc rất khó trong việc lựa chọn và cân đối bao nhiêu phần trăm thời gian và trí não buộc phải dành để làm những công việc khác kiếm sống, chẳng hạn như trang trí nhà vườn, làm tượng cho các cá nhân, tượng theo đơn đặt hàng, thậm chí làm tượng băng trang trí tiệc trong các nhà hàng, khách sạn lớn; còn lại bao nhiêu thời gian sẽ được sống hết mình với sáng tạo nghệ thuật thuần túy” - điêu khắc gia Phạm Minh Chiến tâm sự.
Vật vã mãi mới có được tác phẩm nghệ thuật điêu khắc, vậy mà làm xong, tác giả cũng chẳng biết đem để đâu? Tác phẩm được lựa chọn khắt khe bởi một hội đồng những nhà chuyên môn trong giới mới được tập hợp đem triển lãm, định kỳ 5 năm một lần. Thế mà triển lãm xong, cũng chỉ để đó, thực sự số lượng người ngó đến không đáng là bao.
“Họa sĩ vẽ tranh muốn bán tác phẩm ra nước ngoài là cuộn tranh lại mang đi rồi làm khung sau. Nhưng những tác phẩm điêu khắc hoàn chỉnh nếu không quá lớn còn có thể mang đi mang lại giữa các địa phương để triển lãm, còn tác phẩm cỡ lớn, thậm chí siêu lớn, có những tác phẩm chiều cao lên tới 4 m, đặc biệt là với những chất liệu nặng như đồng, sắt, đá..., thì việc di chuyển là vấn đề nan giải. Đừng mơ chuyện có thể đưa lên máy bay mang ra nước ngoài bán cho khách” - nhà điêu khắc Lê Lang Biên nói.
Cần quy hoạch mỹ thuật - kiến trúc
Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn, Phó Chủ tịch Hội Mỹ thuật TP HCM, cho biết so với các triển lãm lần trước, năm nay đã loại bỏ tư tưởng chấp nhận những tác phẩm trung bình do 5 năm mới tổ chức một lần, vì thế, hầu hết tác phẩm lần này đều có chất lượng cao, khẳng định sức sáng tạo mạnh mẽ trong thế hệ điêu khắc trẻ.
Nhà điêu khắc Phạm Đình Tiến, giảng viên Trường ĐH Mỹ thuật TP HCM, cho biết tại trường, các sinh viên được đào tạo đạt chuẩn với nhiều nước trong khu vực về chuyên ngành điêu khắc, cho nên nhiều năm gần đây, sinh viên trẻ cũng chọn ngành điêu khắc để dấn thân, học hỏi.
“Với tốc độ phát triển nhanh và mạnh của đô thị TP HCM, trong những năm tới, thành phố sẽ còn cần thêm nhiều nhà điêu khắc để làm đẹp cho không gian công cộng. Triển lãm Điêu khắc TP HCM lần IV là một nỗ lực gắn kết tác phẩm điêu khắc với không gian kiến trúc, hướng đến ý tưởng và hình thức điêu khắc mới - điêu khắc đô thị, đáp ứng nhu cầu sáng tạo của các nhà điêu khắc, cũng như phát huy vai trò là điểm nhấn thẩm mỹ của các tác phẩm, phục vụ nhu cầu thưởng thức thẩm mỹ, một trong những nhu cầu thiết yếu trong đời sống đô thị hiện nay” - nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn nói.
Triển lãm duy trì lòng yêu nghề nhưng tác phẩm cần đi vào đời sống văn hóa của công chúng. Các nhà điêu khắc nói rằng thà bị chê chứ không chấp nhận được khen rồi nằm im lìm trong một góc không ai xem, thậm chí không ai biết. TP HCM có rất nhiều các ngã tư cần tượng hoặc tác phẩm điêu khắc để trang trí; rất nhiều công viên trung tâm, tuyến phố đi bộ, các công viên đường ven sông, rạch có thể quy hoạch đặt tượng; những khu đô thị mọc lên như nấm và vô cùng lộng lẫy nhưng chưa hề có sự hiện diện của mỹ thuật điêu khắc để công chúng làm quen, học cách thưởng thức và chiêm ngưỡng.
Nhà điêu khắc Bùi Hải Sơn trăn trở: “Chúng ta đang có những nguồn lực tốt nhưng chưa được sử dụng. Cần xác định rõ những khu vực nào thì đặt được tượng công cộng, với kích cỡ như thế nào, sáng tác trên những chất liệu gì, phong cách gì thì phù hợp. Nhu cầu thực tế rất lớn nhưng từ năm 2000 đến nay, quy hoạch mỹ thuật - kiến trúc cho TP HCM vẫn... nằm trên giấy”.
Mặc dù vất vả trăm chiều nhưng các nhà điêu khắc nói rằng họ hy vọng, chờ đợi một tương lai gần sẽ có quy hoạch kiến trúc - mỹ thuật tổng thể cho thành phố, để họ được đóng góp tác phẩm của mình và thế hệ con cháu được hưởng một không gian đô thị tốt, đẹp hơn.
Đà Nẵng, Huế đều có công viên tượng
Trại sáng tác điêu khắc quốc tế trong khuôn khổ hoạt động của Festival Huế 2002 đã để lại cho Huế 24 tác phẩm mang dấu ấn nghệ thuật đương đại. UBND TP Huế quyết định xây vườn tượng tại Công viên 3-2 tô điểm thêm cho không gian văn hóa bên bờ sông Hương. Vườn tượng này là một điểm tham quan thưởng ngoạn của du khách, ngoài các lăng tẩm đền đài, mỗi khi đến thăm Huế.
Nằm ở bờ Tây sông Hàn, giữa cầu Rồng và cầu Sông Hàn, công viên tượng bằng đá quý nằm trên tuyến đường Bạch Đằng đẹp nhất TP Đà Nẵng là nơi trưng bày hàng trăm tác phẩm nghệ thuật tinh xảo nhất được chọn lựa từ làng đá mỹ nghệ non nước, tạo nên một không gian mỹ thuật hấp dẫn và quyến rũ. Mỗi ngày nơi đây thu hút hàng ngàn người dân cùng du khách đến tham quan, hóng mát, nghỉ ngơi và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của những bức tượng.
Bình luận (0)