Suốt 5 năm liền làm chương trình “Người đưa đò”, NSƯT Vũ Linh mong mỏi tạo cơ hội cho diễn viên trẻ đoạt Huy chương vàng (HCV) giải Trần Hữu Trang có vai diễn mới, đồng thời tiếp bước thế hệ tiền nhân làm công tác truyền nghề cho thế hệ sau. Tuy nhiên, anh đã không thể tiếp tục duy trì thương hiệu này vì đuối sức. “Ai sẽ tiếp bước tiền nhân làm công việc truyền nghề khi tâm huyết và lửa yêu nghề của mọi người đã cạn?” - NSƯT Vũ Linh đặt câu hỏi.
Thiếu đầu tư đồng bộ
NSƯT Vũ Linh nhận thấy rằng cải lương tại TP HCM chỉ làm theo dạng “ăn xổi”. Hầu hết các chương trình từ tổng hợp cho đến vở diễn đều trông cậy vào ngôi sao sân khấu để bán vé, còn lại không có sự đầu tư đồng bộ để nâng chất lượng vở diễn, tạo tiền đề cho thế hệ diễn viên trẻ khai phá tài năng.
“Cải lương mất dần tính sang trọng, quý phái vì làm ăn theo kiểu chụp giựt. Tôi không muốn cứ mãi đem chuyện ngày xưa ra kể về cái thời chúng tôi ăn, tập, ngủ trên sàn diễn, đổ mồ hôi, nước mắt, kể cả máu mới có được những vở diễn hay, thu hút hàng triệu khán giả. Tôi chỉ mong nghệ thuật cải lương không còn những sô diễn tủn mủn, vụn vặt, những game show chỉ muốn gặm nhấm đến tận cùng những cái có sẵn của nghệ thuật cải lương, biến tướng một cách tàn nhẫn khiến giới trẻ nhìn về cải lương bằng cách nghi ngờ: “Ồ, cải lương là vậy đó sao?”, “Cải lương sao tệ quá?”. Nghe đau lòng biết chừng nào” - NSƯT Vũ Linh chua chát nói.
Chính vì muốn cải lương còn nguyên giá trị trong lòng công chúng, NSƯT Vũ Linh đã cố gắng vượt qua những khó khăn, cản trở để “tả xung, hữu đột”, làm sao mỗi tháng duy trì chuyên đề “Người đưa đò”, nâng bước chân của nhiều nữ diễn viên trẻ có thêm vai diễn hay, mới lạ.
Người đồng hành với NSƯT Vũ Linh là nhà tổ chức Quốc Tùng, đồng thời cũng là em rể của anh. Hai người đứng ra tổ chức, quảng bá, thực hiện chương trình “Người đưa đò” tại rạp Thủ Đô (quận 5, TP HCM) suốt 5 năm. Trong từng chương trình, NSƯT Vũ Linh đã dìu dắt các nữ diễn viên trẻ: Tú Sương, Trinh Trinh, Bình Tinh, Thy Trang, Lê Hồng Thắm…, giúp họ phát huy thế mạnh của mình qua từng vai diễn, kể cả những vai diễn khó đã ghi dấu ấn của các nghệ sĩ thế hệ đi trước.
Chưa bao giờ họ dám mơ được đứng chung sàn diễn với một nghệ sĩ tài năng thiện nghệ như anh, nhưng anh đã hiện thực hóa giấc mơ của họ. “Chúng tôi có được cơ hội tỏa sáng bên cạnh cậu Năm Vũ Linh, diễn các vai nặng ký, trong nhiều tác phẩm: “Hòn vọng phu”, “Trăng thề vườn Thúy”, “Giũ áo bụi đời”, “Dương Quý Phi”… Đến nay thương hiệu này đã ngưng, chúng tôi không có điều kiện để cọ xát với nghề, vì sự truyền nghề của cậu Năm rất tinh tế, nâng bước chân vào nghề của chúng tôi vững vàng hơn” - NSƯT Lê Hồng Thắm nói.
