Nhạc sĩ An Thuyên sáng tác ca khúc đầu tiên từ năm 15 tuổi nhưng ca khúc đầu tiên ấn tượng đối với tôi lại là “Em chọn lối này”. Đó là lần ca khúc này xuất hiện trên sân khấu hội diễn Văn nghệ Quân khu 4 năm 1978, được hát bởi tốp ca nữ của đội Tuyên truyền văn hóa tỉnh đội Nghệ Tĩnh. Hồi đó, An Thuyên đã nhập ngũ được 3 năm và ca khúc này được anh sáng tác trong chuyến đi cùng bộ đội công binh làm đường ở miền Tây Nghệ An. Ca khúc này được tranh luận khi chấm giải giữa nhạc sĩ Ánh Dương, nhạc sĩ Thái Quý và tôi trong ban giám khảo. Tôi và Thái Quý cho rằng đây là ca khúc hay, chỉ tiếc là tốp ca nữ biểu diễn chưa xuất sắc nên chỉ chấm giải B, còn nhạc sĩ Ánh Dương thì kiên quyết xếp giải C. Nhưng cuối cùng thì “thiểu số phục tùng đa số”, Ánh Dương đã thuận theo tôi và Thái Quý.
Sau đó không lâu, “Em chọn lối này” được Thanh Hoa hát và phát đi trên làn sóng Đài Tiếng nói Việt Nam gây hiệu quả bất ngờ, rất nhiều người yêu nhạc đã đề nghị phát lại “theo yêu cầu thính giả”. Và tên tuổi An Thuyên được biết đến từ đó. Rồi An Thuyên được điều về đoàn Văn công Quân khu 4 với tư cách là nhạc sĩ sáng tác.
Có lần Thanh Hoa khoe với tôi tấm bưu thiếp An Thuyên gửi lời cảm ơn ca sĩ đã hát thật hay bài hát này và trong hình bông hoa, An Thuyên đã lồng bức ảnh chân dung nhỏ xíu của mình trong hình một trái tim được cắt trổ. Có lẽ, đó cũng là một cách cảm ơn của người nhạc sĩ xứ Nghệ tài hoa và đa cảm này.
Rồi An Thuyên được Quân khu cử đi học khoa sáng tác Trường Âm nhạc Việt Nam. Những ca khúc của anh luôn đậm chất dân ca xứ Nghệ với những luyến láy rất điệu nghệ cùng những cảm xúc tràn đầy. “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác” là một bài hát như thế. Lời ca của An Thuyên thường mộc mạc nhưng giàu hình ảnh khắc họa và cũng giàu chất thơ. “Đêm theo phường đi nghe hát/ quần xắn gối đứng đầu sân”… Những hình ảnh như thế rất dễ lay động lòng người.
Được học ở trường, vốn học đã được An Thuyên phát huy trong nghệ thuật sáng tạo của mình. Liên tục những ca khúc như “Trên bến Giang Đình”, “Xe tăng qua miền quan họ”… là những thử nghiệm kết hợp giữa dân gian và hiện đại, tạo nên một bản sắc lạ trong ca khúc Việt Nam lúc đó. Và đó cũng là điều mà An Thuyên luôn hướng tới.
Thời kỳ khởi sắc nhất của An Thuyên lại chính là thời kỳ anh làm quản lý (Hiệu trưởng Trường CĐ Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, sau đó là Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội). Hàng loạt ca khúc của anh được công chúng đón nhận như “Hành quân lên Tây Bắc”, “Thơ tình của núi”, “Chín bậc tình yêu”, “Huế thương”, “Neo đậu bến quê”, “Mẹ Việt Nam anh hùng”, “Hà Tĩnh mình thương”, “Ca dao em và tôi”…
Còn nhớ, vào khoảng năm 1996, VTV làm chương trình giới thiệu tác phẩm mới tại Trường ĐH Văn hóa Hà Nội của 4 tác giả là Phó Đức Phương, Từ Huy, An Thuyên và tôi, bài “Ca dao em và tôi” của An Thuyên gây tranh luận giữa các khán giả sinh viên về ca từ của bài hát này, có người cho rằng không nên “chặt đôi câu thơ” vì nghe nó phản cảm quá. Nhưng rồi cũng chính vì cái “cảm giác mạnh” đó mà bài hát lại khiến nhiều người yêu thích nó. An Thuyên giải thích rằng đó là cảm xúc tự nhiên của anh khi sáng tác, âm nhạc và lời ca tự nó cùng tuôn ra một lúc như thế và anh không thể thay đổi được. Có lẽ đó cũng là cách sáng tác của An Thuyên nên nhạc và lời của anh luôn chung cảm xúc, không gượng ép.
