Trong đoàn làm phim, ngoài những nhân vật quen thuộc như diễn viên, đạo diễn, quay phim, thư ký trường quay…, vẫn còn có một thành viên quan trọng không kém. Họ được xem là “người viết nhật ký đoàn phim bằng ống kính”, ghi lại những khoảnh khắc thăng hoa của diễn viên, đạo diễn và những hoạt động của nhiều thành viên khác trong đoàn không thấy trên màn ảnh. Họ cũng là người giới thiệu, nối kết khán giả với các bộ phim thông qua những bức ảnh đẹp được sử dụng suốt quá trình quảng bá. Họ là những người nhiếp ảnh phim trường.
Lăn lộn chốn phim trường
Ông Phạm Thiết Mẫn - 62 tuổi, có 4 năm trong nghề nhiếp ảnh phim trường - nói rằng làm nghề này cực nhưng vui. Công việc của ông mỗi ngày khi tham gia đoàn phim là kiểm tra lịch quay, đọc kịch bản để chọn những cảnh cần thiết phải chụp rồi đến trường quay tác nghiệp. Trừ những chuyến đi xa dài ngày phải theo xe đoàn, ông cũng như nhiều nhiếp ảnh gia trường quay khác thường chọn giải pháp di chuyển bằng xe máy đến những trường quay gần để linh động hơn.
Nhiếp ảnh gia Phạm Thiết Mẫn cho biết lần đi xa gần đây nhất của ông là theo đoàn phim “Mặt nạ tình yêu” (đạo diễn: Phương Điền), bám trụ Đà Lạt suốt 10 ngày. Đi Đà Lạt thường là vào sâu trong rừng, nơi có thác nước... nên cả đoàn ai cũng vất vả, cực nhất là khâu di chuyển đạo cụ, ánh sáng, máy móc... Cũng như các thành viên khác trong đoàn phim, người nhiếp ảnh phim trường cũng vất vả trong những chuyến đi quay xa lâu ngày vì sống xa nhà, sinh hoạt thiếu thốn và nhất là áp lực công việc như quay đêm, thời tiết lạnh...
“Tôi cũng lo không biết mình có trèo đèo, lội suối được không vì đã có tuổi nhưng may là mọi chuyện đều ổn, tôi vẫn khỏe” - nhiếp ảnh gia Phạm Thiết Mẫn nói. Ông Mẫn kể có lần theo đoàn phim “Chiếc vòng ngọc huyết” (đạo diễn: Nhâm Minh Hiền) cũng lên Đà Lạt quay. Đoàn phải đến Núi Voi quay cảnh rừng và nhà trên cây. Bối cảnh xa nơi để xe của đoàn, mọi người phải đi bộ gần 2 km đường đồi rất mệt, nhiếp ảnh gia như ông cũng vác ba lô nặng khoảng 10 kg di chuyển theo, phải ngồi nghỉ vài lần mới đến nơi.
“Dẫu mệt nhưng qua chuyến đi, tôi ghi lại được những cảnh khá “đắt” lúc các nhóm nhân viên âm thanh, ánh sáng phải vác đèn, đạo cụ từ dưới đồi lên trông rất thương. Tôi đứng từ trên chụp xuống thấy rõ cả một đoàn người di chuyển, thể hiện sự vất vả của những người làm phim, hiếm khi có được” - ông Mẫn cho biết.
Không bỏ lỡ những khoảnh khắc quý giá
Một nhiếp ảnh gia phim trường không chỉ am hiểu các kỹ năng cơ bản trong lĩnh vực nhiếp ảnh mà trang thiết bị của họ cũng phải làm sao để đủ đáp ứng nhu cầu cho ra những bức ảnh đẹp, đồng thời có sức khỏe dẻo dai để theo đoàn phim.
Nhiếp ảnh gia Hai Phương, trưởng ê-kíp 4 người, từng chụp nhiều phim truyền hình, tâm sự: “Khi chúng tôi thỏa thuận với nhà sản xuất phim truyền hình, họ thường chỉ yêu cầu đến đoàn chụp khoảng 7-10 buổi, chụp đại cảnh, số lượng hình tối đa không quá 3.000 tấm. Nắm lịch quay, biết trước hôm nào có đại cảnh, diễn viên nổi tiếng diễn nên chúng tôi có sự chủ động trong việc chọn lựa thời điểm xuất hiện. Nhưng đa phần, chúng tôi đều bám phim trường với thời gian gấp nhiều lần so với thỏa thuận bởi không muốn bỏ lỡ những khoảnh khắc quý giá. Như gần đây, tôi thỏa thuận với nhà sản xuất phim “Hoa hồng thép” (đạo diễn: Nguyễn Thành Vinh, đang quay) chỉ chụp 7 buổi nhưng đến nay đã theo đoàn suốt 16 ngày và vẫn tiếp tục bám sát”.
“Nghe qua đơn giản nhưng công việc này rất cực nhọc vì mình không chỉ chụp diễn viên mà còn phải chụp cảnh sinh hoạt của đoàn phim, đạo diễn, nhóm ánh sáng, thiết kế, hóa trang, phục trang… Họ còn làm việc, mình cũng phải làm việc, cứ liên tục như thế!” - nhiếp ảnh gia Hai Phương cho hay.
Một bức ảnh chụp cảnh quay trên phim trường đạt chuẩn không chỉ đẹp về góc máy mà còn phải “có hồn”. Nhìn vào nó, người xem thấy rõ cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố của nhân vật thể hiện qua diễn xuất của diễn viên. Nhất là những khoảnh khắc giọt lệ vừa rơi khỏi mắt diễn viên hay nụ cười rạng rỡ khi hạnh phúc, nỗi sợ hãi, hoang mang qua nét mặt… đều đòi hỏi nhiếp ảnh gia phải có kinh nghiệm, khả năng nắm bắt tình huống mới chụp được.
Kỳ tới: Đam mê và nhiệt huyết
Gắn bó như gia đình
Nhiếp ảnh gia Hai Phương cho biết với một số đoàn phim thân thiết, quan hệ giữa nhiếp ảnh, đạo diễn, diễn viên, phục trang… như một gia đình. Vì thế, ai cũng muốn đến trường quay dù việc di chuyển bằng xe máy thường khá xa, chưa kể những lúc đoàn đi tỉnh hay quay thâu đêm, rất vất vả.
“Dù cực nhưng anh em luôn vui bởi không khí có vui tươi, thoải mái mới vơi bớt mệt nhọc” - nhiếp ảnh gia Phạm Thiết Mẫn nhận xét. Ông cho biết mình rất yêu thích không khí trường quay nên dù hết việc vẫn ở lại, đôi lúc chỉ để trò chuyện, vui đùa cùng các thành viên của đoàn.
Bình luận (0)