Riêng đối với đội ngũ công nhân hậu đài, nhờ “Người đưa đò”, họ đã có thêm thu nhập để mưu sinh trong thời buổi sàn diễn cải lương hiu hắt. Các chuyên viên âm thanh, ánh sáng, phục trang cũng chịu chung số phận mất đi nguồn thu nhập tương đối hậu hĩ từ chương trình để có thể an tâm trong cuộc sống.
Chia sẻ về khó khăn của chương trình “Người đưa đò”, NSƯT Vũ Linh cho biết hiện nay, rạp Thủ Đô đã giao cho Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM quản lý. Cải lương chờ rạp Hưng Đạo đưa vào hoạt động nên chỉ còn có rạp Công Nhân. Các đơn vị xã hội hóa cải lương quy tụ về đây trong khi sàn diễn này là thủ phủ của Nhà hát Kịch TP HCM nên diễn cải lương cũng không đúng công năng, mọi khâu đều chưa phù hợp cho một chương trình nghệ thuật cải lương đúng nghĩa.
Cần bà đỡ
Lý giải vì sao chương trình ngưng hoạt động, ông Quốc Tùng nói: “Khó khăn lớn nhất vẫn là khâu đầu tư, vì tính cách của NSƯT Vũ Linh hễ không làm thì thôi, còn đã làm nghề thì phải đúng chuẩn. Do đó, số vốn đầu tư cho chương trình rất lớn. Chương trình luôn lỗ vì giá vé không thể tăng lên. Đó là vấn đề nan giải”.
Cũng như các đơn vị xã hội hóa khác, cái khó lớn nhất của họ vẫn là địa điểm và không gian để thể hiện đúng ý tưởng chương trình. Rạp Thủ Đô đã quá xuống cấp, hệ thống âm thanh cứ hú liên tục trong suốt suất diễn, phá hỏng hiệu quả nghệ thuật của vở diễn. Khi tình trạng lỗ vốn kéo dài, không có tiền để tái sản xuất, lượng vé bán lại giảm sút khiến người cầm lái như NSƯT Vũ Linh cũng phải buông tay.
Theo đạo diễn NSND Huỳnh Nga, sàn diễn cải lương xã hội hóa cần sự định hướng và nâng đỡ của nhà nước để tồn tại một cách đúng nghĩa. “Sân khấu Vàng”, “Ba thế hệ về lại cội nguồn”, “Người đưa đò”…là những thương hiệu xã hội hóa có uy tín. Cần lắm những “bà đỡ” tiếp sức để nó lớn mạnh” - đạo diễn của tác phẩm “Đời cô Lựu” nói.
Tâm nguyện của những người làm nghề sau nhiều năm rơi vào tình trạng lao đao là khi sàn diễn Nhà hát Cải lương Hưng Đạo đi vào hoạt động, đây sẽ là trung tâm biểu diễn nghệ thuật cải lương đúng nghĩa, tạo được sức hút đối với công chúng đồng thời là nơi truyền nghề của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Liệu điều đó có sớm thành hiện thực?
Để cứu lấy sàn diễn cải lương
Soạn giả Hoàng Song Việt cho biết hơn 3 năm qua ông gắn bó với chương trình “Hòa quyện đất chín rồng”, do VTV tại TP Cần Thơ tổ chức. “Cứ mỗi tháng một đoàn cải lương của mỗi tỉnh, thành phía Nam được lên sóng trực tiếp với một vở diễn mới, các nghệ sĩ tập dượt hăng hái, nghiêm túc mang lại sức sống cho cải lương. Không như TP HCM, các nghệ sĩ làm ăn chụp giựt vì sự phân tán chạy sô, dẫn đến khán giả không còn yêu thích sàn diễn để tìm đến. Tôi rất sợ nghệ sĩ không còn tâm huyết với nghề diễn, mạnh ai nấy kiếm sống như hiện nay”. Ông Huỳnh Anh Tuấn - chủ Sân khấu Kịch IDECAF - nhấn mạnh: “TP HCM cần phải tổ chức ngay hội thảo quy mô và khoa học về chủ đề theo tôi rất quan trọng: “Nghệ thuật cải lương: bảo tồn - sự kiện - chiến lược”. Ba yếu tố này rất cần xác định trong giai đoạn hiện nay để cứu lấy sàn diễn cải lương”.
Bình luận (0)