Khi đại dịch Covid-19 quét qua gây nhiều thương tổn, hàng triệu người dân TP HCM đã ở yên trong nhà suốt nhiều tháng và thổn thức nhớ về thành phố dù đang ở chính ngay trên mảnh đất này.
"Sài Gòn tôi đã ngủ im rồi
Ngã ba, ngã tư, ngã năm, không người
Sài Gòn tôi đã vết thương rã rời
Phố to, phố nhỏ đang hụt hơi...".
Trên phố vắng, lời bài hát "Sài Gòn tôi sẽ" do thầy giáo 9X Nguyễn Thái Dương sáng tác và thể hiện vẳng ra từ tiếng loa trong chuyến xe vội vã đưa đoàn bác sĩ đến bệnh viện dã chiến. Bài hát sáng tác trong hoàn cảnh đặc biệt, khi TP HCM vừa thực hiện Chỉ thị 16, "ai ở đâu ở yên đó", nhanh chóng tạo thành "cơn bão" trên mạng xã hội.
Thầy giáo Nguyễn Thái Dương viết xong bài hát chỉ trong 1 giờ vì ban đầu, anh nghĩ đơn giản như viết một status (dòng trạng thái) trên Facebook bằng chất liệu âm nhạc, cho học trò đọc. Nhưng rồi ca khúc nhanh chóng được nhiều người chia sẻ, một số ca sĩ nổi tiếng hát lại, thậm chí bài hát còn được một ca sĩ trẻ mắc Covid-19 thể hiện ngay trong phòng cách ly.
Xúc cảm để bắt tay vào viết tuy nhanh nhưng cảm xúc, tình yêu của anh với TP HCM đâu chỉ thoáng qua. 30 năm sống, lớn lên cùng thành phố trở thành những mạch nguồn âm ỉ để kết tụ thành tình yêu trong các ca khúc của Nguyễn Thái Dương. Tình yêu đó lớn đến nỗi năm 2020, thầy giáo Nguyễn Thái Dương từng ra một album mang tên "Sài Gòn 9X", giới thiệu trên kênh YouTube cá nhân. Là giáo viên tiếng Anh, tự tìm tòi học nhạc nên với anh, tiếng hát đơn thuần xuất phát từ tình yêu TP HCM mãnh liệt, dồn hết vào thơ và nhạc.
"Sài Gòn tôi sẽ" bắt đầu bằng những hoang vắng, then cài, cửa đóng... nhưng kết lại là niềm tin lạc quan "sẽ vang tiếng ca muôn lời thơ". Bài hát như lời thủ thỉ, vỗ về khi thành phố đã thấm mệt. Ca từ gần gũi, trong sáng, lạc quan, không hô hào mà dịu dàng, bao dung. "Ðây là nỗi lòng của tôi và may mắn tôi thành người viết thay nỗi lòng của nhiều người. Nó giống như khi bạn đang buồn thì lại có những người hiểu nỗi buồn đó của bạn. Họ đến bên rồi vỗ về, an ủi. Nỗi buồn được san sẻ sẽ nhỏ dần và biến mất" - Thái Dương tâm sự.
Ngoài "Sài Gòn tôi sẽ", thầy giáo 9X còn sáng tác 2 ca khúc là "Mẹ chờ con nhé" và "Thành phố gì kỳ". Thành công của một loạt ca khúc viết về tình người trong dịch Covid-19 khiến nhiều người cho rằng Nguyễn Thái Dương đã tìm được mẫu số chung cho việc tạo ra những bản "hit". Thầy giáo Dương cười hiền, cho rằng ca khúc của mình thành công nhờ 3 yếu tố: đúng thời điểm, thể hiện đúng hiện thực cuộc sống và ngôn từ giản dị.
Thầy giáo Nguyễn Thái Dương - tác giả ca khúc “Sài Gòn tôi sẽ" Ảnh: Lý Võ Phú Hưng
Từng chọn ca khúc "Sài Gòn tôi sẽ" thể hiện trong nhiều chương trình, ca sĩ Cẩm Vân tâm sự là một nghệ sĩ, người con của TP HCM, gia đình chị mong muốn giữ lại những khoảnh khắc mà mình đã trải qua cùng thành phố. "Nỗi buồn sẽ sớm trở thành ký ức và thành phố sẽ sớm "náo nức như thường, sẽ thơm phở ngon, sẽ huyên phố phường…, sẽ như lúc xưa, sẽ lại vui" như lời ca khúc. Ðó là những gì tôi muốn gửi đến khán giả của mình. Một ca khúc không chỉ thú vị mà thật sự ý nghĩa!" - ca sĩ Cẩm Vân chia sẻ.
Với ca sĩ Thiên Vương (thành viên nhóm MTV), "Sài Gòn tôi sẽ" có thừa cảm xúc để chinh phục người nghe. Những hình ảnh quen thuộc đã có sẵn trong lòng khán giả cứ thế hiện lên như một bức tranh tả thực và sinh động, cứ thế lôi kéo người nghe. Anh cũng đặc biệt thích ca khúc khác của Nguyễn Thái Dương mang tên "Thành phố gì kỳ" vì bài hát viết lên đúng những gì anh thấy, anh biết, anh hiểu và yêu mến mảnh đất này.
Nguyễn Thái Dương thích hát, thích ánh đèn sân khấu, những bộ quần áo đẹp đẽ, được hát hò trong tiếng vỗ tay tán dương của khán giả. Và thực tế, anh cũng thường xuyên hát. Nhưng hát trong tâm thế của thầy giáo yêu thích văn nghệ chứ không phải mang khát vọng của một người muốn trở thành ca sĩ. Với tâm thế đó, anh viết nhạc chỉ đơn giản là muốn lan tỏa những điều đẹp đẽ. Vì vậy, khi đã may mắn được khán giả đón nhận, những ca khúc sau này dù có thể không "đình đám" như trước nhưng với anh, chắc chắn phải nhân văn và tử tế.
"Tôi không có kỹ năng, không phải là nhạc sĩ chuyên nghiệp, cũng chưa từng được đào tạo, học hành đàng hoàng để viết nhạc. Những ca khúc tôi viết chỉ là may mắn vô tình lay động người nghe mà thôi" - thầy giáo Dương tâm sự.
Trải qua đợt dịch thứ 4, Nguyễn Thái Dương cảm nhận rõ nét những mất mát và khổ đau. Anh phải đóng cửa hầu hết các trung tâm ngoại ngữ của mình và mất 2 người thân. Mất mát lớn nhất là phải ngồi nhìn cơ hội vuột khỏi tầm tay. Nhưng tất cả điều đó chỉ khiến anh trở nên mạnh mẽ hơn.
Ðại dịch rồi sẽ qua đi nhưng mất mát vẫn còn ở lại rất lâu. Trong năm mới, Nguyễn Thái Dương cũng có ước nguyện cho chính mình, mong mỏi sự hồi sinh cho thế giới, cho đất nước. Hồi sinh để bắt đầu cho một hành trình mới với nhiều lạc quan và hy vọng.
Bình luận (0)