Đều là tranh ký họa, vẽ đời sống và cảnh quan Hà Nội thời bao cấp. Mà lạ là người vào xem khá đông. Lạ hơn nữa là không nhiều người như tôi tuổi già tóc bạc, mà phần đông là những trung niên, như Huy - người đi coi triển lãm cùng tôi.
Triển lãm đã tạo ấn tượng mạnh lên công chúng trẻ. Tôi thấy rõ ở họ vẻ bồi hồi, sự xao xuyến mặc dù hầu hết họ không trải qua thời bao cấp hoặc chỉ phải trải qua trong mấy năm đầu đời. Anh chàng Huy bảo là bức tranh nào cũng giản dị, cũng chân thật và đẹp đến nao lòng. Không rành hội họa nhưng tôi cũng thấy vậy, hơn 200 bức ký họa đều đẹp và đúng. Đúng đấy là phố xá, đúng đấy là nhà cửa thời bao cấp, đúng đấy là những con người với gương mặt, với dáng điệu, với trang phục của những năm 1980.
Một trang sách trong "Thương nhớ thời bao cấp" Ảnh: Nhã Nam
Nhưng không hiểu sao tôi lại cứ thấy ngỡ ngàng thế nào ấy. Có lẽ là vì thời bao cấp trong ký ức tôi thì màu chì, còn trong tranh thì hồng và thật là đẹp, thật là thanh bình, gần như thơ mộng. Phải chăng đó là do phép mầu của thời gian, hay đúng hơn, của độ lùi năm tháng, khiến cho trong mắt người họa sĩ quá khứ hiện về dưới một ánh sáng khác ánh sáng thông thường và vì thế mà đã biến ảo đi so với quá khứ nguyên bản? Huy nói với tôi là cảnh vật trong những bức tranh làm cậu nhớ quá cái khu tập thể Thành Công. Rõ là cảnh nghèo nhưng mà trong sạch và bình yên. So với cuộc xô bồ lấn chen và tranh đoạt kịch liệt thời nay thì cuộc sống thời bao cấp sao mà đẹp đẽ, sao mà dễ chịu. Cậu ta thán "bao giờ cho đến ngày xưa?!".
HUY KHÔNG PHẢI HỌ HÀNG VỚI TÔI, dù gọi chú xưng cháu. Cậu là con trai anh Tâm, nguyên hàng xóm của tôi ở khu Thành Công. Gia đình tôi nhà B5, gia đình anh Tâm nhà C1. Huy chào đời ở đó và đã từng ở đó. Còn bây giờ thì vợ chồng Huy sở hữu một căn hộ trên tầng gần ngọn của Royal City. Chẳng phải đại gia, ông to bà lớn nhưng lên được trên đấy là đã mức sống cao cấp rồi, chí ít là so với mức của ngày xưa ở khu Thành Công. Vậy mà Huy lại ước gì được sống lùi về với thời bao cấp ấy, ở chốn ấy. Tuy đấy chỉ là một cách nói, một cảm thán chốc lát nhưng tôi thấy nó vẫn bộc bạch một sự nản chí, một lối nghĩ thoái trào. Và cũng là sự tự phủ nhận nữa, tự bác bỏ những giá trị cùng những thành tựu của bản thân mình và của thời mình đang sống. "Bao giờ cho đến ngày xưa", câu đó tôi thường nghe do nhiều người thường nói nhưng tôi nghĩ khi nói như vậy, người ta thật ra không biết là mình đang nói gì. Bởi vì, theo tôi, thật là đại hồng phúc cho chúng ta ngày hôm nay đã không phải ở trong cái "ngày xưa" ấy. Cho nên, chẳng việc gì phải nhớ nhung, hoài niệm cái thời bao cấp mà đất nước như bên bờ vực đó, ngược lại cần ghi nhớ ơn sâu của thế hệ những người đã can đảm mở đường Đổi Mới kéo chúng ta thoát khỏi miệng vực và đưa đất nước đi lên.
Những khu tập thể cũ là ký ức của người Hà Nội. Trong ảnh là một bức tranh tại triển lãm mang tên “Ký ức Hà Nội”Ảnh: T.L
Bản thân tôi, do không thể đưa tay ra cản lại mộng mị, nên đến tận bây giờ vẫn thỉnh thoảng thấy mình đang bên bờ vực thời bao cấp, giật mình choàng tỉnh, biết là bóng đè chứ không phải thật, mừng húm! Những cơn ác mộng nửa đêm ấy rất hay đẩy tôi ngược về với khu Thành Công, mà thường nhất là vào trong cảnh tượng điển hình của Hà thành những năm 1980: Cả trăm con người rồng rắn xếp hàng thùng chậu chầu chực từng giọt nước nhỏ tí tách từ cái máy nước công cộng, giữa buổi trưa mùa hạ nắng nóng ghê hồn. Trong những tháng hè liên tục bị cúp điện, cúp nước, có khi ròng rã tới một tuần, hai tuần, ở cái nhà B5 năm tầng bê-tông đúc sẵn nóng như nung của tôi hằng đêm nghe nhức lòng tiếng trẻ con la khóc, tiếng người già ốm đau rên rỉ. Ấy vậy mà B5 chúng tôi vẫn còn sướng chán so với C1 của gia đình anh Tâm. Cái nhà C1 đó vừa được lắp ghép xong, gần ngàn người vừa vào ngụ thì nền nhà bắt đầu nghiêng và lún. Vợ chồng anh Tâm lại là hộ tầng trệt. Tường của căn hộ vốn dĩ cao 3 m dần dà chỉ còn nhô lên khỏi mặt đất chừng 1 m. Tôi nhớ hồi thằng cu Huy vừa chào đời, mùa mưa bão, các hộ tầng trệt nhà C1 ngập úng, giường của vợ chồng anh Tâm và đứa con còn ẵm ngửa như chiếc chiếc mảng nổi trên sóng nước. Anh Tâm, thương binh loại 2, ùm ùm lội và bơi lo tiếp tế gạo, mì, muối và nước uống cho vợ con. Lụt, nhưng không điện, không nước, chỉ có biển nước bùn hầm hập bốc hơi.
