Tôn vinh tình yêu, gia đình
Chủ đề tình yêu, gia đình luôn là chủ đề lớn trong các tác phẩm nghệ thuật. Năm nay, các biên kịch vẫn chọn chủ đề này cho nhiều tác phẩm sân khấu. Trong đó, vở “Cần có ai đó để yêu thương” của đạo diễn Hùng Lâm tạo ấn tượng với khán giả.
Nội dung vở này tập trung vào nhân vật Hồng, sống trong giàu sang cùng gia đình chồng nhưng lúc nào cũng muốn bế con trốn chạy khỏi cuộc sống đó. Bởi cô không tìm được sự sẻ chia trong ngôi nhà rộng lớn và chính bản thân chồng cô là Dũng cũng đau buồn, lạc lõng, chẳng tìm được người hiểu mình.
Đạo diễn Hùng Lâm gửi thông điệp hạnh phúc khi có ai đó hiểu mình, yêu thương, chia sẻ. Mơ ước đó không ngoài tầm tay nếu tất cả sống tốt, chân thành và sẵn sàng tâm sự, sẻ chia với nhau.
Vở kịch ấn tượng tiếp theo là “Nửa đời hương phấn” của đạo diễn Ái Như, dựa theo nguyên tác cải lương của tác giả Hà Triều - Hoa Phượng, tác phẩm "đinh" của sân khấu Hoàng Thái Thanh. Nội dung vở này là câu chuyện về cuộc đời cay đắng của người kỹ nữ tên Hương (tên thật là The). Rời quê nhà lên Sài Gòn kiếm sống, The vướng vào mối tình với gã sở khanh tên Định và bị bỏ rơi khi mang thai. Đau khổ, tuyệt vọng, The không giữ nổi đứa con.
Cô đổi sang tên Hương, quyết làm lại cuộc đời bằng nghề thợ may. Hương quen và yêu Tùng, một chàng trai mồ côi sống nhờ sự bảo trợ của người bác ruột. Khi hạnh phúc vừa chạm tay, Hương gặp phải sự cấm cản của anh trai Tùng cùng sự đeo bám của người tình cũ. Bố ruột Hương cũng xua đuổi, khinh rẻ khi biết cô từng làm kỹ nữ. Tuyệt vọng vì bị xa lánh, Hương tìm đến nương nhờ cửa Phật.
So với nguyên tác cải lương, số phận chìm nổi của Hương (do Hồng Ánh diễn) được tái hiện nghiệt ngã, kịch tính hơn khiến niều khán giả không cầm nước mắt.
Cùng chủ đề gia đình, vở nhạc kịch “Sơn ca không hót” kể về hành trình đi tìm cha của cô gái trẻ mang tên Sơn Ca. Hành trình này được đạo diễn Vũ Minh thể hiện dựa trên kịch bản của Nguyễn Thị Minh Ngọc. Nội dung kịch là câu chuyện nhẹ nhàng, không nhiều kịch tính nhưng được đạo diễn đưa lên sân khấu với thủ pháp dàn dựng thú vị, mang đến tiếng cười cho khán giả. Song song đó, những ca khúc đã đi vào lòng người như: Vào hạ, Bảy ngày đợi mong, Còn yêu em mãi, Lời yêu thương, Bên nhau ngày vui, Bài tango cho em… được tái hiện lại.
Vở kịch có sự tham gia của: Thành Lộc, Hữu Châu, Ngân Quỳnh, Hương Giang, Tường Vi, Gia Bảo, Thanh Vân, Mai Phương.
Kinh dị nhưng có nội dung cuốn hút
Nhiều năm qua, khi cơn lốc kịch ma – kịch kinh dị tung hoành ở nhiều sân khấu kịch xã hội hóa, Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM vẫn đứng ngoài cuộc vì cho rằng các vở đó chỉ mang tính giải trí. Tuy nhiên, một vở kịch cốt truyện ly kỳ tương tự vở kịch ma - kinh dị mà Nhà hát kịch Sân khấu nhỏ TP HCM đồng ý dàn dựng và được khán giả đón nhận nhiệt tình là vở “Đêm vượn hú” (tác giả Xuyên Lâm, đạo diễn Chánh Trực). Kịch này diễn ra trong một tòa nhà âm u giữa núi rừng với những nhân vật bí ẩn như bà già giả què, tù vượt ngục, tên gù, gã thám tử, tên ăn chơi, ả đàn bà dân chơi, người phụ nữ điên loạn... cùng nhiều cái chết ghê rợn trong tiếng vượn hú.
"Đêm vượn hú" có những lớp diễn sâu sắc, không chọc cười vô cớ mà bám chặt tình huống, sự kiện, tạo nên một không gian khiến người xem nổi da gà. Kịch này tạo sự hấp dẫn bằng cách dàn dựng những tình tiết bất ngờ nhưng cốt truyện vẫn chặt chẽ, logic.
