Cảnh trong vở kịch "Bạch Đàn Liễu"
"Bạch đàn liễu" được nhà biên kịch Xuân Trình sáng tác năm 1972, Đoàn kịch Trung ương dàn dựng năm 1973. Vở chỉ xuất hiện trên sân khấu một lần, sau đó không được diễn vì vấn đề kiểm duyệt. Nội dung tố cáo nạn tham nhũng mà cụ thể là nhân vật Quyền - chủ tịch xã, hứa giúp vợ chồng ông Lượng xác minh giấy tờ cho con trai để được kết nạp vào Đảng trong quân đội nếu họ cho ông ta hai cây bạch đàn làm xà nhà. Nỗi thống khổ của người dân đối với nạn tham nhũng vặt được khái quát rộng hơn với những vụ án tham nhũng làm thất thoát hàng ngàn tỉ đồng của.
Đạo diễn NSƯT Trần Lực
Đạo diễn - NSƯT Trần Lực dựng lại vở kịch này để tri ân nhà viết kịch tài hoa với góc nhìn rất mới thể hiện tính đương đại. Kịch lấy bối cảnh làng quê Bắc Bộ năm 1968, bắt đầu từ cây bạch đàn và kết thúc khi gốc cây bị đốn ngã. Nỗi đau của người dân khi được tác giả gửi gắm qua hình ảnh cây bạch đàn với thông điệp lên án thực trạng cán bộ lạm dụng chức quyền, tham nhũng khiến nhân dân khổ sở.
NSƯT - đạo diễn Trần Lực cho biết tính thời sự của vở kịch vẫn còn nguyên vẹn bởi ngày nay nhiều vụ án tham nhũng, lạm dụng chức quyền được đưa ra ánh sáng. Kịch bản được viết cách đây gần 50 năm nhưng vẫn đầy ý nghĩa, nêu bật những vấn đề thời sự nóng của xã hội khiến con người hôm nay phải suy nghĩ và hành động, đó là dám đối mặt với tham quan, lên án và vạch trần tội ác tham nhũng.
Các diễn viên tham gia vở "Bạch Đàn Liễu"
"Tôi tin sẽ tìm được sự đồng cảm sâu sắc với khán giả khi mà sàn diễn hôm nay cần những vở diễn chạm đúng "chỗ ngứa" của khán giả. Quá ít những vở diễn thuộc đề tài chống tham nhũng, mà nhà biên kịch Xuân Trình đã để lại một thông điệp rất đẹp, đó là chúng ta muốn xây dựng xã hội phát triển phải triệt tiêu những kẻ vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân mà làm cho đất nước nghèo mãi", NSƯT - đạo diễn Trần Lực nói.
NSND Trần Minh Ngọc nhận xét vở diễn được đạo diễn dàn dựng với tinh thần sáng tạo, ngắn gọn, xúc tích và sâu sắc. Tính thời sự trong việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền phục vụ lợi ích nhân dân được đưa vào kịch rất nhẹ nhàng, không khô khan, cường điệu như một số vở diễn cùng đề tài trước đây. Cụ thể vở dài khoảng ba tiếng, được đạo diễn rút ngắn xuống 75 phút nhưng vẫn giữ được tinh thần của tác giả.
Cảnh trong vở "Bạch Đàn Liễu"
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, đạo diễn Trần Lực còn lồng ghép những câu thoại mang hơi thở đời sống hiện đại như "Nhà bao việc", "Khó nhưng không phải là không có cách", "Cán bộ chúng ta cứ sai đâu sửa đấy"... khiến khán giả cười thích thú.
Vở kịch đã được tập dợt và công diễn một suất trước đợt giãn cách xã hội, theo đạo diễn sẽ được tập lại khi giãn cách xã hội được gỡ bỏ và sân khấu đi vào hoạt động bình thường.
Cảnh trong vở "Bạch Đàn Liễu"
Vở có sự tham gia của dàn diễn viên: NSND Trung Anh, Khuất Quỳnh Hoa, Hoàng Tùng, Lê Minh Quân, Ngọc Trâm, Phương My… đã khắc họa thành công hình ảnh người nông dân lam lũ, thấp hèn trước quyền thế và cán bộ hách dịch. Nghệ sĩ Hoàng Tùng vai ông Quyền - chủ tịch xã - được khen ngợi khi thể hiện hình ảnh cán bộ tham nhũng, lạm quyền.
Vở kịch còn sử dụng bài hát do NSƯT Nguyễn Thanh Nam sáng tác và thể hiện nói về tình cha mẹ, sẵn sàng vì con làm mọi việc.
Tác giả Xuân Trình (1936 - 1991) là nhà văn, nhà viết kịch, được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật. Ông từng giữ chức Phó Tổng thư ký Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.
Ông đã viết nhiều tác phẩm gây tranh luận về nội dung, tư tưởng, nghệ thuật như: "Chuyện những người du kích", "Quê hương Việt Nam", "Lập xuân", "Hận thù từ đâu tới"... Vở kịch "Bạch đàn liễu" nằm trong chuỗi sự kiện tri ân tác giả Xuân Trình, hứa hẹn sau khi công diễn tại Hà Nội sẽ lưu diễn tại TP HCM và các tỉnh thành phía Nam.
Bình luận (0)