Đầu xuân Nhâm Dần, phóng viên Báo Người Lao Động ghi nhận những suy nghĩ, ý kiến tâm huyết của các nghệ sĩ uy tín đã tham gia Giải Mai Vàng khi trước năm mới, được dự báo sẽ còn khó khăn và thách thức.
Giải Mai Vàng tạo thêm cú hích để sàn diễn sáng đèn
NSND Việt Anh cho rằng mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19, nhưng năm 2021 vừa qua, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn bằng nhiều hình thức trực tuyến và khai thác mạnh nền tảng số... vẫn để lại nhiều dấu ấn và thành tựu đáng ghi nhận.
Phía sau thành tích và kết quả đạt được, vai trò quan trọng của lực lượng nghệ sĩ đứng đầu các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa tại TP HCM đã tác động mạnh đến sự sống còn của sàn diễn.
NSND Việt Anh
"Giải Mai Vàng 27 của Báo Người Lao Động đã ghi nhận sự chuyển biến đầy tích cực thông qua việc trao giải thưởng vinh danh những tác phẩm văn học nghệ thuật xuất sắc, mà lâu nay vắng bóng ở các mùa giải Mai Vàng. Bên cạnh đó, giải thưởng dành cho những tác phẩm, chương trình văn hóa, nghệ thuật phục vụ cộng đồng trong phòng chống dịch Covid-19 là dấu ấn đậm nét, đáng yêu hơn là giải Nghệ sĩ vì cộng đồng năm 2021 trao cho Nghệ sĩ Quyền Linh quá xứng đáng và giải Nghệ sĩ trọn đời vì cộng đồng trao cho NSND Kim Cương mang tính nhân văn sâu sắc" - NSND Việt Anh nói.
Các tác giả, nghệ sĩ đoạt giải Mai Vàng lần 27-2021 trong Lễ công bố và trao giải ba hạng mục: MV, ca khúc, chương trình truyền hình tại Hội trường Báo Người Lao Động
Theo NSND Việt Anh, cho đến thời điểm này, các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa ở TP HCM đã quen và chấp nhận với những khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhờ mùa giải Mai Vàng tạo thêm cú hích để sàn diễn sáng đèn mùa Tết, các nghệ sĩ nỗ lực không ngừng để cho ra đời vai diễn, vở diễn mới là một tín hiệu lạc quan.
NSND Đào Bá Sơn và NSND Thoại Miêu trao giải ca khúc "Bậu ơi đừng khóc" được bạn đọc bầu chọn giải Mai Vàng lần thứ 27-2021 cho nhạc sĩ Hamlet Trương (giữa)
NSND Đào Bá Sơn tâm sự nhờ đoàn kết và tạo ra những sản phẩm nghệ thuật thích nghi với tình hình mới mà vườn hoa văn hóa, nghệ thuật đã có những chuyển biến tích cực. "Hiện các đoàn phim đã có kế hoạch bấm máy sau Tết cho thấy nhiều sản phẩm nghệ thuật được đặt hàng hứa hẹn đạt chất lượng cao. Ở Giải Mai Vàng lần 27, thông qua sự bầu chọn của bạn đọc, công chúng trong hoàn cảnh chống dịch đã cho thấy tâm huyết của cả tập thể ban tổ chức giải. Ban Chỉ đạo giải Mai Vàng lần 27 dù khó đến mấy cũng làm, nhằm ghi nhận chính xác sự cống hiến của nghệ sĩ ở từng lĩnh vực. Điều tôi thấy cần nhất bây giờ là những đề án quảng bá, tiếp cận khán giả một cách phù hợp của những nghệ sĩ đoạt giải Mai Vàng trước diễn biến còn phức tạp của dịch bệnh" - đạo diễn NSND Đào Bá Sơn nói.
Bốn nghệ sĩ đoạt giải Mai Vàng lần 26-2020: Phương Anh, Ngô Kiến Huy, NSƯT Tú Sương và NS Võ Minh Lâm trong tiết mục "Liên khúc xuân" trong chương trình Lễ trao giải Mai Vàng lần 27-2021
Cần chính sách, chế độ đào tạo nghệ sĩ đặc thù
Theo NSND Thoại Miêu, đối với một số loại hình nghệ thuật truyền thống thì việc đào tạo đội ngũ kế thừa rất quan trọng. Nữ nghệ sĩ trăn trở là cơ chế hiện nay qui định diễn viên khi ra trường về đơn vị là ở trình độ trung cấp. Năm qua Nhà hát Trần Hữu Trang đã cố gắng cử các diễn viên theo học các lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức để vượt ngạch diễn viên hạng IV. Với nghệ sĩ ở các đơn vị xã hội hóa thì trình độ diễn xuất cũng cần được cập nhật. Muốn thu hút nguồn nhân lực cao, thu hút tài năng trẻ đến với bộ môn cải lương, bà rất mong các cơ quan quản lý cần có chính sách, chế độ đào tạo đặc thù riêng như: nâng trình độ đào tạo, nâng ngạch bậc, để diễn viên được đứng ngang hàng với các ngành nghề khác trong xã hội. Bà nhấn mạnh: "Đạt được điều này mới mong chiến lược bảo tồn và phát huy tốt nghệ thuật truyền thống trong đời sống mới thật sự khả thi. Lo được cho nồi cơm gia đình trước thì mới đủ sức lo việc chung của ngành nghề".
