Hằng ngày, ở góc quán nhỏ cạnh hồ Hoàng Cầu tại quận Đống Đa, TP Hà Nội, mỗi khi có ai nhắc đến xiếc thú, NSƯT Tạ Duy Hùng lại say sưa kể về những "diễn viên" hung hãn mà mình từng huấn luyện. Ông thường kể lại câu chuyện mà báo chí từng đăng tải về một diễn viên xiếc thú ở nước ngoài bị "bạn diễn" là chú cọp vồ chết, như minh chứng cho việc sinh nghề tử nghiệp.
NSƯT Tạ Duy Hùng - người dành cả đời cho nghề xiếc thú Ảnh: Duy Lâm
Những chú "mèo bự" rất ngoan khi hợp tác với bạn diễn
"Tôi thường tâm sự với các diễn viên xiếc thú mới vào nghề rằng nếu không có một tình yêu đủ lớn, nếu thiếu dũng cảm và gan lì hay không chịu đựng được sự đau đớn về thể xác lẫn tinh thần thì sẽ dễ dàng bỏ cuộc. Khi bị "bạn diễn" cắn xé, tát, vồ, diễn viên xiếc đau đớn thể xác. Khi chúng già yếu hay đau bệnh chết đi, coi như mình mất người bạn diễn thân thiết thì lại đau đớn tinh thần" - ông Hùng giải thích.
Mồ côi cha từ nhỏ, năm 13 tuổi, cậu bé Tạ Duy Hùng đã đầu quân vào gánh xiếc của thầy Tạ Duy Hiển. Lúc đó, gánh xiếc của NSND Tạ Duy Hiển phát triển rực rỡ, ông được xem là ông tổ của xiếc Việt Nam hiện đại.
"Ban đầu, tôi học xiếc nhào lộn trên không, sau đó chuyển sang xiếc thú. Tôi được thầy Tạ Duy Hiển truyền nghề rất kỹ càng. Bài học đầu tiên chính là sự tận tâm, đặt tình yêu động vật lên trên hết. Quan trọng phải hiểu tính nết của chúng và "nghe được tiếng nói" của từng loài" - NSƯT Tạ Duy Hùng tiết lộ.
NSƯT Tạ Duy Hùng và hai chú hổ con của đoàn xiếc
Miên man theo những câu chuyện về xiếc thú, NSƯT Tạ Duy Hùng cho rằng trong các thành viên họ mèo thì cọp và báo là hai "bạn diễn" khó thuần dưỡng nhất. "Tôi từng huấn luyện báo và nhiều lần đã bị thương tích đầy mình vì loài thú dữ họ hàng với cọp này" - ông nhớ lại.
Lần đầu tiên ông Hùng gặp nạn với "bạn diễn" là năm 1959. Khi ấy, người dân Vĩnh Linh săn được một con báo đen và tặng Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Thủ tướng tặng lại đoàn xiếc và NSND Tạ Duy Hiển đã mang về giao cho ông Hùng huấn luyện.
Sau 3 tháng bền bỉ kiên trì, chăm sóc, làm quen với từng cú vồ, từng tiếng gầm gừ dễ sợ của con báo đen, rốt cuộc ông Hùng đã có thể vào chuồng đưa nó ra ngoài cùng tập dợt các tiết mục biểu diễn. "Lúc đó, theo bí quyết của nghề là sau một cú nhào lộn, tôi thưởng cho con báo món thịt gà. Thế nhưng, có lần nó bỏ miếng thịt gà và nhảy bổ vào mặt tôi, để lại 4 vết sẹo" - ông kể.
NSƯT Tạ Duy Hùng (giữa) và các nghệ sĩ xiếc voi
Sau sự cố đó, thầy Tạ Duy Hiển hỏi có sợ không, có muốn huấn luyện xiếc thú nữa không, ông Hùng vẫn quả quyết trả lời sẽ theo nghề đến cùng. Và thế là lần tai nạn thứ hai xảy ra, trong chuyến biểu diễn ở Nam Định. Ông Hùng hồi tưởng: "Hai con báo tranh ăn cắn nhau, một con nhảy ra ngoài rào chắn giữa sân khấu với khán giả. Tôi liền nắm chặt đuôi nó kéo vào và bị táp một cú, để lại vết sẹo dài cả gang tay".
Một đời say mê, tận tụy cống hiến cho nghề xiếc, khi nghỉ hưu, NSƯT Tạ Duy Hùng vẫn da diết nhớ sân khấu và những mãnh thú mà mình từng dày công khổ luyện. Nhiều năm trước khi về hưu, ông vẫn thường xuyên vào Nam dàn dựng tiết mục cho các đoàn nghệ thuật.
Mỗi khi nhìn lại những vết sẹo trên cơ thể, NSƯT Tạ Duy Hùng vừa đau đáu nhớ nghề vừa tự hào lẫn trăn trở. Nhớ nghề đến mức, nhiều khi ông ước ao giá như những vết thương ấy vẫn còn đang rướm máu, để có cảm giác như nó mới xảy ra, để rồi ngày mai ông sẽ lại ra sân khấu với những "bạn diễn" cọp, báo, gấu, khỉ… của mình.
Ông Tạ Duy Hùng và 2 chú gấu
Ông cả đời gắn bó với xiếc thú
Điều trăn trở của NSƯT Tạ Duy Hùng là xiếc thú ở Việt Nam có nguy cơ mai một. Các mãnh thú như cọp, báo, sư tử… trong tự nhiên vắng bóng dần, trên sân khấu các đoàn xiếc cũng ngày càng hiếm hoi. Chưa kể, vì ngại thuần phục các loài thú dữ này và e sợ nguy hiểm nên nhiều đoàn xiếc không dám "chơi liều". Vì thế, họ cứ chọn các loài hiền lành, dễ dạy như ngựa, khỉ, chó, dê… làm "bạn diễn".
"Xiếc thú nói riêng và nghệ thuật xiếc nói chung cần một quá trình luyện tập nghiêm túc, bền bỉ và bài bản. Loài thú cũng có tình cảm nên trong biểu diễn hay huấn luyện, nghệ sĩ xiếc cần có sự đồng cảm với chúng" - NSƯT Tạ Duy Hùng chiêm nghiệm.
Bình luận (0)