Để giải quyết nguồn kinh phí khá lớn cho công tác bảo tồn di tích, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM đã đề xuất thành phố tăng đầu tư ngân sách, cũng như đẩy mạnh công tác xã hội hóa để hoạt động bảo tồn di tích đạt hiệu quả cao.
Phương thức đối tác công - tư
Qua khảo sát, TP HCM có 233 tài nguyên văn hóa cùng 185 di tích văn hóa lịch sử và kiến trúc nghệ thuật có thể khai thác phục vụ du lịch. Trong đó, có 15 di tích quan trọng đã trở thành những điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan như: Hội trường Thống Nhất, Bến Nhà Rồng, Địa đạo Củ Chi, Khu căn cứ rừng Sác Cần Giờ, trụ sở UBND TP HCM, Bưu điện Thành phố, Nhà hát TP HCM, nhà thờ Đức Bà, nhà thờ Tân Định, Lăng Ông Bà Chiểu...
Thành phố cũng đang triển khai khoảng 30 chương trình du lịch gắn với các di sản, di tích văn hóa lịch sử như: "Biệt động Sài Gòn", "Trăm năm tìm lại dấu xưa"... Theo giới nghiên cứu có 2 công trình cần được tu bổ ngay đó là di tích lò gốm Hưng Lợi và Ba Son - di tích cấp quốc gia, địa điểm ghi dấu nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với thân thế, sự nghiệp hoạt động cách mạng của Chủ tịch Tôn Đức Thắng.
Tại chương trình "Đối thoại cùng chính quyền thành phố" với chủ đề: "Đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo và khai thác các công trình di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn" - ông Huỳnh Thanh Hùng, Phó Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP HCM, cho rằng các cấp lãnh đạo thành phố luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác bảo tồn di tích lịch sử, di sản, cảnh quan kiến trúc đô thị và xác định đây là việc cần làm trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Trong thời gian vừa qua, thành phố đã tu bổ hơn 50 di tích. Tuy nhiên, nguồn kinh phí cho hoạt động này có hạn nên ông Hùng đề xuất thành phố đẩy mạnh xã hội hóa để việc bảo tồn di tích đạt hiệu quả tốt hơn.
Nói thêm về nguồn kinh phí cho công tác bảo tồn di sản, Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM cho biết sở sẽ phối hợp với các đơn vị chức năng rà soát, tham mưu cho thành phố xây dựng danh mục dự án, công trình văn hóa của thành phố và kêu gọi đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP).
“Bảo tàng Biệt động Sài Gòn” - một di tích lịch sử, một địa chỉ đỏ - đang là điểm đến của nhiều du khách trong và ngoài nước khi đến TP HCM
Đào tạo chuyên gia về bảo tồn
Theo các chuyên gia công tác trùng tu tôn tạo di tích trên địa bàn TP HCM đang gặp nhiều trở ngại, khó khăn về kinh phí thì vẫn có thể vận động xã hội hóa nhưng khó khăn lớn nhất chính là thành phố đang thiếu các chuyên gia nghiên cứu am hiểu về văn hóa, lịch sử, kỹ thuật để thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo bảo đảm yếu tố chuyên môn. Thành phố cần phải thành lập một hội đồng các chuyên gia bao gồm các nhà nghiên cứu, nhà khảo cổ và đội ngũ phục chế có tay nghề, có kinh nghiệm chuyên thực hiện các công trình bảo tồn, phục hồi di tích. "Cần hạn chế thấp nhất tình trạng bảo tồn, tôn tạo sai, sau đó rút kinh nghiệm thì "đau lòng" cho di tích mà ông cha, lịch sử đã để lại cho chúng ta" - nhà sử học Nguyễn Đình Đầu nhấn mạnh.
Theo PGS-TS Phan Bích Hà (Trường ĐH Văn Lang TP HCM), thực tế trong thời gian qua đã xảy ra không ít trường hợp di tích bị hư hại do những người không có tay nghề gây ra. "Bức tranh "Vườn xuân Trung Nam Bắc" của danh họa Nguyễn Gia Trí trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật TP HCM đã bị hư hỏng do nhóm thực hiện bảo tồn không có chuyên môn đã làm vệ sinh trực tiếp lên bề mặt bức tranh" - TS Phan Bích Hà cho biết.
Mới đây, tại hội nghị do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật TP HCM tổ chức góp ý cho dự thảo "Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư chương trình Mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2030, tầm nhìn đến năm 2045", các nhà chuyên môn cũng đã kiến nghị, thành phố cần sớm có chế độ tuyển chọn lực lượng trẻ công tác ở lĩnh vực bảo tồn di sản ra nước ngoài tu nghiệp. "Không đào tạo ngay từ bây giờ, sẽ thiếu các chuyên gia có chuyên môn thực hiện việc bảo tồn, tôn tạo di tích bằng công nghệ mới, kỹ thuật chuyên sâu" - các chuyên gia nêu ý kiến.
Nhà sử học Nguyễn Đình Đầu cho rằng hiện nay, đa số di tích ở TP HCM đã có tuổi đời lên đến vài trăm năm, do vậy nhiều công trình đã, đang bị xuống cấp, cần thực hiện cấp bách công tác bảo tồn và quan trọng hơn là phải bảo tồn, tôn tạo cho đúng. "Nếu kịp thời phục chế, bảo tồn sẽ phát huy giá trị di tích và sinh hoạt tín ngưỡng của nhân dân, từ đó giáo dục thế hệ trẻ biết kính trọng di sản, củng cố tinh thần ái quốc thông qua di sản".
Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Tư kiến nghị: "Nên phát huy tối đa nguồn lực từ xã hội hóa, để có đủ điều kiện thẩm định kỹ lưỡng và chọn giải pháp bảo tồn hiệu quả nhất cho chiến lược bảo tồn, phục hồi những di tích văn hóa của TP HCM".
Bình luận (0)