Ấy là mùa hè năm 1986. Cũng trong mùa hè ấy, một buổi tối, tôi có dịp được ngắm Hà Nội từ lầu 11 khách sạn quốc tế Thủ Đô, bấy giờ là đỉnh cao nhất của thành phố. Bốn bề bao la tối đen. Trừ nhỏ nhoi vài điểm trọng yếu, cả Hà Nội bị cúp điện. Từ trên tầm cao vút nhìn xuống miền mất ánh sáng rộng mênh mông, cảm giác nặng hơn rất nhiều so với đứng dưới đường. Ngày nay, khi hồi tưởng về những năm tháng khắc nghiệt và gian khổ vô bờ của thời bao cấp, tôi thường mường tượng trước mắt cảnh Hà Nội tối hôm đó nhìn từ trên cao. Và cũng vậy, không thể nào khác được, tôi luôn nghĩ tới buổi tối ấy những lúc đang ở tầng đỉnh của các cao ốc kiểu như Royal City của vợ chồng Huy. Nghĩ mà kinh ngạc, mà thấy khó tin, từ tối đó đến những đêm bây giờ chỉ hơn ba chục năm, một khoảng thời gian gang tấc ngay cả với một đời người, mà từ vực thẳm tối đen, TP Hà Nội của tôi đã bừng sáng lên, rực rỡ như là một bầu trời sao dưới bầu trời đêm. Nhờ đâu, nhờ ai, bằng cách nào mà được như vậy?
GIỜ ĐÂY, NGHĨ VỀ THẾ HỆ CHA ANH và thế hệ của chính mình, ngoài những ký ức thời trận mạc, tôi luôn nhớ đến những năm đầu Đổi Mới với vô hạn thương cảm và cảm phục. Đó là một thời kỳ mà người Việt Nam mình thể hiện lòng yêu nước bằng sự can đảm và nghị lực lớn lao, nếu không hơn thì cũng không kém gì trong kháng chiến.
Những tấm gương yêu nước thời Đổi Mới kể sao cho xiết. Mà nào phải đâu xa, ngay gần bên thôi, như là anh Tâm, bố của Huy. Năm 1986, không thể cam chịu được nữa cảnh sống khốn khổ bệ rạc, Tâm quăng bỏ căn hộ ở nhà C1 mà anh ưu tiên "được phân" do là thương binh và nhờ thành tích chiến đấu, Huân chương Chiến công đủ cả ba hạng (phải quẳng bỏ chứ không thể bán vì chẳng ai dại gì mua căn hộ bị lún sụt, nửa nhà nửa hầm ngầm ấy). Chuyển cư ra ngoại thành, anh liều mạng vay tiền trả nặng lãi thuê một mặt bằng. Anh cũng tự nguyện rời biên chế, dứt mình khỏi đồng lương còm cõi để có thể tự do "làm ngoài". Chung sức với mấy người bạn cựu chiến binh, anh mở xưởng làm đồ nhựa, nhập cuộc kinh tế thị trường là thứ mà vào thời đó chẳng những bị kỳ thị mà còn bị trấn áp. Không đến nỗi điêu linh như ông "vua lốp" nhưng cũng một lần ngồi tù và bị tịch biên tài sản, một lần bị bà hỏa nuốt chửng nhà xưởng, tưởng không thể ngóc đầu lên mà rồi vẫn ngóc đầu lên đứng dậy được. Về sau, khi đã là chủ nhân một công ty lớn và giàu có sản xuất hàng gia dụng, Tâm bảo với tôi là anh vừa ghê sợ không dám nhớ lại vừa ghi lòng tạc dạ đội ơn cái năm 1986 bước đường cùng ấy. Nhờ có năm đó, bị đẩy tới bờ vực, nên anh và chẳng riêng gì anh, cả nước mới quyết chí đổi thay để có thể vươn lên, mà trước nhất là để có thể sống còn. Bởi khi đấy "đổi mới hay là chết", anh bảo vậy.
Tôi nghĩ thế hệ những người như anh Tâm đã trưởng thành lên trong chiến tranh thì sóng gió thời hậu chiến bao cấp là thử thách cuối cùng phải vượt qua để một lần nữa lại chiến thắng. Chẳng phải họ, những người đã chiến thắng trong cuộc kháng chiến chống ngoại xâm cũng chính là những người đã thực hiện thành công cuộc cách mạng lương thực, đã điện khí hóa phần lớn nông thôn, đã xuất khẩu dầu mỏ, đã bước đầu tạo nền móng cho thời đại tin học…
Đánh giặc và làm lụng, gìn giữ và đổi mới, tôi tự hỏi có thể coi đó là công thức tổng quát cho thời đại vinh quang mấy thập kỷ qua của Tổ quốc mình?
Bình luận (0)