Cũng trong thời gian làm quản lý, An Thuyên đã viết được một số hình thức âm nhạc bác học như “Trương Chi”, “Đất nước đứng lên” gây ấn tượng trên con đường sáng tạo của anh. Đó là những tác phẩm quy mô, đòi hỏi những kỹ thuật cao, cả trong sáng tác lẫn biểu diễn. Khi vở nhạc kịch “Đất nước đứng lên” chuẩn bị công diễn chào mừng Đại hội nhạc sĩ thì nhà văn Nguyên Ngọc - tác giả của tiểu thuyết cùng tên - lên tiếng trên báo phản đối về bản quyền, nghĩa là chuyển thể mà chưa xin phép ông, nên ông không đồng ý cho công diễn. An Thuyên nhờ tôi thu xếp việc này. Tôi biết nhà văn Nguyên Ngọc là người khó thay đổi chính kiến nên khuyên An Thuyên phải trực tiếp gặp ông để “hòa đàm”. Nhưng thời điểm đó Nguyên Ngọc đang ở Đà Nẵng. Tôi gọi điện vào Đà Nẵng cho nhà văn Đà Linh, một “đàn em” thân thiết của Nguyên Ngọc, tổ chức cuộc gặp giữa ông và An Thuyên trong đó. Sáng hôm sau, An Thuyên bay vào và Nguyên Ngọc bất ngờ thấy An Thuyên xuất hiện. Và cuộc “hòa đàm” đã thành công. An Thuyên vui vẻ bay ngay về Hà Nội, tối hôm đó vở nhạc kịch được ung dung trình diễn tại Nhà hát Lớn đúng như dự định. Qua sự kiện này, tôi thấy An Thuyên rất thành tâm, sự thành tâm của người nghệ sĩ luôn cảm hóa được lòng người.
Sau khi nghỉ hưu, An Thuyên vẫn không nghỉ việc. Anh nhận làm Giám đốc nghệ thuật cho Tập đoàn Bảo Sơn, lập Công ty Văn hóa An Việt, rồi làm Chủ tịch Hiệp hội Phát triển Văn hóa doanh nghiệp. Tuy sức khỏe không được tốt nhưng anh vẫn làm việc rất tận tụy và đạt được nhiều thành tựu đáng kể. Và anh luôn giữ được ngọn lửa cảm hứng để sáng tạo nên nhiều tác phẩm mới trẻ trung và tình tứ: “Chú cuội chơi trăng”, “Chiều sông Thương”, “Vầng trăng đò đưa”…
Không chỉ đam mê âm nhạc, An Thuyên còn có nhiều đam mê thật độc đáo: mê sưu tập máy hát cổ, mê chụp ảnh… Đến nhà anh, ta sẽ vô cùng bất ngờ trước cả trăm chiếc máy hát cổ chạy đĩa than. Nếu bảo anh đổi máy hát lấy một căn nhà giữa Hà Nội, anh vẫn không chịu đổi. Anh thích câu thơ của Esenin: “Nếu có ai các vàng để đổi lấy vầng trăng vạn thuở của nước Nga/Tôi vẫn không bao giờ đánh đổi. Với anh, những chiếc máy hát cổ đó không chỉ là vật chất mà còn là tâm hồn anh gửi gắm. Anh đã mua nó qua nhiều chợ mạng của nước ngoài với giá rẻ, thuê thợ sửa chữa, phục sinh lại những cái máy đã chết cũng với giá rẻ bất ngờ, An Thuyên tâm sự. Tôi cũng nhiều lần đi công tác cùng An Thuyên, lúc nào cũng thấy anh lăm lăm máy ảnh trên tay. Máy ảnh đắt tiền hẳn hoi, những ống kính tê-lê bự như của phóng viên. Anh bảo có ống kính còn đắt tiền hơn cả máy. Xe dừng ở đâu anh cũng tìm được cái để chụp. Cầu Hiền Lương, cột cờ Bến Hải, hoa dại, pháo hoa… đều gây cho anh những cảm xúc về sắc màu, ánh sáng… Nhiều bức ảnh của anh được triển lãm, được lưu giữ như những kỷ niệm đẹp về người nhạc sĩ tài hoa.
Và An Thuyên mê gì nữa? “Cả đời tôi mê đắm phụ nữ, vì không yêu, không bay bổng sao viết hay được?” - anh tự thú trước công chúng.
Vậy mà An Thuyên đã đột ngột đi về chốn vĩnh hằng.
Sau khi An Thuyên qua đời 30 phút, tôi nhận được điện thoại từ ca sĩ Sao Mai Bùi Lê Mận, người hát thành công nhiều bài hát của An Thuyên, báo tin: “Thầy Thuyên đã đi rồi bố ơi!”. Giọng Mận run run như đang khóc.
Tôi lập tức đưa tin buồn ấy lên Facebook chia sẻ với cộng đồng mạng và chỉ một lát sau, đã thấy hàng ngàn người đổ vào chia buồn và thương tiếc người nhạc sĩ, người thầy, người đồng chí thân yêu của họ. Vâng, An Thuyên là người nhạc sĩ của công chúng đông đảo và anh ra đi, công chúng yêu nhạc mãi mãi nhớ thương anh.
Hà Nội, 3-7-2015
Bình luận (0)