“Bóng ma trên giường cưới” được xem là vở kịch kinh dị ấn tượng của tác giả Nhã Ca, do đạo diễn Đoàn Bá dàn dựng, thu hút đông khán giả đến Sân khấu kịch Sài Gòn để khóc cười với các số phận nhân vật. Nội dung vở này nói về người vợ trong đêm tân hôn nhận ra chồng đã làm một việc ác, khiến nỗi ám ảnh cứ đeo bám anh ta triền miên. Những ám ảnh này khiến giường cưới luôn hiện hữu một bóng ma vô hình nhưng đáng sợ.
Điều đáng nói, ngoài cảm giác nặng nề, rùng rợn, ma quái của địa ngục, đạo diễn Đoàn Bá cũng mang đến cho khán giả cảm giác nhẹ nhàng bên cái đẹp, sự kỳ diệu, cảnh thiên giới... Nhiều năm qua ít dàn dựng kịch dài, nhưng khi quay lại, Đoàn Bá vẫn chứng tỏ "gừng càng già càng cay" khi góp phần tạo nên vở kịch ấn tượng, thu hút khán giả.
Vài chủ đề khác
Không cùng chủ đề gia đình hay kinh dị, vở “Người đàn bà uống rượu” (tác giả: Hữu Ước, đạo diễn: Quốc Thảo, cố vấn nghệ thuật: NSND Hồng Vân) được sân khấu kịch Phú Nhuận dàn dựng với sự tham gia diễn xuất của Minh Nhí, Kim Huyền, Hòa Hiệp cùng các diễn viên trẻ Minh Phương, Hữu Tín, Xuân Nghị, Lê Lộc… nói về chiến tranh, lý tưởng của tuổi trẻ.
Nội dung vở kịch này vẽ bức tranh đẹp về những con người tuổi đôi mươi đầy nhiệt huyết sẵn sàng hy sinh cho tổ quốc. Họ là những cô gái trẻ trụ vững giữa rừng sâu, cứu chữa thương bệnh binh. Họ là những bộ đội quả cảm, dùng tuổi trẻ, sức lực của mình chiến đấu cho hòa bình, độc lập, chấp nhận làm cảm tử quân ôm bom lao vào căn cứ của địch. Bên cạnh những tình tiết gay cấn, căng thẳng, đậm chất triết lý thì thủ pháp tạo tiếng cười nhẹ nhàng đã được đạo diễn Quốc Thảo lồng ghép, xử lý khéo léo trong nhiều tình huống, mang lại cho người xem cảm nhận chân thật và sâu sắc.
NS Kim Huyền xuất sắc trong vai chính - vở "Người đàn bà uống rượu"
Một vở kịch ấn tượng khác với chủ đề về thế giới showbiz được chú ý trong năm qua là “Mỹ nam đại chiến”, đã diễn gần 100 suất tại Nhà hát Thế giới trẻ. Vở này có sự tham gia của các diễn viên: Tiểu Bảo Quốc, Thu Trang, Lê Phương, Hoàng Phi, La Thành, Diệu Nhi, PuKa, Anh Tú, Thuận Nguyễn …Câu chuyện xoay quanh người trợ lý cho ông Hoa (diễn viên La Thành đóng) trong việc đào tạo người mẫu Nam Phong (diễn viên Anh Tú). Nhưng Nhã (diễn viên Lê Phương) không chấp nhận những chiêu trò do Hoa tạo ra để đưa Nam Phong thành người nổi tiếng.
Nhã tự đứng ra thành lập công ty và chọn Anh Khôi (diễn viên Thuận Nguyễn) làm người mẫu độc quyền, với mơ ước tạo dựng hình tượng người mẫu trong sạch trong làng thời trang. Khi biết được ý định tham gia Cuộc thi Siêu mẫu quốc tế tổ chức tại BangKok của Anh Khôi, Hoa lập tức đưa Nam Phong đến cuộc thi. Hoa đã dung mọi thủ đoạn để triệt hạ đối phương, thậm chí buộc Phong đánh đổi thân xác cho vị trưởng ban giám khảo (NS Tiểu Bảo Quốc) nhằm chiếm lấy ngôi vị cao nhất của cuộc thi. Trong khi đó Anh Khôi lại được nữ đại gia (Thu Trang) – người tài trợ chính cho cuộc thi để mắt.
Cuộc đua danh vọng của 2 mỹ nam bắt đầu …và tạo ra nhiều bi hài kịch chung quanh cái nghề người mẫu. Bố cục câu chuyện hết sức chặt chẽ, không gian mở rộng với ánh sáng và âm nhạc, tạo nên những bức tranh sống động về nghề người mẫu và đó cũng là yếu tố cuốn hút khán giả.
Bình luận (0)