Từ trái sang: NSND Đào Bá Sơn, Tiến sĩ Tô Đình Tuân - Tổng biên tập Báo Người Lao Động, Trưởng Ban chỉ đạo Giải Mai Vàng lần thứ 27-2021, NSND Tạ MInh Tâm và NSƯT Công Ninh tại Lễ trao giải Mai Vàng lần thứ 27-2021 (tối 20-1 tại Nhà hát TP, VTV 9 truyền hình trực tiếp)
NSND Tạ Minh Tâm cho biết hHội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 đã trở thành động lực thúc đẩy khát vọng sáng tạo cho đội ngũ các thế hệ làm văn hóa nghệ thuật. Chủ trương chính sách của Đảng và nhà nước đều khẳng định cần phải đầu tư cho các loại hình nghệ thuật truyền thống đặc sắc như hát bội, chèo, cải lương, múa dân gian… Giải Mai Vàng của Báo Người Lao Động đã góp phần quảng bá nghệ thuật truyền thống với nhiều hình thức khác nhau. Sau lễ trao giải tối 20-1 vừa qua, xem lại trên YouTube và Fanpage của Báo Người Lao Động, hiệu ứng nghệ thuật rất tích cực. "Bài toán khó hiện nay là sàn diễn làm sao thu hút khán giả. Giải Mai Vàng cần đặt hàng các đơn vị nghệ thuật, trở thành "bà đỡ" cho một số tác phẩm đỉnh cao ra đời phục vụ bạn đọc, công chúng" - NSND Tạ Minh Tâm mong muốn.
Ca sĩ Cẩm Vân (giữa) giao lưu với khán giả, bạn đọc tại Nhà hát TP tối 20-1.
Ca sĩ Cẩm Vân đến với mùa Giải Mai Vàng năm nay bằng tâm thế tự hào, bởi theo chị, giải Mai Vàng năm 1995-1996 khi chị được trao giải hai năm liền vẫn còn in đậm trong ký ức. "Khí đó, giải được tổ chức mộc mạc ở Khu du lịch Suối Tiên, Công viên Văn hóa Đầm Sen. Giải năm nay được nâng tầm chuyên nghiệp, tạo sự đồng bộ trong cách dàn dựng nâng cao tính nhân văn, ý nghĩa sâu sắc và lan tỏa đến giá trị giữ gìn văn hóa cội nguồn của dân tộc là một thành quả lớn" - Ca sĩ Cẩm Vân nói và chị cũng bày tỏ bên cạnh việc quảng bá nét đẹp của văn hóa truyền thống trên các phương tiện báo chí thì có một cách tiếp cận mới qua Facebook, Instagram… Đây là một hướng đi mới của văn nghệ sĩ Mai Vàng.
Ca sĩ Ánh Tuyết với ca khúc "Gửi vô Nam" của Hồ Tấn Vũ
Cùng quan điểm với ca sĩ Cẩm Vân, ca sĩ Ánh Tuyết - người thể hiện xuất sắc ca khúc "Gửi vô Nam" của nhà báo Hồ Tấn Vũ, đã nói: "Theo tôi, đã tới lúc mỗi các đơn vị nghệ thuật xã hội hóa cần xây dựng một ban truyền thông và phải có người chuyên trách để cập nhật liên tục các thông tin của từng đơn vị. Truyền thông là cách để nghệ thuật biểu diễn lan tỏa đến cộng đồng một cách mạnh mẽ. Giải Mai Vàng chính là sợi dây liên kết chặt chẽ nhất để qua đó giới thiệu đến bạn đọc những sản phẩm chất lượng của nghệ sĩ đã từng đoạt giải" - Ca sĩ Ánh Tuyết bộc bạch.
NSND Kim Xuân và ông Lâm Đình Thắng - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP HCM trao giải Mai Vàng cho MV "Chim quý trong lòng" cho nhà sản xuất K-ICM (giữa)
Với NSND Kim Xuân, khi công chúng của thời đại 4.0 đứng trước nhiều sự lựa chọn trong lĩnh vực giải trí thì cải lương, hát bội, chèo, dân ca lại khó khăn trong nhiều năm qua. "Chính sự kết hợp mang tính sáng tạo trong chương trình nghệ thuật của giải Mai Vàng lần thứ 27-2021, cụ thể qua tiết mục "Rap đón xuân" của TK Bùi, Hoàng Tâm, Trần Quang khi đưa rap kết hợp với trống bồng đã có sức hút riêng và khán giả tiếp nhận ngay sự "đổi món" lạ, độc đáo. "Những năm gần đây, cải lương đã có nhiều thử nghiệm khi kết hợp với nhiều loại hình nghệ thuật khác như: xiếc, chèo, nhạc jazz… Tôi thấy đó là nỗ lực tìm kiếm ngôn ngữ thể hiện mới, mà qua giải Mai Vàng hàng năm, hình thức sân khấu mới lạ và sự thử nghiệm như cách làm của "Rap đón xuân" là một hiệu ứng tích cực. Còn khán giả là sân khấu nghệ thuật của chương trình "Mai Vàng" còn liên tục thử nghiệm, đổi mới để thỏa mãn những đòi hỏi của công chúng" - NSND Kim Xuân nhấn mạnh.
Bình luận (0)